Ngược dòng lịch sử

Khoảng hơn 2600 năm trước, vào thời của Đức Phật, sau khi đã giác ngộ, ngài bắt đầu đi thuyết giảng về đạo Phật và sự tỉnh thức cho mọi người. Trong rất nhiều câu chuyện giáo độ chúng sinh của người, Đức Phật thường sử dụng các câu hỏi để khơi gợi suy nghĩ bên trong người được thọ nhận giáo pháp.

Khai vấn thời đức phật
Đặt câu hỏi Khai vấn theo Socrates

Ở Tây Phương khoảng 2300 năm trước, tại thành Athens có Socrates, vị vị triết gia lỗi lạc của Hy Lạp, sử dụng phương pháp đặt câu hỏi để khiến người dân thành Athens phải suy nghĩ lại về những gì họ tưởng là họ đã biết. Socrates từng nói rằng: “Tôi chẳng thể dạy ai điều gì, tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ.” Cách giảng dạy bằng câu hỏi này được đặt tên là Phương pháp Socrates (Socratic Questioning Method).

Trước khi công nghệ hơi nước ra đời, nhân loại đã sử dụng các cỗ xe ngựa để di chuyển đến khắp nơi trên thế giới. Từ Coach ban đầu được sử dụng để chỉ những cỗ xe ngựa này.

Từ Coach ban đầu ám chỉ cỗ xe ngựa
Coach ban đầu được hiểu là huấn luyện viên thể thao

Về sau này, các môn thể thao trở nên thịnh hành và vai trò của các vị huấn luyện viên rất quan trọng trong thành công của đội. Lúc này từ Coach được hiểu là Sports Coach (HLV thể thao), hoặc Fitness Coach (HLV thể hình). Chưa có khái niệm về Life Coach (Khai vấn) tại thời điểm này.

Năm 1974, Ts. Chérie Carter-Scott trong quá trình đi tìm ý nghĩa đời mình đã vô tình sử dụng phương pháp đặt câu hỏi để hỗ trợ cho những người xung quanh cô. Tại thời điểm ấy, chính cô cũng không biết nên gọi nghề của mình là Life Coach. Cô chỉ đơn giản lắng nghe tiếng lòng của mình và theo đuổi nó. Về sau này, cô được mệnh danh là The Mother of Coaching (Mẹ đẻ ngành Khai vấn).

Cùng năm ấy, quyển sách The Inner Game of Tennis của Timothy Gallwey ra đời khiến cho mọi người có một cái nhìn khác về việc huấn luyện trong tennis. Trước đó, Coaching trong thể thao chỉ là việc chỉ ra lỗi sai, luyện tập kỹ thuật v.v. Nhưng với sự ra đời của quyển sách này, Tim Gallwey cho thấy rằng để đạt được hiệu quả đỉnh cao nhất thì khía cạnh nội tại của một tuyển thủ phải được thông suốt rõ ràng. Quyển sách này đặt nền tảng rất lớn cho nghề Khai vấn sau này.

Thomas Leonard, một chuyên gia lên kế hoạch tài chính nhận thấy rằng khách hàng của ông không chỉ cần chuyện lên kế hoạch tài chính, mà họ còn cần được hỗ trợ nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Leonard dần dần chuyển từ công việc lên kế hoạch tài chính sang lên kế hoạch cuộc đời (lúc đấy ông gọi là life planning chứ chưa gọi là life coaching) cho khách hàng của mình.

Năm 1995, Thomas Leonard cùng một số Coach khác thành lập International Coach Federation nhằm mục đích tạo mạng lưới cho các Coach cũng như để bảo chứng chất lượng cho ngành Khai vấn. Đến nay, ICF đã tồn tại hơn 25 năm và đang là tổ chức về Khai vấn lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới. Sự ra đời của ICF giúp cho nghề Khai vấn dần dần được biết đến và công nhận trên toàn cầu.

Phân biệt Khai vấn và các hình thức hỗ trợ

Trước khi tìm hiểu Khai vấn là gì, bạn cần phân biệt các hình thức hỗ trợ khác nhau.

Tư vấn (CONSULTING)

Thường là một cá nhân có kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó và được cá nhân hay tổ chức mời về để tư vấn cho họ. Thông thường thì tư vấn viên sẽ là người chẩn đoán vấn đề, đưa ra giải pháp và đôi lúc họ là người thực thi giải pháp luôn. Khác với tư vấn, trong khai vấn người coach tin rằng bạn có thể tìm ra câu trả lời nằm ở sâu thẳm bên trong chính bản thân mình.

Cố vấn (mentoring)

Có thể hiểu như là người đi trước dẫn dắt người đi sau dựa trên kinh nghiệm của họ trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Thường thì họ sẽ đưa ra lời khuyên, chỉ bảo cho người được dẫn dắt. Khác biệt lớn nhất giữa khai vấn và cố vấn đó là coach không hẳn phải là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn. Nhờ vậy, cách tiếp cận của coach sẽ không bị ảnh hưởng bởi những định kiến có sẵn trước đó.

Tham vấn (therapy)

Tham vấn tập trung vào việc chữa lành nỗi đau trong quá khứ. Nó tập trung vào việc giải quyết những gì đã diễn ra trong quá khứ mà vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của cá nhân ấy. Ngược lại, khai vấn tập trung vào hiện tại và tin rằng con người có quyền lựa chọn và họ có khả năng thay đổi cuộc sống của mình bằng những lựa chọn trong hiện tại.

Đào tạo (training)

Một chương trình đào tạo về kỹ năng cho số đông. Người giảng viên thường là người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mục tiêu của việc đào tạo là giúp xây dựng kỹ năng cho những người mới trong lĩnh vực đó. Câu trả lời đến từ chuyên gia đào tạo. Chương trình đào tạo thường không có tính cá nhân hóa cho từng người.

Vậy Khai vấn là gì?

ICF định nghĩa Khai vấn là “Đồng hành cùng khách hàng đi qua một quá trình kích thích tư duy, sáng tạo, tạo cảm hứng tối ưu hóa tiềm năng trong công việc và cuộc sống.”

Riêng đối với tôi và các đồng nghiệp tại LCV, sau một quá trình hành nghề và nhìn lại, chúng tôi định nghĩa bản chất của Khai vấn = Lựa chọn + Đồng hành.

LỰA CHỌN

Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Mỗi giây mỗi phút đều là một lựa chọn. Điều quan trọng là lựa chọn của bạn sẽ mang bạn đến gần với hạnh phúc và trọn vẹn, hay sẽ mang bạn đi xa khỏi nó? Làm sao để lựa chọn những con đường phù hợp với bạn đây? Câu trả lời chính là chất lượng trong mối quan hệ của bạn với chính bạn, hay nói cách khác là việc bạn kết nối được với chính mình, lắng nghe được tiếng lòng của mình. Khai vấn tạo cho bạn môi trường để gác lại những tiếng ồn ở bên ngoài, quay vào bên trong để nghe thấy mong muốn cuả mình. Sư ông Thích Nhất Hạnh của Làng Mai đã từng nói “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm” (The way out is in) chính là như vậy.

ĐỒNG HÀNH

 Nhà giáo dục John Dewey đã từng nói: “Chúng ta không học từ trải nghiệm, chúng ta học từ việc nhìn lại trải nghiệm.” Mọi lựa chọn của bạn đều ẩn chứa trong đó một bài học. Việc của người Coach không chỉ là giúp bạn ra lựa chọn, mà còn đồng hành cùng bạn trong hành trình đi theo lựa chọn ấy. Quá trình Khai vấn tạo cho bạn một môi trường để liên tục được nhìn lại các lựa chọn của mình, tìm thấy các yếu tố thành công hay các bài học kinh nghiệm từ đó. Chúng ta chẳng thể nào đảm bảo được mọi lựa chọn của mình sẽ đúng 100% ngay từ đầu, và điều đó là bất khả thi. Nhưng chúng ta có quyền chọn sẽ làm gì sau khi trải nghiệm lựa chọn mình đưa ra, điều đó mới quan trọng.

Kết quả của quá trình Khai vấn không chỉ là giúp bạn đạt được mục tiêu bên ngoài, mà còn phát triển một sự vững vàng nội tại bên trong. 

Bạn đã sẵn sàng cho quá trình Khai vấn?