Hai ngày vừa qua (22 và 23), tạm thời bỏ công việc sang một bên và chấp nhận nghỉ học cả 2 ngày để tham dự 2 buổi hội thảo của PACE và Trung Nguyên tổ chức. Thành thật mà nói, đây là 2 buổi hội thảo có tác động mạnh đến những suy nghĩ, nhận thức của tôi không chỉ về bản thân mình, mà còn về thế hệ của tôi và đất nước Việt Nam này nữa.

Tôi xin không được kể lại chi tiết những gì tôi đã nghe, đã thấy trong 2 buổi vừa qua. Bởi vì cũng chẳng có nghĩa lý gì khi kể lại nếu bạn không có mặt ở đó cả. Tôi chỉ muốn chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của tôi về 2 ngày qua. Bài viết này không mang tính đả kích hay vơ đũa cả nắm tất cả thế hệ trẻ của chúng ta. Mục đích của tôi viết bài này là để thế hệ chúng ta cùng có những suy nghĩ, trăn trở nhiều hơn về  bản thân và đất nước mình. Ngay chính bản thân tôi khi viết bài này cũng tự nhìn thấy có những điều mình chưa làm được, cho nên viết xuống cũng như là một lời nhắc nhở động viên bản thân mình mỗi ngày.

Mong rằng đừng vì lướt qua thấy bài này quá dài mà bạn chỉ đọc sơ qua về nó. Nhất là những người tự nhận mình là người trẻ. Nếu đọc bài này xong rồi mà bạn phải vò đầu, bứt tai, trăn trở, suy ngẫm thì lại càng tốt. Bởi vì tôi muốn bạn phải như vậy. Đã đến lúc chúng ta không còn được phép thờ ơ với thế hệ của mình và đất nước nữa rồi.

Người trẻ ngày nay là gì?

Đây là câu hỏi khiến tôi phải băn khoăn, bởi vì nó chẳng có một cái định nghĩa rõ ràng nào cả. Chính xác thì người trẻ, hay chính xác hơn là thế hệ trẻ ngày nay là gì? Chúng ta chẳng hề có một cái hình ảnh nào để hướng đến cả. Tại sao các thế hệ trẻ ngày trước đều có một hình tượng để hướng đến, còn đến thế hệ này thì lại không?

Tôi tâm đắc với lời nhận xét của thầy Giản Tư Trung rằng: “Trong số các bạn trẻ mà tôi đã gặp, có rất nhiều bạn đã sống dấn thân. Nhưng vẫn còn không ít bạn sống nhạt. Nếu điều này kéo dài như thế này sẽ tạo ra một xã hội nhạt nhẽo”. Quả thực là trong công việc của tôi, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ, và hầu hết các bạn đều đang sống một cách “nhạt nhẽo”. Như thầy nói rằng thế hệ trẻ hiện tại chỉ có một vài cá nhân sống “dữ dội” mà thôi, chứ không phải là cả một thế hệ “dữ dội. Vậy nên câu hỏi này tôi nghĩ cần phải đặt ra cho tất cả chúng ta, những con người trẻ đang ở đây đó là: “Chúng ta đang sống như thế nào?”

Người trẻ và sự học?

Đây là vấn đề khiến tôi cực kỳ trăn trở và đau đầu. Bởi vì có lẽ như sự học với thế hệ trẻ ngày nay chỉ dừng lại ở mức học trên trường. Còn lại thì không nhất thiết phải học nữa. Tại sao kỳ vậy? Lý do gì mà thế hệ của tôi ngày nay coi sự học chẳng hề quan trọng chút nào cả?

Chúng ta chờ ngày giáo dục làm một cuộc cách mạng thì mới chịu thay đổi cái sự học của mình ư? Tôi nghĩ rằng để thay đổi giáo dục, thì cần phải hỏi đến những nhà lãnh đạo ở trên. Nhưng để thay đổi sự học, thì có nhất thiết phải cần đến họ hay không? Hay chỉ cần nó xuất phát từ mỗi cá nhân chúng ta ở đây? Một cánh én không làm nên mùa xuân. Nhưng một cánh én có thể báo hiệu rằng mùa xuân đang đến. Và khi đó sẽ có thêm nhiều cánh én nữa góp sức lại để kéo mùa xuân đến đây. Vậy thì bạn lựa chọn làm cánh én hay chỉ mãi quanh quẩn ở đâu đó chờ mùa xuân đến?

Một vấn đề nhỏ khác nữa đó là có một bạn trẻ đứng lên hỏi rằng: “Em muốn theo ngành giáo dục, đào tạo về kỹ năng sống. Ngoài những thứ như đam mê, nhiệt huyết, cái tâm này nọ thì em còn cần gì nữa thưa thầy?” Và câu trả lời của thầy khiến tôi phải bừng tỉnh về mọi mặt: “Thường khi đã làm nghề này, ít khi nào tôi nghe người ta nói tập trung vào việc dạy lắm, mà thường người làm giáo dục sẽ tập trung vào việc học hơn.” Quả thật là bản thân người làm giáo dục mà chỉ quan tâm đến việc dạy thì họ chỉ được gọi là những “thợ dạy” mà thôi. Còn một nhà giáo dục thật sự sẽ quan tâm đến việc “tu thân” của mình, để rồi từ đó mới có thể giúp đỡ, khơi gợi, truyền cảm hứng cho học trò của mình được. Vậy nên câu nói đó khiến tôi băn khoăn, có mấy ai đã và đang theo cái nghiệp giáo dục này mà thật sự chú tâm đến “việc học” của mình? Ngay kể cả trong lớp tôi (tôi học chuyên ngành sư phạm Anh) thì bạn bè đồng trang lứa của tôi cũng còn hồn nhiên và ngây thơ lắm. Có lần vu vơ tôi hỏi bạn có hay đọc sách không? Bạn bảo đọc làm gì? Không có thời gian cho việc đó. Tôi nghe mà đau nhói. Tôi nghĩ, đành là nền giáo dục hiện nay đối xử vẫn chưa công bằng với giáo viên, thì it nhất tự bản thân mỗi giáo viên cũng phải công bằng với học trò của mình chứ? Cả bản thân mình còn chưa tôi luyện được thì làm sao mà dám đi dạy học trò mình? Thầy Giản Tư Trung có nói với tôi rằng: “Một bác sĩ dở giết chết một mạng người. Còn một ông thầy dở giết chết cả một thế hệ.” Vậy nên tôi nghĩ có lẽ tất cả chúng ta, kể cả tôi ở đây cần phải tự ngẫm lại “sự học” của chính mình mới được.

Người trẻ ngày nay thiếu hoài bão và lý tưởng sống?

Hồi xưa tôi cũng chẳng quan tâm đến cái gọi là hoài bão và lý tưởng sống. Và kể cả những năm gần đây, dù đã làm những công việc có ý nghĩa trong cuộc đời mình, tôi cũng không biết được thế nào là cái hoài bão và lý tưởng sống mà cha anh ta để lại nó như thế nào.

Mãi cho đến hai ngày vừa qua mới là ngày tôi thấm thía nhất những khái niệm ấy. Tôi nhận ra rằng hầu như tất cả những bạn trẻ tôi gặp qua đều chỉ có những suy nghĩ riêng về bản thân mình. Họ thiếu đi “cái chung” trong “cái riêng” của họ. Họ không nghĩ rằng những gì mình làm có thể gây hậu quả hay có tác động gì khác đến đất nước của mình? Thôi thì năm xưa ông cha lo giữ nước nên có hoài bão. Thời nay là thời bình rồi, việc gì mà mình phải lo mấy cái chuyện “vác tù và hàng tổng” ấy làm gì?

Hồi xưa tôi mà nghe những điều này thì tôi chắc cũng bỏ qua. Nhưng bây giờ khi nghe những điều này tôi lai thấy lo và chột dạ. Bạn ơi, Việt Nam mình đã trải qua 40 năm thời bình rồi đấy. Mà cho đến hiện tại, cũng chỉ những người trẻ từ 40 năm trước đang nỗ lực cố gắng kéo đất nước ta đi lên. Thế còn chúng ta đang làm cái QUÁI QUỶ GÌ VẬY? Tại sao những người từ 40 năm trước vẫn chưa thể nghỉ ngơi mà vẫn phải chiến đấu mỗi ngày để vực dậy đất nước? Tại sao không phải là chúng ta mà lại là họ? Tại sao nhắc đến những người làm thay đổi đất nước không có lấy tên một người trẻ nào vậy? Tại sao, và tại sao chúng ta lại không còn nghĩ gì về đất nước của mình nữa? Có phải do chúng ta bất mãn với thời cuộc không? Bạn tôi ơi, hãy bất mãn với thời cuộc nhưng mong bạn hãy yêu lấy đất nước của mình. Nó không có tội gì cả. Cái bạn cần làm không phải là bất mãn chế độ, cái mà bạn cần làm là góp 1 phần thay đổi nó để đất nước của mình được tốt hơn bạn tôi à.

Chỉ chừng 10-20 năm nữa thôi những con người kia rồi cũng sẽ phải nhường lại vị trí lãnh đạo cho chúng ta. Vậy thì với một cái thế hệ thiếu hoài bão và lý tưởng sống, đất nước ta sẽ đi về đâu? Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ. Tôi không ngăn cấm các bạn lo cho bản thân mình trước. Nhưng bạn hãy lo cho đất nước nữa. Nhanh chóng tu thân vững mạnh để mà còn Trị quốc nữa. Đừng thờ ơ nữa, đừng đứng bên lề nữa, hơn bao giờ hết Đất nước này đang cần bạn. Cần nhiều lắm. Bởi vì thế hệ cha anh đang để lại cho thế hệ trẻ chúng ta một di sản với:

– Rừng bị tàn phá nặng nề với một tốc độ khủng khiếp

– Nền kinh tế phụ thuộc vào việc bán tài nguyên thô

– Vài triệu tấn bùn đỏ phải xử lý ở ngay trên nóc nhà

– Một món nợ nước ngoài 50 tỷ USD và còn tiếp tục tăng

– Một xã hội khủng hoảng về niềm tin trầm trọng

– Một nền giáo dục đào tạo ra những con người thụ động, không có tư duy độc lập

– Một nền khoa học kỹ thuật và nghiên cứu thuộc hàng thấp nhất thế giới

v.v…..

– Trích bài Cảm ơn thế hệ đi trước của anh Đỗ Trần Bình Minh

Nói như vậy không có nghĩa là họ vô trách nhiệm và đổ hết lên chúng ta đâu. Thế hệ của họ cũng đã làm được rất nhiều thứ cho đất nước này như đã hy sinh mình để mang lại thống nhất cho Tổ Quốc, đã góp phần đưa cái tên Việt Nam hiện diện trên trường thế giới, đã vực dậy nền kinh tế khó khăn của đất nước. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người trong thế hệ của họ đã góp 1 phần vào việc để lại di sản này cho chúng ta. Rừng vàng đã hết rồi. Biển bạc cũng chẳng còn. Vậy chúng ta còn lại gì? Chúng ta không còn gì cả. Chính vì thế, chúng ta còn lại tất cả. Bây giờ chúng ta chỉ có một con đường để đi mà thôi, những gì chúng ta có là tri thức và bản lĩnh của mỗi người, để vực dậy đất nước này. Bạn có thể làm gì để góp một phần vào sự nghiệp vực dậy và đổi mới đất nước này?

Sinh viên, và những nỗi băn khoăn, trăn trở?

Gửi các bạn thế hệ của tôi. Tôi biết rằng các bạn đang lạc lối, mất định hướng. Tôi biết rằng các bạn vẫn đang loay hoay tìm cho mình một lối đi. Tôi biết chứ. Nhưng các bạn có than thở, trách móc, oán khóc đi nữa thì cũng chẳng thay đổi được gì cả. Vậy thì có nhất thiết phải ngồi khóc mãi nữa không?

Hôm qua có một bạn nữ phát biểu trong buổi hội thảo Sáng tạo vì khát vọng Việt rằng: “Tại sao các doanh nghiệp cứ yêu cầu tụi em phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm? Tụi em mới ra trường thì làm gì có kinh nghiệm đó? Tại sao lại đối xử với tụi em như vậy?”. Bạn nói, và khóc, có vẻ như bao ấm ức và thất vọng bao lâu nay bạn đã không kiềm được nữa rồi. Tôi thương và cảm thông cho bạn ghê gớm. Nhưng tôi cũng buồn và thất vọng ghê gớm. Nếu là tôi, tôi cũng chẳng dám nhận bạn vào làm việc. Vì cuộc đời chỉ mới khó khăn, thử thách chút ít như vây mà bạn đã không thể chịu nổi rồi, vậy thì làm sao bạn có thể làm được điều gì to tát hơn nữa cho đất nước của mình? Xin trích lại câu nói của anh bạn tôi, cũng đi dự 2 buổi vừa qua: Xưa, có Chí Phèo xin “Ai cho tôi lương thiện?”, thời nay có sinh viên A xin: “Ai cho tôi vốn để làm ăn?” – sinh viên B xin: “Ai cho tôi kinh nghiệm để nộp đơn xin việc?” – sinh viên C xin: “Ai cho tôi tiền để trang trải cuộc sống?”… Ai cho được các bạn đây? Với một thế hệ còn tồn đọng mãi tư duy xin-cho thì chắc sau này mọi thứ đều phải đi xin từ người khác mà thôi.

Tôi biết rằng bạn có nỗi khổ của riêng mình, nhưng thật ra ai cũng có nỗi khổ của riêng mình cả. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta bớt oán trách và than khóc rồi. Đã đến lúc chúng ta phải đứng dậy và đối mặt với nghịch cảnh khó khăn đi. Đất nước trông chờ vào chúng ta. Thế hệ tiếp theo trông chờ vào chúng ta. Chúng ta chẳng còn gì cả, thế nên chúng ta còn tất cả. Nếu bạn muốn, bạn sẽ tìm cách. Nếu bạn không muốn, bạn sẽ tìm lý do.

Có một thực tế – xin thứ lỗi vì tôi phải dùng từ hơi nặng – mà tôi muốn “đập thẳng” vào mặt các bạn đó là việc bạn làm sinh viên hay việc bạn ngồi vào giảng đường Đại Học nó chẳng có gì oai hùng cả đâu. Tôi biết là bạn đã bỏ công, bỏ sức nhiều lắm để thi vào Đại Học. Tôi cũng thế mà thôi. Hồi xưa tôi cũng tự mãn khi mang mác sinh viên một trường Đại Học có tiếng lắm chứ. Nhưng thật sự tôi thấy rằng tất cả những thứ đó chỉ là một tấm áo khoác ở bên ngoài mà thôi. Trong khi thật ra, chúng ta chẳng khá hơn nhiều từ ngày bước vào Đại học cho đến khi ra trường nếu chúng ta cứ đi theo một lộ trình mà họ đã vạch sẵn cho chúng ta trong 4 năm đâu. Đó là bởi vì ta cứ an phận rằng có tấm bằng Đại Học thì cuộc đời mình rộng mở. Đáng tiếc, nó chẳng giúp ích được gì cả đâu. Tôi tâm đắc một ý của thầy Giản Tư Trung đó là: “Học không phải vì bằng cấp, mà học vì đẳng cấp của mình.” Vậy có mấy ai trong chúng ta học vì “đẳng cấp” của mình? Hay chỉ an phận học vì một tấm bằng để có công việc kiếm sống?

Cuộc chiến châu chấu đá voi? Làm sao để châu chấu thắng voi?

Nói chung tôi không có kiến thức, và đủ trình độ để bàn về vấn đề này. Nhưng tôi biết rằng trong mắt tôi Việt Nam hiện tại vẫn là Châu Chấu mà thôi. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng chúng ta không bao giờ có thể thành Voi được. Muốn thành Voi hay không đều dựa vào cá nhân mỗi người trong xã hội này. Những con người hoàn toàn tin rằng Việt Nam có thể ghi danh mình lên trên bản đồ thế giới, không chỉ còn nhờ 2 cuộc cách mạng vĩ đại nữa, mà còn ở nhiều lãnh vực khác hơn.

Tôi tâm đắc với lời chia sẻ của doanh nhân Liên Phương trong buổi hội thảo: “Tại sao ai cũng nói hiện tại Việt Nam khó khăn, kinh tế trì trệ, khó mà kinh doanh được, vậy mà vẫn cứ tiếp tục bám trụ vào nơi này để mà kinh doanh. Thế tại sao ở Singapore điều kiện thuận lợi hơn, ta lại không kinh doanh ở đó, hay ở những nước khác cũng vậy? Tại sao chỉ có Singapore hay các nước khác vào Việt Nam kinh doanh mà thôi? Phải chăng là chúng ta yêu nước à? Muốn bám trụ với đất nước à? Hay là vì chưa bao giờ ta nghĩ rằng Việt Nam có thể vươn xa ra ngoài thế giới?”

Tôi nghĩ đây là một điều mà tất cả chúng ta cần phải dành thời gian để suy ngẫm về điều đó. Bao nhiêu năm qua, những người Việt nổi tiếng trên trường thế giới đa phần lại chẳng phải người sinh ra và lớn lên ở đất Việt, như giáo sư Ngô Bảo Châu hay bộ trưởng Đức gốc Việt Philip Rosler chẳng hạn. Có phải chăng chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ xa hơn chính bản thân mình? Có phải chăng chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng cái đất nước này có cơ hội được 1 lần sánh vai cùng các cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác?

Tôi không phải doanh nhân, cũng chẳng phải nhà tư tưởng, nên tôi cũng chưa biết cách làm thế nào để châu chấu thắng voi được cả. Nhưng tôi biết có những người đang nỗ lực thực hiện công cuộc đó. Và tôi một lòng ủng hộ họ. Bằng một cách thiết thực nhất đó là làm tốt những công việc hiện tại của tôi. Bằng cách trăn trở, suy tư nhiều hơn nữa về thế hệ trẻ, về đất nước của mình. Và bằng cách tin rằng một ngày nào đó tôi và những con người mang hoài bão và lý tưởng về một Việt Nam hùng cường sẽ biến điều này trở thành hiện thực.

Gandhi có nói rằng: “Bạn phải trở thành sự thay đổi mà bạn mong muốn thấy trên thế giới này.” Chưa bao giờ tôi thấy nó đúng và thực tế như trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước mình. Mỗi người Việt Nam, và đặc biệt là chúng ta – những người trẻ, phải tự trở thành tác nhân thay đổi thì mới có thể giúp đất nước này đi lên được…

Nói chung chốt lại, sau tất cả những gì tôi chia sẻ, tôi chỉ mong muốn mỗi người chúng ta hãy tự thay đổi bản thân mình trước. Nếu muốn thay đổi thứ gì đó lớn lao, thì trước tiên phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất. Chính bản thân từng người chúng ta khi sống tốt đẹp hơn, một cách nào đó sẽ giúp xã hội tốt đẹp lên.Chúng ta hãy luôn tâm niệm bài học “Thay đổi đến từ TÔI”. Cứ mỗi cá nhân như vậy sẽ như giọt nước lan tỏa tâm vòng tròn của mình ngày một rộng hơn, rộng hơn và rộng hơn.

Một đôi điều trăn trở muốn sẻ chia cùng những người bạn thuộc thế hệ trẻ của tôi…

Ps 1: xin gửi các bạn bài hát Khát vọng  Một đời người, một rừng cây như một ngọn lửa tiếp thêm cho hoài bão của mỗi người chúng ta: 

Ps 2: Một số bài viết các bạn trẻ cần phải đọc:

Giới trẻ sống vội và nhạt nhẽo

Thay đổi đến từ TÔI 

Ta là sản phẩm của chính mình 

Sự học lớn hơn đại học 

Điều đáng sợ: không có khát vọng lớn 

Người trẻ và 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời 


Tags

30 Responses

  1. Ôi.. đọc xong bài viết e thấy 99% những vấn đề của thế hệ trẻ bọn e, thật là đáng để suy nghĩ lại về bản thân mình -_-
    Cám ơn anh Đăng nhé, bài viết rất hay và đầy cảm xúc, hy vọng thế hệ bọn e sẽ làm dc những điều này…

      • Hai ngày trước a Đăng có đăng trên face 1 bài thơ mỉa mai về tuổi trẻ hiện nay a nhớ ko? Cả bài viết này của a cũng vậy, nó đều nói lên hết 4 từ mak e muốn ” chửi thẳng” vào bộ mặt xã hội hiện nay: “Thối nát quá mức” => Tất cả mọi thứ mọi thứ đều quy về cuối cùng đều là tiền cả.zzz .>'<

        Nhưng e nghĩ là sau khi đọc bài viết này, e đã hiểu là "Đất nước ko có tội, tội là do thời cuộc mà ra..-_-"

        Trước đây e luôn suy nghĩ: Xã hội thối nát hiện nay, mình tự lo cho mình còn chưa xong, lo việc bao đồng của đất nước làm gì? Có khi người ta nói mình "dư hơi" nữa.zzz
        Vả lại, 1 con én đâu thể làm nên cả mùa xuân..Cứ cho là chừa mình ra thì đất nước cũng còn dư sức mà phát triển…

        Nhưng…có lẽ e đã sai, dù thế nào đi nữa thì đây vẫn là đất nước thân yêu của mình, dù ít dù nhiều mình cũng nên góp sức để phát triển cho đất nước mình chứ, thời cuộc dù thối nát thì cứ mặc nó, mình yêu nước là việc của mình, ai nói mình "dư hơi" thì..ừ, tôi dư hơi kệ tôi ^^. Dù mình chỉ góp chút sức nhỏ, dù có thể chỉ nhỏ 0,000000..1% cho đất nước này thì còn hơn là ko làm gì cả, để đến cuối đời khi mình nhìn lại ít ra mình cũng thể hiện dc tình yêu quê hương VN này ^^

        Thật sự cám ơn a Đăng 1 lần nữa về bài viết, thật sự đả thông cho e 1 vấn đề mà có lẽ là e tính đã "kệ" luôn nước VN thân yêu này ^^

        • Cảm ơn em đã chia sẻ. Đọc những gì em viết mà anh thấy vui và hạnh phúc quá. Chỉ cần 10 người đọc mà hết 2 người có những suy nghĩ thay đổi được như em là anh nghĩ bài viết đã thành công lớn rồi.

          Tuổi trẻ sợ nhất là không có khát vọng lớn. Thiếu đi nó thì cuộc sống này cũng tẻ nhạt và vô vị lắm. Mình sẽ chỉ sống tạm bợ qua ngày như người bình thường thôi. Nhưng khi ta sống và cháy hết mình, ta sẽ làm cho đất nước mình trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

          Trước đây anh cũng như em, bất mãn nhiều về chế độ, đặc biệt là giáo dục. Nhưng bây giờ anh đã hiểu, nó càng tê hại như thế nào thì trách nhiệm của mình càng lớn trong việc góp phần giúp cho nó tốt hơn. Đời mình làm chưa được thì đời sau tiếp tục làm. Vấn đề là phải giữ cho mình 1 khát vọng và tinh thần yêu nước cháy bỏng.

          • Vâng, e sẽ cố để giữ cho mình lửa khát vọng và tình yêu nước luôn luôn bừng cháy ^^

            Hy vọng sẽ đọc dc những bài tiếp theo của a Đăng ^^, e luôn theo dấu bài viết của a trước giờ mà ^^, viết rất chuẩn và rất đáng để e nể phục :))

  2. Cảm ơn anh về bài viết ý nghĩa này,e cũng đang là một sinh viên, một thế hệ đang trẻ có nhiều khát vọng,hoài bão lý tưởng sống nhưng đôi khi chính những điều đó khiến e khó hòa nhập với nhiều người, nhưng đọc bài viết của a xong đã giúp e định hướng và suy nghĩ lại nhiều điều hơn nữa..!!! phải tiếp tục cố gắng, e rất thích các bài viết của a, cám ơn a về những bài học bổ ích, mong a dạy cho chúng e nhiều điều hơn nữa..vì thực sự e rất thích các bài viết của a..hihi:)

    • Cám ơn em vì đã chia sẻ cảm nghĩ của mình. Anh thật sự rất vui khi nghe em nói như vậy :). Chúc cho em luôn tiếp tục giữ vững hoài bão và lý tưởng sống đó để cống hiến cho đất nước mình.

  3. Cám ơn anh Đinh Hải Đăng về bài viết này.

    Một số điều Nhật ghi chú:
    -Đại Học Cá Nhân: Mỗi người phải tự tìm phương pháp học và kiến thức mình thích học. Sau đó học theo một nhóm, một cộng đồng.
    -Với tình hình đất nước như vậy, thì khó có “phép màu” kỳ diệu nào giúp đỡ được, ngoại trừ giáo dục như Nhật Bản đã làm?

    -Cái thiếu nhất của nhiều bạn là sự chủ động và làm việc có phương pháp (method)

    • Cám ơn Nhật đã chia sẻ:

      Mình rất thích cụm từ Đại Học Cá Nhân mà Nhật nêu lên :). Nó nổi bật ý rằng Ta là sản phẩm của chính mình. Chính ta sẽ học để tạo nên con người mà ta mong muốn trở thành.

      Mình cũng đồng tình với ý thứ 2. Nếu như người dân nước mình được đọc tác phẩm “Khuyến học” và thấm nhuần được tư tưởng trong đó thì hay biết mấy.

      Thân,

          • Nhật sống chung với các anh em freelancer về website programming + design nên cũng học lóm được.

            Cách làm thì dễ lắm anh, nhưng mất một khoảng learning curve tầm 1 tuần. Mà nội dung hay thì là Vua rồi, 😀

  4. Một bài viết thật sự hay và ý nghĩa!
    Chào anh Đăng! em xin giới thiệu em tên Thắng hiện đang là sinh viên năm 4. Những chia sẻ của anh cũng là niềm trăn trở của em! Với mong muốn thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, em đang thực hiện dự án Cổng thông tin điện tử dành riêng cho sinh viên “NVT Student” tại địa chỉ . Dự định đi vào hoạt động ngày 12/12/2012.

    NVT Student được lập ra với mục đích định hướng lối sống, khơi gợi lòng yêu nước và nhiệt huyết xây dựng quê hương Việt Nam trong mỗi sinh viên Việt.
    Em rất mong khi website đi vào hoạt động sẽ nhận được sự ủng hỗ bằng những bài viết rất ý nghĩa và sâu sắc của anh!

  5. Một bài viết rất hay và ý nghĩa!

    Xin chào anh Đăng! Xin giới thiệu em tên Thắng hiện đang là sinh viên năm 4. Những chia sẻ của anh cũng là niềm trăn trở của em. Với mong muốn thay đổi thế hệ sinh viên hiện nay, em đang tiến hành dự án cổng thông tin điện tử dành riêng cho sinh viên NVT Student tại địa chỉ . Dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 12/12/2012.
    NVT Student được lập ra với mục đích định hướng lối sống lành mạnh, vì cộng đồng; đồng thời khơi dậy trong mỗi sinh viên Việt lòng yêu nước, khát khao xây dựng quê hương.

    Em rất mong khi NVT Student đi vào hoạt động sẽ nhận được sự ủng hộ, đóng góp bằng những bài viết hết sức ý nghĩa và sâu sắc của anh. Để chúng ta cùng nhau thay đổi tương lại Việt

    Rất mong được hợp tác cùng anh!

    Một cây làm chẳng lên non – ba cây chụm lại lên hòn núi cao!

  6. Xin lỗi. Nhưng tôi muốn nói với bạn điều này: Bạn nói nhìu quá, bạn có quyền gì đì xỉ vả thế hệ trẻ? bản thân bạn đã làm được những gì? Có ý chí, có khát vọng mạnh mẽ là tốt, giữ trong lòng đó mà thực hiện.

    • Chào bạn Name,

      Mình xin được tiếp nhận ý kiến của Name. Và thành thật xin lỗi nếu như trong bài có ý nào mà Name đọc và theo góc nhìn của Name là đả kích thì cho mình được khẳng định lại là mình hoàn toàn không có ý đó. Bài viết này của mình như là một lời tâm sự gửi đến chính bản thân mình và những người bạn thuộc thế hệ của mình nhiều hơn.

      Mình thừa nhận là mình chưa làm được gì gọi là đến mức “kinh thiên động địa” thay đổi đất nước. Nhưng cái mình tin mình đang làm đó là thay đổi chính bản thân mình từ từ. Chỉ cần mỗi người từ từ thay đổi bản thân thì dần dần nó sẽ như giọt nước rơi xuống hồ, và tâm vòng tròn sẽ từ từ lan tỏa rộng hơn. Cứ như vậy mình tin rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

      Rất cảm ơn Name đã chia sẻ ý kiến của mình. Hi vọng sẽ được trao đổi nhiều hơn nữa với bạn.

      Thân mến,

  7. Em có thể chia sẽ bài này trên trang blog cá nhân của me được không? Em sẽ đề rõ link và tác giả

  8. em cảm ơn anh Đăng nhiều nhé. ..Một bài viết giúp em nhìn lại chính mình, giúp em biết đâu là đích phải đến, phải đi với ước mơ hoài bão của mình như nào. Nhiều khi em thấy mình nhu nhược buồn chán, gồng mình lên làm những gì không thích để rồi buông thả sau đó em hối hận. Ngay từ mai em sẽ chạy ra ngoài trải nghiệm, vấp ngã biết rằng em đam mê điều gì ạ.

  9. Bài viết của bạn rất hay và đúng với thực trạng các em trẻ hiện nay. Tôi rất muốn làm thế nào đó để các con tôi sống có ước mơ, và hoài bão… Nhưng thực sự chưa biết làm thế nào…

    • Em/con chào chị/cô ạ. Thật ra mãi tới năm 21 tuổi, khi em/con viết bài này thì mới dần dần nhận thức được tình trạng chung của thế hệ trẻ và đất nước mình ạ. Và quá trình này là do tự bản thân mình nhận ra, chứ gia đình của em/con cũng không khuyên nhủ nhiều về điều này. Nhưng em/con nghĩ rằng nếu hồi đó, bố mẹ mình khéo léo chia sẻ với mình những điều này để tương lai mình làm một công dân tốt hơn thì chắc sẽ còn ngộ ra tình trạng này sớm hơn nữa ạ.

      Em/con mong rằng con của chị/cô sẽ dần dần nhận ra được điều này nếu như gia đình mình có định hướng đúng cho các em ạ.

      Chúc cho chị/cô sớm hoàn thành được mục đích của mình!

  10. Bài viết này gợi lại cho em rất nhiều điều xưa cũ trong mình… về thế hệ trẻ, nền giáo dục và tương lai của đất nước Việt Nam… Cảm ơn anh rất rất nhiều vì bài viết!

Chia sẻ cảm nhận