Chào các bạn,
Hôm nay mình chia sẻ thêm với các bạn một phương pháp khác để giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, đó là “Xác Định Thời Gian Vàng Sinh Học” của bạn.
Mỗi người chúng ta, về mặt sinh học, sẽ có một thời gian vàng khác nhau. Và trong khoảng thời gian này mọi người sẽ đạt hiệu suất cao nhất, sáng tạo nhất, tập trung nhất, nhiều năng lượng nhất. Và mình nhắc lại, không ai giống ai về mặt thời gian sinh học vàng cả. Để mình ví dụ sự khác biệt cho các bạn thấy:
- Với bản thân mình thì như sau: Thường thức dậy vào lúc 6h30 sáng. Và thời gian sinh học vàng của mình thường sẽ bắt đầu lúc 8h cho đến tầm 11h trưa. Sau đó thì năng lượng của mình giảm dần và buổi chiều thường là lúc thấp nhất. Đến tầm tối khoảng 8h thì khoảng thời gian vàng này lại xuất hiện và kéo dài đến khoảng 10h tối.
- Với sếp cũ của mình thì ngược lại: Thường không dậy sớm vào buổi sáng. Sau khi dậy thì lang thang đọc cái này cái kia, cho đến trưa gần 12h mới vào công ty. Ăn uống chém gió các kiểu thì tầm 2h trưa mới tập trung làm việc đến khoảng 7h tối. Sau đó thì đến tối tầm 11h sẽ lại làm việc tới khoảng 1-2h đêm gì đó thì mới đi ngủ.
Bạn thấy đấy, thời gian vàng sinh học cực kỳ khác nhau ở mỗi người. Vậy việc biết được thời gian vàng của mình quan trọng như thế nào? Theo mình có một vài ý sau:
1. Thường khi đọc báo, ta hay thấy những bài viết như “Người thành công dậy sớm làm 5 điều sau vào buổi sáng”; hay “Muốn thành công, hãy dậy sớm và làm những điều sau” v…v… Tuy nhiên, ở ví dụ trên mình đã chỉ ra cho bạn thấy mỗi người rất khác nhau, và cả hai đều có những thành công nhất định. Nếu không muốn nói, sếp mình cực kỳ thành công trong mảng sự nghiệp của anh (mà ảnh đâu có dậy sớm đâu). Nếu bạn không làm việc hiệu quả vào buổi sáng, mắc gì cứ phải dậy sớm để làm khổ mình?
2. Thời gian vàng sinh học là khoảng thời gian hiệu quả nhất của bạn, vậy nên bạn cần phải bảo vệ nó tối đa. Trong khoảng thời gian này chỉ nên tập trung làm những việc quan trọng nhất, thử thách nhất và đòi hỏi đến sự sáng tạo, trí tuệ của mình nhất. Đừng dùng nó vào những việc phí phạm như: trả lời mail, họp hành, làm việc ít giá trị, việc hành chính – giấy tờ, lướt web, facebook v…v…
Có một câu nói của Jim Rohn mà mình rất thích là: “Hãy học cách phân định giữa cái gì là chính, cái gì là phụ. Rất nhiều người không thành công đơn giản vì họ dành thời gian chính cho việc phụ, và dành thời gian phụ cho việc chính.”
Đừng dùng thời gian vàng của mình vào những việc lặt vặt bạn nhé.
3. Những khoảng thời gian mà năng lượng của bạn thấp hơn, bạn có thể dùng nó để làm những việc ít đòi hỏi tư duy và sáng tạo hơn. Hoặc nếu bạn biết đó là thời gian thấp điểm của mình thì có thể sắp xếp các hoạt động giúp lấy lại năng lượng như tập thể dục thể thao, ăn uống lấy lại sức, ngồi thiền, yoga, giao tiếp với đồng nghiệp (dành cho người hướng ngoại). Như vậy, bạn vừa hiệu quả mà lại tận dụng tối đa thời gian mình có trong một ngày.
Làm Thế Nào Để Xác Định Thời Gian Vàng?
Dễ nhất là tự quan sát bản thân. Bạn hãy thử nghiệm trong một tuần tới như sau:
- Nếu không có chất kích thích, caffein thì bạn thấy mình có nhiều năng lượng nhất vào khoảng thời gian nào?
- Hãy đi ngủ và thức dậy một cách tự nhiên nhất, không dùng báo thức, không dùng điện thoại trước khi ngủ để xem mình là người “cú đêm” hay “chim sớm”.
Sau một tuần, bạn sẽ bắt đầu thấy được mô thức tự nhiên của mình thôi. Rất đơn giản.
Còn hai cách khác nữa đó là làm một bài trắc nghiệm và ghi chú vào bảng theo dõi năng lượng. Tuy nhiên, hai cách này mình xin phép không được share vì nó độc quyền dành riêng cho các bạn nào học khóa học “Làm Việc Hiệu Quả Thật Dễ Dàng” mà mình đang tổ chức. Bạn nào muốn biết thêm thì hãy cân nhắc tham gia khóa học nhé.
Chúc các bạn sớm xác định thời gian vàng của mình.
Thân mến,
Đinh Hải Đăng
2 Responses
Em có vài thử nghiệm sau
1/ Theo nguyên lý 1% nên e tập dc thói quen dậy lúc 5am. Được 3-4 tháng mới để ý thấy e thường xuyên bị đau đầu. Lúc này em mới biết em ko phải “morning person”, thành ra lại quay về thói quen dậy trễ hơn. Giờ đọc e mới hiểu hơn thời gian vàng của mình. Thanksss
2/ Vì em thích kiểu “eat the frogs first” nên bất chấp thời gian vàng của em là buổi chiều và tối luôn. Ăn sáng xong là thích lao vô làm các priorities trước. Đúng là có những lúc mất tập trung, buồn ngủ nhưng bù lại trưa dc peace in mind.
Nhưng e thắc mắc là nếu cách này dần trở thành thói quen thì thời gian vàng có chuyển từ buổi tối sang buổi sáng ko anh ơi?
Cảm ơn anh nhiều nhé 🙂
Anh chưa đủ bằng chứng để trả lời liệu có đổi thời gian vàng được không em ơi :). Nhưng từ gốc của nó gọi là “biological prime time” (thời gian vàng sinh học) nên có khi nó được quy định trong cơ thể sinh học của mình rồi. Em quan sát thử thêm xem thế nào nha.