Vừa rồi mình có một buổi khai vấn với một bạn khách hàng.
Bạn này rất thích làm nông nghiệp và nó là một niềm yêu thích kể từ năm cấp 3 rồi. Sau này bạn đọc Tony Buổi Sáng thì lại càng yêu thích hơn nữa.
Rồi gần đây bạn tiếp xúc với một người khác. Người này sau khi hỏi vài câu như: “Em biết gì về nông nghiệp? Biết gì về xuất khẩu?…” đại khái là những câu hỏi về nông nghiệp thì bạn ấp úng không trả lời được. Vậy là người này kết luận là đây không phải đam mê của em đâu, chỉ là sở thích mà thôi. Vì nếu đã là đam mê thì em sẽ tìm hiểu và biết hết những điều chị nói.
Nghe xong thì mình nghĩ người này đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Đúng ở chỗ nếu đã mê thì chắc chắn sẽ biết hoặc tìm hiểu về ngành mình mê. Nhưng không đúng ở chỗ mê một ngành nhưng hiện tại chưa biết gì nhiều thì không thể kết luận là bạn không mê ngành đó được. Hai cái hoàn toàn khác nhau.
Vậy là nghe xong kết luận đó, bạn mới nói với mình là: “Thôi bây giờ em sẽ chọn đi dạy tiếng Anh, và thời gian rảnh thì em làm dịch thuật.” Điều quan trọng nhất đó là mình đã đồng hành cùng bạn gần 4 tháng, và mình nhận thấy rất rõ trong những cuộc nói chuyện thì từ khóa “nông nghiệp” luôn luôn xuất hiện bằng cách này hay cách khác.
Vậy là mình hỏi bạn: “Anh hỏi thật nhé, có phải dù em đã bao nhiêu lần quay lưng đi, nhưng ‘nông nghiệp’ vẫn là thứ hiển hiện trong đầu em phải không? It keeps coming back, right? Dù chỉ là tiếng nói nhỏ thôi, nhưng nó vẫn quay lại phải không?”
Bạn trả lời: “Đúng vậy. Em không hiểu sao nhưng ‘nông nghiệp’ là thứ mà em đã thấy rất thích từ những năm em học cấp 3, trước cả khi đọc Dượng Tony cơ.”
Mình mới nói rằng: “Tiếng lòng là một thứ gì đó mà ai cũng có trong cuộc đời này. Quan trọng là có người nghe được và đáp lại, có người thì không bao giờ nghe được và đáp lại luôn. Người nghe được và đáp lại là những người đã tập lắng nghe con tim của mình. Họ không để cho những ồn ào, ầm ĩ bên ngoài làm át đi tiếng lòng của mình. Anh thấy em đang cho phép người khác lấn át tiếng gọi con tim của em đó. Bây giờ anh hỏi em, giữa một bên là đi dạy tiếng Anh rồi làm dịch thuật, một bên là nông nghiệp thì bên nào em thấy chính bản thân mình trong vòng 5 năm nữa? Mơ hồ cũng được, nhưng ít nhất em biết mình phải làm gì trong vòng 5 năm tiếp theo.”
Bạn trả lời: “Em nhìn thấy mình ở bên nông nghiệp. Nếu bỏ qua hết tất cả mọi thứ và em được lựa chọn, em vẫn muốn chọn bên nông nghiệp.”
Sau phiên khai vấn đó, bạn đã cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Làm sao lắng nghe tiếng lòng của mình?
Như mình đã nói ở trên, đó là xã hội ngày nay có quá nhiều thứ khiến cho chúng ta bị phân tâm và bị tách rời khỏi chính mình. Chúng ta có Internet, có smartphone, có tablet, có TV, có shopping, có games, có phim ảnh, có báo lá cải v…v…
Thật ra tất cả những thứ này bản thân nó không có hại. Nhưng nếu một người chìm đắm vào những thứ này mà quên đi việc kết nối với bản thân, họ sẽ rất dễ để cho tiếng gọi bên trong bị lấn át.
Để thật sự lắng nghe được trái tim của mình, chúng ta cần phải thực hành quay vào bên trong. Chúng ta cần phải dành thời gian để thật sự lắng nghe chính mình.
Vậy làm thế nào để làm được điều đó? Mình có một số gợi ý sau:
1. Dành thời gian yên tĩnh cho mình thay vì công nghệ hiện đại
Mình phải thành thật là mình cũng khá là nghiện Internet và thiết bị điện tử công nghệ cao. Nhưng dạo gần đây mình đã dần dần cắt bớt thời gian sử dụng những thứ này.
Mình reset lại smartphone, không cài thêm app gì cả và chỉ dùng nó để nghe gọi. Không Facebook, không Messenger, không Instagram v…v… Mình quy định luôn là trừ khi cần thiết, còn nếu không sẽ không dùng điện thoại cho công việc (việc đó có laptop lo) mà chỉ dùng để nghe gọi. Kể từ lúc đó thời gian mình cầm điện thoại ít hẳn và cũng ít bị khống chế bởi nó.
Với Internet, mình mua một phần mềm tên là Freedom. Phần mềm này khi sử dụng sẽ tự động khiến cho mình không vào một vài trang mạng cụ thể hoặc sẽ ngắt toàn bộ Internet luôn. Vậy là mình quy định cứ 10h đêm là phần mềm bắt đầu chạy trên cả iPad lẫn Laptop.
Bây giờ không còn Internet nữa thì chỉ còn quay sang đọc sách hoặc làm các hoạt động khác thôi chứ sao giờ. Ban đầu sẽ hơi khó chịu, nhưng dần dần rồi bạn sẽ quen.
2. Tập thiền hoặc đơn giản là ngồi hít thở

Công phu thiền tập của mình rất là ít ỏi nên mình không dám nói nhiều ở đây. Mình cũng chỉ mới bắt đầu tập luyện mà thôi. Dự tính là năm sau mình sẽ tham gia một khóa học thiền tập 10 ngày để thật sự nghiêm túc tu luyện.
Tuy nhiên mình cũng nhận thấy cứ sau mỗi buổi ngồi thiền (30 phút) buổi sáng, cơ thể như được làm mới, đầu óc minh mẫn và cảm giác như mình lắng nghe bản thân nhiều hơn.
Hôm qua thầy Minh Niệm còn chỉ cho mình thêm một cách áp dụng nữa đó là mang thiền cả vào trong đời sống. Cách làm như sau:
- Bạn chọn một nơi trong nhà bạn, có thể là phòng bạn hoặc chỗ nào đó mà bạn muốn thực hành thiền.
- Mỗi khi bước vào vùng đó, bạn phải hoàn toàn im lặng và làm mọi thứ thật chậm với con mắt tỉnh thức.
- Bạn quan sát hành động của mình và tập trung vào giây phút hiện tại.
Mình đã về thử nghiệm ngay và cảm thấy rằng khi bản thân chậm lại, mọi thứ nó rõ ràng hơn. Mình không còn bị những thứ rối mù xung quanh làm cho phiền não nữa. Nếu bạn thích, bạn có thể thử áp dụng.
3. Viết nhật ký cảm xúc



Đây thật sự là một công cụ hữu hiệu để bạn hiểu chính bản thân mình.
Khi bạn viết ra những dòng suy nghĩ trên giấy, bạn sẽ cảm thấy một sự kết nối đặc biệt với bản thân.
Phương pháp này luôn luôn được nhắc đến khi nói về việc nâng cao nhận thức bản thân. Khi nhận thức bản thân cao hơn, bạn sẽ dễ dàng nghe được tiếng gọi bên trong mình hơn.
Mình kết hợp viết nhật ký thiền tập và nhật ký trong ngày luôn. Bạn có thể dùng sổ giấy hoặc sổ điện tử tùy bạn. Mình hiện đang dùng OneNote nhưng có lẽ sau này sẽ ráng chuyển sang viết tay cho nó có cảm giác thật hơn.
4. Đọc sách
Sách cũng là một trong những người bạn đồng hành cực tốt trên con đường tìm ra tiếng gọi của bản thân.
Đặc biệt mình khuyến khích bạn đọc các quyển sách về tiểu sử của các vĩ nhân và các quyển sách về tu thân. Đừng lạm dụng đọc sách kỹ năng mềm nhiều quá, vì nó chỉ là những chiêu trò thôi.
Bạn phải xây dựng được phẩm chất nội tại của mình thì lúc ấy bạn mới dễ dàng lắng nghe tiếng gọi của mình được. Các quyển sách chỉ chiêu trò sẽ hữu hiệu nếu bạn là người có phẩm chất. Còn nếu không, bạn sẽ thành cái mà người ta gọi là “thùng rỗng kêu to”.
Đọc tiểu sử sẽ giúp bạn có cơ hội nhìn một chặng đường vươn lên của một người nào đó. Điều này giúp bạn tận dụng óc sáng tạo của bạn. Và biết đâu chừng khi đọc tiểu sử của vĩ nhân, bạn lại nhìn thấy bản thân mình trong tương lai và biết được tiếng gọi của mình là gì.
5. Đồng hành cùng một người Coach
Bốn cách phía trên phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nội tại của bạn cũng như đồi hỏi bạn cần có sự kiên trì nhất định. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được điều đó.
Một cách khác mà chính mình thấy có hiệu quả chính là kiếm một người Coach chuyên nghiệp để đồng hành cùng bạn trong quá trình này. Bản thân mình cũng có Coach riêng nên hiểu nó rất hiệu quả. Người Coach giúp tạo ra một môi trường tĩnh lặng để bạn có cơ hội lắng nghe chính mình. Những suy nghĩ, mong muốn của bạn sẽ không bị phán xét, thay vào đó sẽ được đón nhận. Người Coach cũng đặt ra những câu hỏi để giúp bạn quay vào nội tâm của mình, tìm kiếm câu trả lời bên trong. Khi chính bạn nghe được tiếng lòng mình, điều đó tạo nên một động lực tự thân to lớn giúp bạn kiên trì với lựa chọn của bạn.
Vì vậy, những lúc nào bạn thấy rằng mình không thể tự đi được mà cần một người đồng hành, hãy tìm đến với Khai vấn để quay về với nội tâm của mình.
Tóm lại
Mấu chốt cuối cùng của việc lắng nghe tiếng lòng mình là từ khóa “tĩnh lặng”. Bạn có thể làm theo các cách ở trên, hoặc không làm theo cũng không sao, quan trọng là bạn tạo cho mình một môi trường đủ tĩnh lặng để quay về với nội tâm mình. Trong tĩnh lặng, tiếng nói ấy sẽ lớn mạnh lên. Khi ấy, việc của bạn chỉ còn là can đảm đáp lại tiếng gọi và bước đi trên con đường mà mình đã chọn.
Chúc bạn lắng nghe thành công.
Bình an và vững chãi,
Hải Đăng
2 Responses
cảm ơn bạn rất nhiều .. 🙂
Thật tình cờ khi người cmt trước có tên giống mình (hay là mình ta), cảm ơn bài viết của Đăng, thật sự rất giống trường hợp của em!