Đinh Hải Đăng

Đây là câu thần chú đã cứu cánh cho mình rất nhiều lần trong những tình huống tưởng như đã là “bàn thua trông thấy”.

Và mình học được nó từ sếp cũ của mình. Anh là một người lúc nào cũng có thể nhìn ra được tia sáng phía cuối đường hầm và nhìn thấy cơ hội trong khó khăn.

Trong công việc, anh là người dạy cho mình tư duy đúng đắn của một người lãnh đạo là như thế nào. Trong những lúc khó khăn nhất, khi tất cả mọi người đều nhìn thấy “cửa tử”, thì người lãnh đạo phải luôn là người có thể nhìn thấy được “cửa sinh”.

Tương tự, những khó khăn bạn đang trải qua lúc này cũng có thể mang trong nó những cơ hội tuyệt vời nhất mà bạn có thể gặp được.

Quan trọng là, bộ não của bạn đang được lập trình để thấy “cửa” nào?

Mình nhớ ngày mới bắt đầu lập blog này, khó khăn trăm bề. Không có kiến thức gì nhiều về làm web cả. Cũng chẳng có bất kỳ kinh nghiệm gì về việc viết lách. Lại càng không có bất kỳ một kiến thức gì về marketing. Đây là khó khăn hay cơ hội? Tùy bạn nhìn nhận vấn đề.

Đối với mình, nó là cơ hội. Nhờ nó mà mình đã tự học được một số kiến thức căn bản về HTML/CSS để nếu cần có thể chỉnh cái này, cái kia trên website mà không cần phải nhờ cậy ai. Nhờ nó mình tự tìm tòi cách viết lách sao cho cuốn hút hơn, thú vị hơn và thể hiện con người mình hơn. Nhờ nó mình tự mày mò các kiến thức, thuật ngữ về marketing để thu hút người đọc nhiều hơn.

Hay lấy một ví dụ khác trong xã hội hiện tại đi. Gần đây đang nổi cộm vấn đề về việc các ứng dụng bắt xe “GrabBike” hay “Uber” đang dần lấy đi công ăn việc làm của các bác xe ôm truyền thống. Vậy đây là khó khăn hay cơ hội?

Lại cũng tùy cách nhìn nhận. Có bác xe ôm bảo rằng họ già rồi, không học được công nghệ nên không đăng ký chạy Grab. Dĩ nhiên mình cũng thông cảm về điều này. Nhưng vấn đề là nhiều lần mình gọi Grab cũng có nhiều bác xe ôm rất già mà vẫn chạy Grab Bike. Họ có phải đã nhìn thấy “cửa sinh” trong “cửa tử” hay không?

Cuộc sống này vận hành theo quy luật âm dương của nó. Trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Trong khó khăn có cơ hội, trong cơ hội có khó khăn. Trong âm có dương, trong dương có âm. Bạn không nên để bản thân bị vướng vào tư duy một chiều, nghĩa là chỉ thấy có một mặt vấn đề được.

Ngay lúc này đây, bạn hãy nhìn thằng vào khó khăn của mình đang gặp phải, và tự hỏi bản thân xem: “Cơ hội dành cho mình ở đây là gì?”

Mình cá chắc với bạn một điều, bạn sẽ có hàng loạt câu trả lời cho câu hỏi trên. Vấn đề là, sau khi nhìn ra được cơ hội, bạn có chấp nhận vượt qua khó khăn để nắm lấy cơ hội hay không? Vì như mình đã nói, trong khó khăn là cơ hội, mà trong cơ hội cũng lại có khó khăn.

Vậy làm thế nào để rèn luyện não bộ thành thói quen nhìn đâu cũng thấy cơ hội? Mình thấy có một vài cách sau đây.

Chuẩn Bị Kiến Thức và kinh nghiệm

Đôi khi cái gọi là cơ hội không gì hơn là bạn đã chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và kinh nghiệm của mình. Và khi mọi người nhìn thấy mọi thứ là khó khăn, thì với kiến thức bạn đã chuẩn bị sẵn, bạn lại có thể nhìn thấy cơ hội trong đó.

Kiến thức thì dễ rồi, bạn có thể học ở bất kỳ đâu: sách vở; khóa học (online lẫn offline); những bậc tiền bối đi trước; tự trải nghiệm để học…

Kinh nghiệm thì khó hơn một chút, đòi hỏi bạn phải dám dấn thân hành động. Nhưng dĩ nhiên cái gì khó thì nó mới có giá trị. Một tấn lý thuyết không bằng một gam hành động mà.

Vậy nên ngay từ lúc còn trẻ, bạn phải nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân nhé.

chú ý suy nghĩ của mình

Mỗi khi bạn thấy bản thân rơi vào suy nghĩ bi quan khi gặp khó khăn, hãy ngay lập tức kéo mình về hiện tại. Bạn có thể hít thở ba hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh.

Sau đó, lập lại trong đầu mình nhiều lần câu hỏi: “Cơ hội ở đây là gì?”

Não bộ của chúng ta có thể ví như một cỗ máy Google khổng lồ vậy. Nó phản ứng với những câu hỏi chúng ta đặt ra cho bản thân. Và nó sẽ luôn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó.

Vì vậy, huấn luyện bản thân chú ý đến những suy nghĩ của mình, rồi đặt cho mình những câu hỏi tích cực là cách để bạn lập trình lại não bộ của mình.

Học từ thất bại

Đôi khi cơ hội đến dưới hình dạng của sự thất bại. Trong mỗi lần bạn thất bại đều có ẩn chứa một bài học mà nó sẽ lập đi lập lại cho đến khi nào bạn học được bài hoc ấy thì thôi.

Chính vì vậy, mỗi khi gặp thất bại, đừng nản chí. Thay vào đó, bạn hãy tự hỏi mình: “Bài học mình học đươc ở thất bài này là gì?”

Một lần nữa, não bộ của bạn sẽ tìm cách trả lời cho bằng được câu hỏi đó. Hãy nhìn thật kỹ, và bạn sẽ thấy có những bài học mà chẳng nơi đâu có thể dạy bạn tốt hơn bằng thất bại của bạn.

Chúc bạn luôn nhìn thấy “trong khó khăn là cơ hội”.

Thân mến,

Đinh Hải Đăng

Tags

No responses yet

Chia sẻ cảm nhận