Đinh Hải Đăng

Vừa rồi mình vừa mới gặp một trường hợp thú vị và mình nghĩ có nhiều bài học trong đó.

Câu chuyện đó là một bạn đăng ký thực hiện Coaching với mình vào buổi tối hôm qua. Tuy nhiên sáng hôm sau thì bạn ấy email cho mình và chia sẻ rằng bạn xin rút lại đơn đăng ký.

Lý do là vì hôm qua, trước khi gửi đơn đăng ký, có một người đã nói với bạn ấy rằng “hãy quay về những thứ căn bản trước đi”. Mặc dù vậy bạn ấy vẫn quyết định đăng ký với Coaching. Và rồi bạn chia sẻ với mình là bạn cảm thấy bên trong có cái gì đó sai sai. Cái sai đó là “hình như mình cứ đi hỏi nhiều người rồi không làm gì thì cũng vậy thôi và vì lòng tự trọng của mỗi người chỉ có mình biết khi tự mình với mình thôi à.”

Bạn nghĩ cảm xúc của mình là gì khi đọc email này? Thành thật mà nói, mình rất rất vui. Dĩ nhiên là mình mất đi một khách hàng tiềm năng, nhưng mình lại thấy thật là hạnh phúc khi bạn tự hiểu ra được vấn đề của chính bản thân mình, và tự có giải pháp cho chính mình.

Đó là lý do vì sao mà từ trước đến giờ khi làm Coaching, mình luôn có một niềm tin rằng bản thân khách hàng sẽ có lời giải đáp hoàn hảo nhất cho vấn đề họ đang gặp phải. Dĩ nhiên có người “ngộ tính” cao thì sẽ tự trả lời được, nhưng cũng có những người cần một người bạn đồng hành lắng nghe, đặt câu hỏi để hỗ trợ cho họ tìm ra câu trả lời.

Tuy nhiên cái làm mình còn thú vị hơn nữa đó chính là cái “căn bản” mà bạn ấy nhắc đến trong bài. Đọc email của bạn, mình tự hỏi chính mình: “Hmmm… Thú vị thật. Vậy thì căn bản đối với mình là gì?” Và bài viết này sẽ thay mình trả lời câu hỏi ấy.

Tại Sao Căn Bản Lại Quan Trọng?

Bởi vì theo mình, căn bản là những gì đơn giản nhất. Và những gì đơn giản nhất lại thường là những thứ mạnh mẽ nhất, tinh túy nhất mà những người đi trước sau khi chiêm nghiệm đã giản lược lại cho chúng ta.

Lý Tiểu Long từng nói “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần, mà chỉ sợ người thực hành 1 cú đá 10.000 lần”. Đó chính là căn bản.

Chúng ta cứ hay tìm kiếm những thứ mới mẻ hơn, hào nhoáng hơn trong khi chưa thành thục những thứ căn bản nhất. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển bản thân, mình nhận thấy bản thân mình trước đây, và một số bạn bây giờ cứ phải đọc cho thật nhiều sách, nghe thật nhiều diễn giả, học thật nhiều khóa học v.v. trong khi bản thân thì luyện chưa tới những điều căn bản nhất của phát triển bản thân.

Mình may mắn khi nhận ra điều đó khoảng 3 năm về trước. Từ đó trở đi thật ra mình đọc rất rất ít sách về chủ đề phát triển bản thân. Thay vào đó mình chuyển sang dòng sách tạm gọi là “tu thân” nhiều hơn. Về hiện tại số đầu sách đếm chưa quá một bàn tay. Và mình cứ miệt mài luyện đi luyện lại. Mỗi lần lại ngộ ra thêm được rất nhiều điều.

Vậy đâu là những điều căn bản mà ta nên luyện tập? Theo cảm nhận và trải nghiệm cá nhân của mình thì có một số điều căn bản sau (bạn có quyền lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý).

Nguyên Lý Căn Bản #1: Quyền Lựa Chọn

Định nghĩa của lựa chọn đó là “tự do chọn điều bạn muốn trong một loạt các phương án khác nhau.” Đó cũng chính là nền tảng căn bản mà mọi Coach đều tâm niệm khi làm việc với khách hàng của mình.

Ngay lúc này, bạn cần phải hiểu bạn sinh ra đã có quyền được lựa chọn. Đó là quyền thiêng liêng nhất của bạn. Nếu bạn nói bạn không có quyền lựa chọn thì sẽ không ai có thể giúp bạn được cả. Chắc bạn nghĩ, nhưng rõ ràng có những hoàn cảnh mà tôi cảm thấy mình không có lựa chọn nào cả.

Nếu bạn nghĩ như vậy, hãy thử google tìm hiểu câu chuyện của nhà tâm lý học Viktor Frankl, bạn sẽ thấy dù là trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, chúng ta vẫn có quyền lựa chọn thái độ phản ứng của mình với hoàn cảnh ấy.

Mình nói vậy để bạn hiểu, nếu bạn muốn, bạn có quyền chọn viết lại câu chuyện đời mình và sống một cuộc sống khác đi so với cuộc sống hiện tại của bạn. Điều kiện tiên quyết chỉ có một, đó là bạn có muốn hay không?

Thử thách dành cho bạn: tự hỏi bản thân “Tôi muốn gì?”. Viết ra một danh sách những điều bạn muốn và thành thật hỏi rằng “Mình có quyền chọn làm điều này hay không?”

Nguyên Lý Căn Bản #2: Mối Quan Hệ Quan Trọng Nhất Bạn Có Trong Cuộc Đời Này Là Mối Quan Hệ Với Bản Thân Bạn

Không phải người yêu. Không phải vợ/chồng. Không phải con cái. Không phải cha mẹ. Không phải bạn bè. Không phải sếp/đồng nghiệp/nhân viên. Tất cả những mối quan hệ đó chỉ là thứ cấp.

Mối quan hệ quan trọng nhất là với bản thân bạn. Tại sao ư? Vì dù có muốn cách mấy đi nữa, vẫn sẽ có những thời điểm những người phía trên không sống cùng bạn nữa. Những lúc ấy, bạn ở cùng với ai? Dĩ nhiên là với chính bạn.

Vậy nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính bạn, bạn có hạnh phúc với đời mình được không? Nếu bạn không cảm thấy yêu thương chính mình, bạn có yêu thương được mọi người? Nếu bạn không lắng nghe được chính mình, bạn liệu có lắng nghe được người khác?

Vậy thì mối quan hệ ấy trông như thế nào? Nó là khi bạn làm những thứ tốt đẹp cho đời mình. Nó là khi bạn lắng nghe thông điệp bên trong mình và làm theo ước nguyện của bản thân. Nó là khi bạn trân trọng bản thân mình (cả tốt lẫn xấu). Nó là khi bạn dịu dàng, tử tế với chính mình.

Mình biết đây không phải là điều dễ làm. Bản thân mình cũng đang nỗ lực để duy trì và giữ vững những thói quen tốt đẹp cho bản thân. Và nếu bạn tin mình, ngay từ bây giờ, hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho bản thân.

Thử thách dành cho bạn: Lập ra hai danh sách “Mình đang làm điều gì gây hại cho bản thân?” và “Mình cần phải làm gì tốt đẹp cho bản thân?” Cam kết thực hiện theo danh sách 2 và dần dần loại bỏ những điều trong danh sách 1 cho đến khi không còn điều nào nữa.

Nguyên Lý Căn Bản #3: Thấu Hiểu Cảm Xúc

Cảm xúc là một phần không thể thiếu làm nên sự độc đáo của con người. Những quyết định quan trọng trong đời bạn nếu thiếu đi sự cân nhắc cảm xúc thì nhiều khả năng nó chưa phải là quyết định tối ưu nhất.

Nhưng thật ra rất ít người để ý cảm xúc của mình trong suốt một ngày. Bạn cũng hãy tự hỏi chính bạn là 1 tiếng trước bạn đã có cảm xúc gì, sự kiện gì xảy ra, và bạn đã làm gì hay không?

Tất cả các khách hàng làm Coaching với mình, tùy thời điểm khác nhau, mà mình sẽ yêu cầu họ phải viết Nhật Ký Cảm Xúc. Dĩ nhiên không phải để báo cáo với mình, mà là để kết nối với bản thân người đó tốt hơn.

Cách viết nhật ký rất đơn giản. Bạn chia làm ba cột là Cái gì (What?); Tại sao (Why?) và Như thế nào (How?).

Ở cột “what”, bạn hãy viết lại những sự kiện diễn ra trong ngày mà khiến bạn có cảm xúc (bất kỳ cảm xúc gì). Bạn cần gọi tên cụ thể cảm xúc đó ra. Ở cột “why”, bạn cần suy nghĩ tại sao bạn lại có cảm xúc đó, ý nghĩa của cảm xúc đó là gì. Và cuối cùng ở cột “how”, bạn viết ra mình sẽ làm gì với cảm xúc này.

Ví dụ sáng nay sau khi thực hiện 1 ca Coaching, mình cảm thấy đầy cảm hứng. Lý do là vì mình đã giúp đỡ cho khách hàng của mình có những nhận thức mới hơn về bản thân. Cuối cùng mình viết ra là mình cần tiếp tục cải thiện năng lực bản thân để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa để có cảm xúc này. Rất đơn giản phải không?

Và đây là thử thách dành cho bạn: cam kết trong 7 ngày sắp tới mang theo một quyển sổ bên mình và ghi chú lại những cảm xúc bạn nhận thấy trong ngày. Sau 7 ngày, hãy quay lại đây comment chia sẻ kết quả mà bạn đạt được :).

Diễn giả huyền thoại Jim Rohn từng nói “Thành công chẳng phải là thứ gì ma thuật hay huyền bí. Nó chỉ đơn giản là hệ quả của việc áp dụng kiên trì những nguyên lý căn bản nhất.”

Chúc bạn kiên định đến cùng.

Đinh Hải Đăng

Tags

3 Responses

  1. Cảm ơn những chia sẽ của anh Đăng. Em cũng có thời gian mua sách phát triển bản thân về đọc rất nhiều nhưng nhờ đọc được bài viết “Đọc sách” của chú Trần Đình Hoành và nguyên tắc thứ 4 của Coach Wooden em mới cảm thấy mình đọc nhiều thật nhưng chẳng áp dụng được bao nhiêu. Bây giờ em tặng bớt sách cho thư viên và tập trung vào một số quyển nhất định.

Chia sẻ cảm nhận