Em thân mến,

Anh ngồi đây, viết những dòng này tại quán cà phê thân thuộc mà gần chục năm trước anh em ta vẫn hay ngồi để mơ mộng về tương lai của mình. Anh cũng khá ngạc nhiên là quán cà phê này vẫn còn tồn tại, sau từng ấy năm trời. Những tưởng một quán cà phê được lập ra bởi một nhóm bạn trẻ, như một dự án cá nhân đầu đời, lại có thể tồn tại lâu như vậy, thật thú vị em nhỉ? Nhưng đó không phải câu chuyện chính trong bức thư này anh muốn gửi em. Hôm nay anh muốn tâm sự với em về một thứ khác, một câu hỏi bất chợt xẹt ngang qua đầu anh khi ngồi đây: “Tại sao phải đi tìm đam mê hả em?”

Một câu hỏi nghe quá sức đơn giản, nhưng anh nghĩ nó đã làm khổ chúng ta mấy năm trời nay phải không em? Nếu được quay ngược lại chục năm trước, có lẽ chúng ta đã chọn một góc nhìn khác, một lối đi khác rồi phải không em? Sao lại “phải đi tìm đam mê của mình mà không phải là “kiến tạo đam mê” của mình? Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng ở ngoài kia có một thứ sẽ là đam mê cả đời mình, và mải mơ mộng về nó, trong khi thứ ngay trước mắt mình đây lại không quý giá và tận dụng nó tốt nhất có thể.

Nếu có một lời khuyên nào đó dành cho em, anh mong rằng em sẽ kiên nhẫn với chính mình trên hành trình kiến tạo đam mê của em. Đừng có thấy thứ đang làm hiện tại nó khó chịu quá, nó không giống với cái mình muốn mà bỏ ngang giữa chừng liền. Bình tĩnh, hít thở thật sâu, kiên nhẫn thêm một chút, hãy học và trải nghiệm cho bằng hết những thứ cần phải học và trải nghiệm ở hiện tại đi. Nói cách khác, anh mong em có cái nhìn của một nhà đầu tư lão luyện vậy, những thứ em bỏ ra cho hôm nay ắt hẳn sẽ mang lại quả ngọt cho em sau này. Nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp đóng góp cho con đường kiến tạo đam mê của em. Hãy nhớ rằng mình không đi tìm đam mê, đam mê là một thứ do em kiến tạo nên, em là người làm chủ quá trình đó.

Kiến tạo như thế nào? Đơn giản thôi, hãy cho em quyền được có nhiều sự tự do lựa chọn. Làm sao có sự tự do lựa chọn đây? Ồ, đến đây chúng ta cần phải nhìn một chút qua lĩnh vực tài chính cá nhân. Anh dùng ví dụ này vì nó rất dễ hiểu và dễ tiếp cận. Chắc hẳn em cũng biết rằng khi tài chính của em ít, sự tự do lựa chọn trải nghiệm, mua sắm, học hành của em đều bị giới hạn, đúng không? Khi em có dư dả tài chính, em không còn bị giới hạn lựa chọn nữa, em thích cái gì thì em chọn cái đó, em được giải phóng khỏi sự giới hạn. Nói cách khác, khi “vốn liếng tài chính” của em dư dả, em chẳng lo lắng gì với việc lựa chọn cả.

Đến đây chắc em hiểu câu hỏi tiếp theo sẽ là: Vậy trong con đường kiến tạo đam mê của mình thì vốn liếng em tích luỹ ở đâu đây?

Chủ quan của mình thì anh thấy những thứ sau là vốn liếng của em đây, dù đi đâu em cũng mang theo nó được cả: Kinh nghiệm + Kiến thức + Kỹ năng. Anh nghĩ nếu em thu thập tích luỹ được 3K này càng nhiều thì vốn liếng của em sẽ càng to. Thậm chí kể cả khi 3K này của em thoạt trông chẳng hề liên quan gì đến nhau cả. Nhưng cứ tin đi, tin vào bác Jobs, vì bác ấy đã nói rồi: “mọi thứ rồi sẽ kết nối một cách nào đó” (the dots will connect somehow). Một điều anh phải nhắc em liền, không phải số lượng quyết định, mà chất lượng 3K này mới quyết định vốn liếng của em dày tới đâu. Mà để có được chất lượng, đòi hỏi em phải dẹp ngay cái suy nghĩ “ở đâu đó ngoài kia có cái tốt hơn cho mình” đi. Em cần học cách kiên nhẫn, tiếp xúc sâu sắc với hiện tại của em trước, làm cho thật là tốt cái hiện tại của em trước đã. Vốn của em đang còn ít lắm, khi vốn còn ít thì dù em có bỏ ngang thứ hiện tại để tìm kiếm thứ khác đi nữa thì lựa chọn của em cũng rất là giới hạn.

Nhưng thế nào là chất lượng hả anh? – Dĩ nhiên rồi, anh chắc cú em sẽ hỏi anh câu này.

Anh cũng suy nghĩ về câu hỏi này nhiều. Đến lúc này, anh nghĩ có hai chỉ báo cho em thấy chất lượng 3K của em tới đâu. Thứ nhất, em cần hiểu rằng 3K của em sẽ dẫn đến 1 K cuối cùng, đó là Kết quả. Vậy thì, chất lượng kết quả của em có thể đo bằng hai thứ sau: Bên trong và Bên ngoài. Bên trong là gì? Đó chính là cảm giác của em đó. Em có thấy mình đã nỗ lực hết sức mình chưa? Em có thấy mình hài lòng với kết quả em tạo ra chưa? Em có cảm giác mình đã vượt qua giới hạn của mình để tạo ra một sản phẩm mà em không hổ thẹn với chính mình chưa? Đó chính là thước đo bên trong của em đó. Quan trọng lắm, nên phải luôn để ý đến cảm nhận của mình. Còn thước đo Bên ngoài chính là phản hồi từ mọi người xung quanh dành cho em đó.

Nhưng chỉ có một thứ anh muốn dặn em thôi, hãy cẩn thận với sự tập trung em đặt vào khi em xây vốn liếng của em. Đừng chạy theo chuyện tạo ra kết quả để có được sự chấp thuận ở bên ngoài. Anh mong em đặt toàn tâm toàn ý của mình vào bên trong em thôi. Hãy tập trung vào việc vượt ra khỏi giới hạn của em, tập trung vào chuyện tôi luyện chính mình thông qua công việc em làm, rồi kết quả nó sẽ đến một cách tự nhiên. Một người thợ lành nghề không bao giờ quan tâm đến lời khen ở bên ngoài, họ chỉ tập trung vào chuyện tạo ra một kiệt tác với tất cả những gì họ có mà thôi. Anh cũng mong em có tư duy của một người thợ lành nghề như thế khi xây dựng vốn liếng của em.

Em đã hiểu con đường mình đi rồi chứ? Nó sẽ chậm lúc đầu, bởi vậy anh mới dặn em cần kiên nhẫn. Cũng tương tự như lãi kép hay “hòn tuyết lăn” vậy đó. Nó sẽ rất chậm lúc đầu, thậm chí đôi khi em còn không thấy được sự tiến bộ của mình nữa kìa. Nhưng nếu em thật sự kiên nhẫn, tích luỹ từng chút, từng chút một, thì đến một lúc nào đó em sẽ thấy kết quả của sự kiên nhẫn. Em cần tin vào Einstein em à, ông ấy đã nói rằng “Lãi kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới này.” Anh em mình hẳn không đủ trọng lượng như ông ấy rồi. Nên mình hãy cứ tin thôi. Tin rằng những vốn liếng mình tích luỹ ngày hôm nay sẽ giúp cho em có thêm nhiều lựa chọn, sẽ giúp em từng chút, từng chút một kiến tạo nên đam mê của em, một con đường rất riêng của em.

Còn nhiều thứ anh muốn tâm sự với em nữa, nhưng thôi chắc mình để dịp khác, trong một bức thư khác. Hôm nay mình dừng lại ở đây vậy.

Mong em sống kiến tạo,

Tags

No responses yet

Chia sẻ cảm nhận