Tựa đề bài này cũng là câu nói của thầy Giản Tư Trung. Tôi chưa bao giờ được gặp mặt thầy trực tiếp, nhưng tôi ngưỡng mộ lối sống và tư tưởng giáo dục của thầy. Câu nói này của thầy tôi vô tình đọc được thông qua bài viết của một người anh. Câu nói này của thầy có thể nhắm đến doanh nghiệp nhiều hơn, nhưng điều đó cũng không có nghĩa nó không đúng với bản thân tôi. Và thật sự là nó rất đúng.
Khi tôi biết “vì người” tôi học được rằng
1. Ở “người” có rất nhiều điều mà tôi có thể học được. Càng “vì người” nhiều, tôi càng học được nhiều thứ để “vì mình” tốt hơn. Tôi nhận ra rằng mỗi người là một điều gì đó thú vị mà tôi có thể học được. Kể cả những người mà xã hội coi là lập dị, thì tôi vẫn thấy ở người đó có thứ gì đó hay ho mà tôi có thể học được. Bất kỳ lúc nào tôi quên đi điều này, y như rằng là tôi đang mất đi cơ hội học hỏi được thứ gì đó.
2. Càng “vì người” nhiều khiến tôi hiểu rằng tôi đang sống có ý nghĩa. Nếu như tất cả mọi người chỉ sống “vì mình” thì có lẽ xã hội này đã loạn lên từ lúc nào rồi. Cho nên cuộc đời này có những người như mẹ Teresa, Bill Gates, John Wood… lựa chọn sống “vì người” để giúp cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ bạn cho rằng đó là lý tưởng hóa, nhưng nếu lý tưởng đó mang lại ý nghĩa cho cuộc đời ta, thì cũng đáng để làm chứ nhỉ J
3. Mỗi khi “vì người” và thấy “người” thành công, lúc đó tôi biết rằng tôi cũng thành công. Tôi luôn tự hào khi biết rằng đối với một số người nhất định, tôi có thể hãnh diện nói rằng: “Tôi đã tạo sự khác biệt trong cuộc đời của người này.” Có những “người” ban đầu khi gặp tôi là một người rất nhút nhát, không tin vào chính bản thân mình và mang theo những niềm tin giới hạn cản trở chính mình. Nhưng qua một thời gian giúp đỡ cùng với sự nỗ lực của chính người đó, họ đã hoàn toàn thay đổi theo một hướng tích cực. Nhìn thấy cuộc sống của họ tốt hơn từng ngày, cũng đáng bỏ công sức để “vì người” lắm chứ nhỉ?
4. “Vì người” cũng là “vì mình”. Bởi vì muốn “vì người” thì trước hết bạn phải đủ mạnh mẽ để đứng trên đôi chân của chính mình. Bạn phải có đủ tự tin và nội lực để sống với những gì bạn chia sẻ. Bạn sẽ không thể “vì người” khi bạn không có sự chính trực tồn tại bên trong mình. Chính trực nghĩa là làm những điều bạn nói. Kể cả khi không có ai quan sát bạn, thì bạn vẫn sẽ làm. Đó gọi là chính trực. Chính vì thế, muốn “vì người” thì bạn cần phải “vì mình” thật sự. Một khi bạn đạt đến ngưỡng nhất định, bạn đã “vì mình” một cách thành công rồi đó.
5. Khi bạn “vì người”, sẽ có ngày “người” quay lại “vì bạn”. Nói gì thì nói, chắc chắn trong cuộc sống sẽ có lúc bạn gặp phải những thử thách mà bạn chỉ có thể vượt qua khi có sự hỗ trợ từ người khác. Vậy ai sẵn sang giúp đỡ bạn vô điều kiện trong những tình huống như vậy? Chỉ có “người” mà thôi J. Chúng ta sống trong cuộc sống này, gặp nhau thì cũng coi như là có duyên và nợ. Và chúng ta sẽ luôn nợ nhau, bởi vì đơn giản chúng ta không bao giờ thoát khỏi sự quan tâm và yêu thương của người khác.
6. Và đơn giản rằng “vì người” là cách “vì mình” khôn ngoan nhất…
Chúc các bạn sống “vì người” để “vì mình” nhé!
Hải Đăng
No responses yet