Chào bạn,

Trong quá trình làm Career Coaching (tư vấn hướng nghiệp) với các bạn khách hàng, mình hay lập đi lập lại một công thức sau:

Hiểu mình + Hiểu việc = Công việc phù hợp

Theo bạn thì cái hiểu nào quan trọng nhất trong công thức này?

Có lẽ bạn cũng có câu trả lời rồi, đó chính là hiểu mình.

Nhưng mà bạn có để ý từ trước tới giờ giáo dục của chúng ta không chú trọng đến điểm này hay không?

Hầu hết chúng ta khi đứng trước ngưỡng cửa Đại Học thường băn khoăn là:

  • Mình nên học ngành gì?
  • Mình nên học trường gì?
  • Năm nay điểm chuẩn trường nào thấp?
  • Công việc nào sau này ra trường dễ kiếm việc làm mà lương cao?
  • v…v…

Chứ ít khi nào chúng ta bắt đầu trước bằng những câu hỏi như:

  • Tôi là ai?
  • Tôi giỏi gì?
  • Tôi có năng khiếu gì?
  • Tính cách của tôi là gì?
  • Giá trị cá nhân của tôi là gì?
  • Sứ mệnh của tôi là gì?
  • v…v…

Theo mình như vậy là định hướng ngược, là lầm lẫn giữa phương tiện và mục đích.

Trước hết bạn cần phải xác định mình là ai đã, rồi mới hẵng suy nghĩ xem mình muốn làm cái gì.

Vì sao? Vì ta không nên để công việc nhào nặn ra con người ta. Mà trước hết ta phải tự nhào nặn ra con người tốt đẹp của mình, rồi sau đó đưa nó vào công việc phù hợp với con người ấy. Như vậy ta mới có thể phát huy hết mọi tố chất của mình.

Trong quyển sách Đúng Việc của thầy Giản Tư Trung cũng nói về điều này, và mình xin trích dẫn một đoạn trong đó để bạn tham khảo:

… không ít người cho đến cuối cuộc đời vẫn loay hoay không biết nên dùng cuộc đời của mình vào việc gì, hay vẫn thấy có cái gì đó còn “thiêu thiếu” trong việc mình làm mà không biết là… thiếu cái gì.

Người ta thường cho rằng đó là do thiếu các hoạt động định hướng nghề nghiệp dành cho giới trẻ. Nhưng tôi thấy lý do đó không còn đúng trong thời đại thông tin ngày nay… Theo tôi, lý do chính là vì chúng ta đang… làm ngược.

Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó. Đằng này, ta lại nỗ lực đi “chọn nghề” trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về “chọn đời”, “chọn người”, để rồi khi nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng và chán nản. Ngoài ra, cần phải “chọn nghề” trước rồi mới “chọn trường” sau, chứ không phải cứ theo trào lưu rồi chọn những trường mà được mọi người cho là “ngon” để học bốn năm ra trường và đi làm rồi mới chợt nhận ra rằng nghề này không hợp với mình…

Như vậy, lý tưởng nhất là, sẽ chọn người, chọn đời, rồi mới chọn nghề và chọn nghề rồi mới chọn trường; chứ không nên làm ngược lại là, chọn trường rồi mới chọn nghề và chọn nghề rồi mới chọn đời, chọn người. Dù những lựa chọn này có thể thay đổi không ít lần trong đời.

– Trích sách Đúng Việc – Giản Tư Trung

Tóm lại, nếu muốn tìm ra công việc phù hợp thì trước tiên bạn phải tìm ra chính mình trước đã. Theo kinh nghiệm của mình thì có một vài cách sau đây để tìm ra chính mình.

Dấn Thân

Khi bạn còn trẻ, bạn có thời gian và sức khỏe. Đây là cơ hội và nguồn lực tuyệt vời để bạn dấn thân và trải nghiệm nhiều điều khác nhau. Từ lúc mình còn là sinh viên cho đến bây giờ đã trải qua không biết bao nhiêu là công việc, dự án, hoạt động v…v… Trải nghiệm sẽ giúp bạn nhận ra được mình thích gì, không thích gì; mình giỏi gì, mình không giỏi gì; mình thích làm việc với ai, không thích làm việc với ai.

Có một câu chuyện rất hay về dấn thân trong sách “Đúng Việc” mà mình muốn trích lại để bạn hiểu hơn về sự dấn thân:

Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 triệu, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 triệu. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ không nhận làm và như vậy không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn vẫn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu …. mấy triệu?

Đáp án A: kiểu 5 triệu

Đáp án B: kiểu 10 triệu

Đáp án C: kiểu 15 triệu

Đáp án D: kiểu 2,5 triệu

  • Nếu bạn chọn đáp án A – làm theo kiểu 5 triệu – thì bạn được gì và mất gì? Nếu làm theo kiểu này bạn không mất tiền, vì họ trả 5 triệu thì bạn làm theo kiểu 5 triệu, như vậy là “fair”. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 5 triệu thì có thể không mất tiền, nhưng lại “mất mình” (mất uy tín và phẩm giá của mình). Ta vẫn thường nói với nhau rằng, mình làm ra tiền, chứ không để tiền làm ra mình. Nhưng khi người ta trả mình 10 triệu thì mình làm theo kiểu 10 triệu, khi người ta trả mình 5 triệu thì mình làm theo kiểu 5 triệu. Vậy thì mình làm ra tiền hay tiền làm ra mình đây?
  • Còn nếu bạn chọn đáp án B – làm theo kiểu 10 triệu thì được gì và mất gì? Nếu làm theo kiểu này thì bạn sẽ mất tiền, vì họ trả 5 triệu mà bạn lại làm tới 10 triệu, như vậy là thiệt mất 5 triệu. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 10 triệu này thì có thể bị mất tiền, nhưng lại không “mất mình”.
  • Người khôn ngoan sẽ làm theo kiểu 10 triệu. Nhưng thật khó tin là có cả những người dù khả năng của họ là 10 triệu, được trả 5 triệu, nhưng khi đi làm họ không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 10 triệu, mà sẽ làm theo kiểu 15 triệu. Vì sao vậy? Vì họ hiểu rằng, “Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác” (Mahatma Gandhi)
  • Với những người này, họ hiểu rằng, khi làm theo kiểu 10 triệu thì chỉ bị mất tiền chứ không bị “mất mình”, nhưng lại bị mất một thứ cũng hệ trọng không kém, đó là mất đi cơ hội để biết mình là ai. Họ xem sự quên mình trong công việc là “cách tốt nhất để biết mình là ai”. Tuy “mất tiền” nhưng có khi lại “được mình” (tìm ra chính mình), điều này là vô giá, nhất là với những người trẻ.
  • Chưa hết, cũng có một loại nữa, được trả 5 triệu nhưng làm theo kiểu 2,5 triệu, nhưng lúc nào cũng “biểu diễn” cho cấp trên và mọi người thấy là họ đang làm theo kiểu 15 triệu.
  • Nói ngắn gọn, làm theo kiểu 15 triệu là “đam mê” hoặc “dấn thân”, làm theo kiểu 10 triệu là “trách nhiệm”, còn làm theo kiểu 5 triệu hay 2,5 triệu là “đối phó”. Và một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự đam mê hay dấn thân đó là, mình sẵn sàng dốc lòng để làm những điều mà ngay cả khi không được trả tiền để làm điều đó.
  • Những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu? Đồ điên! Ngu! Không hiểu nổi!…Còn những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và làm của mình cũng khác đi.
  • Như người ta thường nói “chim sẻ thì không thể hiểu được bụng đại bàng”. Nhưng “đại bàng” thì lại hoàn toàn có thể hiểu được bụng của “chim sẻ”, vì trước khi trở thành “đại bàng” thì đã từng là “chim sẻ”, thậm chí trước khi thành “chim sẻ” thì đã từng là “ruồi muỗi”. Khi đó, không chỉ hiểu được “chim sẻ” mà có khi còn nhìn thấu nhân gian.
  • Steve Jobs từng chia sẻ: “Stay Hungry! Stay Foolish”. Stay Hungry (Hãy cứ khát khao) thì có vẻ dễ hiểu và dễ hình dung, nhưng Stay Foolish (Hãy cứ dại khờ) thì quả là không dễ hiểu chút nào. Nói rõ ràng hơn, chỉ khi ta “ngu ngu” một tí để dấn thân, để đam mê, để quên mình cho những việc mà mình làm, cho những mục tiêu ý nghĩa hay những lý tưởng cao cả thì mới có cơ hội tìm ra mình và đạt tới những thành tựu to lớn, và ngược lại, nếu ta cứ quá toan tính thiệt hơn với những thứ nhỏ lẻ, những điều lợi thiệt trước mắt thì khó mà tựu thành được điều gì đáng kể.
  • Trong những loại người nói trên, cơ hội sẽ đến với ai nhiều nhất? Chắc hẳn, những cơ hội tốt nhất sẽ đến với loại người làm theo kiểu 15 triệu, những cơ hội nào người 15 triệu chê thì sẽ lọt vào tay những người làm theo kiểu 10 triệu. Còn sống như những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu thì rất khó để có cơ hội nào đáng giá và tử tế dành cho mình.

Phụng Sự Người Khác

Gandhi từng nói: “Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác.” Nghĩa là trong bất kỳ điều gì bạn làm, hãy làm một cách quên mình. Người ta thuê bạn 5 triệu, hãy làm như thể họ trả cho bạn 15 triệu vậy. Người ta thuê bạn làm một việc, hãy nghĩ cách làm nhiều hơn một việc.

Nó cũng rất tương đồng với câu chuyện ở trên kia mà thôi. Mình nhận ra rằng khi mình phụng sự người khác tự nhiên mình không đặt cái tôi của mình vào trong đó nữa. Mình làm vì một mong muốn tốt đẹp và cao cả hơn. Nhưng lạ thay nó lại giúp cho mình hiểu được bản thân hơn và biết được mình muốn làm gì trong cuộc đời này.

Đọc Sách

Sách là con đường rẻ nhất để tiếp cận với những người thầy lớn trên thế giới. Thông qua những gì họ chia sẻ bạn sẽ nhận ra được mình cần làm gì và không nên làm gì để tìm ra chính mình.

Nhưng không nên đọc quá nhiều sách phát triển bản thân mà hãy đọc tiểu sử của người đi trước. Như vậy bạn mới thấy rõ hành trình họ đi tìm ra chính mình nó như thế nào và liệu có thấy dáng dấp của mình trong đó hay không.

Hỏi Người Đi Trước

Nếu lờ mờ biết mình muốn làm gì, hãy tìm cách tiếp cận những người đi trước mà đang đứng đầu trong lĩnh vực đó (email, facebook, messenger, điện thoại v…v…). Họ sẽ kể cho bạn nghe chi tiết công việc họ làm là gì, con đường phấn đấu như thế nào và biết đâu bạn sẽ tìm thấy mình trong đó.

Thiền và Tâm Linh

Đừng nghĩ tâm linh là gì ghê gớm cả. Tâm linh đơn thuần là “trái tim linh thiêng” của bạn. Nhưng qua thời gian, bạn đã tích tụ rác rến nhiều quá rồi. Nên bạn cần phải ngồi thiền để dẹp bớt những rác rến ấy. Như vậy thì tiếng gọi trong lòng bạn mới to và rõ hơn được. Đôi khi ta không tìm ra chính mình, mà là tìm lại chính mình bằng cách lắng nghe mình. Đơn giản vậy thôi.

Hi vọng bạn sẽ sớm tìm ra chính mình :).

Thân mến,

Hải Đăng

Tags

4 Responses

  1. hôm nay mình tình cờ đọc được bài viết này…những lời khuyên của bạn thật sự hữu ích với mình ở thời điểm hiện tại ? Cám ơn bạn rất nhiều !!! Chúc bạn sẽ giúp được nhiều người hơn nữa ?

Chia sẻ cảm nhận