Chào các bạn,

Nhiều bạn vẫn hay nhờ mình tư vấn về quản lý thời gian, đặc biệt là các bạn trẻ. Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình quản lý thời gian bằng việc phân định các vai trò trong đời của mình. Nhưng trước hết ta cần hiểu tại sao ta không quản lý thời gian được tốt.

Nguyên nhân khiến ta không quản lý thời gian

Chúng ta đều sống cùng trên một Trái Đất, vậy nên mỗi người đều chỉ có thể có 24 tiếng / ngày. Vậy thì ta phải tự hỏi vì sao những người thành công và có chức vị hơn ta vẫn có thể quản lý thời gian được, trong khi nếu nghĩ kĩ thì hẳn là họ nhiều việc hơn ta chứ?

Theo quan điểm cá nhân của mình thì chúng ta không quản lý thời gian được là vì không có một mục tiêu cụ thể, không biết mình muốn gì trong cuộc đời của mình. Chính vì xuất phát từ việc không biết đó, nên ta cứ thoải mái cho phép người khác lấy đi thời gian của ta / hoặc ta thoải mái dùng thời gian của mình để làm gì đó cho người khác.

Mình cho rằng vấn đề khác biệt nằm ở chỗ những người quản lý thời gian tốt là người biết được mình muốn gì trong cuộc đời, và họ đã phân định được những vai trò quan trọng của mình để dành sự tập trung cho nó.

Quản lý thời gian bằng vai trò

Trong cuộc sống, chúng ta thường định nghĩa bản thân mình bằng những vai trò. Khi chúng ta hỏi người khác hoặc được hỏi: “Bạn làm nghề gì?” thì câu trả lời thường là “Tôi là một CEO”, “Tôi là một Marketer”, “Tôi làm mẹ toàn thời gian”, “Tôi là một người thầy giáo”.

Bạn thấy đấy, chúng ta có rất nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống. Và trong mỗi vai trò này, chúng ta đều có những mục tiêu và viễn kiến cá nhân của vai trò đó.

Một người là CEO sẽ muốn mình phải xây dựng được đội ngũ mạnh, sản phẩm xuất sắc và kiếm được nhiều tiền chẳng hạn.

Người làm mẹ toàn thời gian thì muốn cho con cái tình yêu thương và nền giáo dục tốt đẹp nhất.

Người thầy giáo thì muốn truyền cho học trò tình yêu học tập và lý do cần phải quan tâm đến học vấn tự thân.

Điều quan trọng là cần phải đảm bảo những vai trò của bạn được cân bằng trong cuộc sống. Bởi vì vai trò nào cũng quan trọng như nhau, nên chỉ cần một sự thiếu cân bằng thì những vai trò khác của bạn cũng bị ảnh hưởng theo.

Vì vậy, cách quản lý thời gian hiệu quả nhất, và gốc rễ nhất đó là quản lý thời gian bằng vai trò.

Làm sao để làm được điều này? Có những bước sau:

Bước 1: Xác định vai trò của bạn

Đầu tiên bạn cần biết được những vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời của mình ngay ở hiện tại là những vai trò nào. Thường thì ta có khoảng từ 5-7 vai trò như vậy.

Hãy bắt đầu liệt kê xuống những vai trò mà bạn đã xác định ra.

Ví dụ như những vai trò quan trọng hiện tại của mình là:

  • Coach
  • Trainer
  • Cha
  • Chồng
  • Bản thân
  • Sự học

Hãy dành thời gian viết xuống những vai trò này của bạn ngay bây giờ trước khi sang bước 2.

Bước 2: Đánh giá hiệu quả của mỗi vai trò

Ở bước này bạn cần tự hỏi mình: “Mình đang làm tốt những vai trò này đến mức độ nào?”

Hãy thành thật cho điểm ở mỗi vai trò từ 1-10 với 1 là tệ nhất và 10 là xuất sắc. Sự thành thật này sẽ rất quan trọng trong việc tạo nên sự thay đổi của bạn.

Nếu bạn băn khoăn không biết nên cho mình bao nhiêu điểm, bạn có thể hỏi thăm những người xung quanh để xin đánh giá của họ.

Bước 3: Đặt lại tên cho vai trò của bạn để mang lại cảm xúc tích cực và động lực

Ngôn từ tạo nên cảm xúc và động lực. Cùng một ý nghĩa nhưng cách dùng từ sẽ khơi gợi lên những cảm xúc hoàn toàn khác nhau cho bạn. Lấy ví dụ:

  • Phát triển kinh tế ==> Chấn hưng kinh tế
  • Thay đổi bản thân ==> Tự lực khai phóng
  • Kinh doanh ==> Khởi nghiệp kiến quốc

Hoặc lấy ví dụ các vai trò của mình ở trên sẽ được đặt lại như sau:

  • Coach ==> Supercoach
  • Trainer ==> The Inspirer (Người Truyền Cảm Hứng)
  • Sự học ==> Life-long Learner (Người Học Tập Suốt Đời)

Bạn dùng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Tàu hay tiếng gì cũng được. Miễn là từ đấy khơi gợi cho bạn một ý nghĩa riêng đặc biệt với bạn mà mỗi khi nhắc đến cụm từ đó nó thúc đẩy bạn phải nỗ lực cho vai trò của mình.

Bước 4: Viết một tuyên ngôn cho vai trò của bạn

Ở mỗi vai trò, bạn cần phải biết mình muốn nhắm đến điều gì và để đạt được điều đó, bạn sẽ làm những hoạt động nào. Khi biết đích đến mình muốn hướng đến ở mỗi vai trò, bạn sẽ nỗ lực để làm hết khả năng của mình trong khoảng thời gian mình định ra.

Công thức viết tuyên ngôn mà mình thấy khá đơn giản, dễ sử dụng như sau: Là một (vai trò của bạn)… Tôi sẽ (kết quả bạn muốn hướng đến)… Bằng cách (những hoạt động để bạn đạt đến kết quả đó).

Ví dụ của mình với vai trò là Supercoach: Là một Supercoach, tôi sẽ dành cuộc đời mình để giúp đỡ mọi người trở thành phiên-bản-tốt-đẹp-nhất của chính họ, bằng cách sống đời người khai vấn, theo đuổi tiếng lòng của mình, không ngừng cải thiện bản thân, sống với một trái tim linh thiêng, yêu người, khiêm tốn, thành thật và tĩnh lặng.

Bước 5: Đặt mục tiêu cụ thể cho từng vai trò

Ở bước này bạn bắt đầu đặt mục tiêu mà mình muốn đạt được trong vai trò mà mình đã liệt kê ở trên. Mỗi mục tiêu cụ thể này cần phải giúp bạn hướng đến kết quả cuối cùng mà bạn muốn trong tuyên ngôn mình đã viết ra.

Một trong những phương pháp đặt mục tiêu phổ biến nhất là SMART, bạn có thể google sẽ ra rất nhiều nội dung nói về phương pháp này.

Một phương pháp đơn giản hơn đó là theo công thức sau: Từ X đến Y vào lúc Z. Ví dụ:

  • Giảm từ 90 cân xuống 70 cân vào 25/12/2018
  • Nâng cao thu nhập từ 15 triệu lên 30 triệu vào 23/4/2018

Ngay cả những thứ khó định lượng như mối quan hệ thì bạn cũng có thể đưa nó về được định lượng bằng cách trước tiên xác định từ 1-10 thì điểm số hiện tại là bao nhiêu, sau đó bạn xác định mình muốn hướng đến điểm số bao nhiêu. Ví dụ:

  • Nâng cao mối quan hệ với người yêu từ 4 điểm lên 8 điểm vào 20/10/2018

Bước 6: Lên kế hoạch mỗi tuần và mỗi ngày

Vậy là bạn đã có một bảng danh sách mục tiêu mà mình muốn đạt được trong thời gian sắp tới rồi đấy. Chúng ta chỉ quản lý thời gian được khi biết mình muốn gì mà thôi.

Bây giờ mỗi tuần khi lên kế hoạch, bạn cần xem lại tuyên ngôn và vai trò của mình, sau đó xem lại danh sách mục tiêu mình muốn đạt được trong năm nay để cân nhắc tuần tiếp theo bạn cần phải làm những gì để giúp mình tiến gần hơn đến mục tiêu mình muốn đạt được.

Luôn luôn nhớ phải ưu tiên cho những việc này đầu tiên trước khi bạn bị cuộc sống bộn bề cuốn mình đi bạn nhé.

Chúc bạn có sự tiến bộ trong quản lý thời gian.

Thân mến,

Hải Đăng


Giới Thiệu Khóa Học Làm Việc Hiệu Quả Không Hề Khó

Đây là khóa học mà tôi dày công nghiên cứu, phát triển sau 3 năm thực nghiệm với việc nâng cao hiệu quả của bản thân. Khóa học này hướng đến mục tiêu giúp cho người học có được:

  • Những phương pháp hiệu quả nhất để quản lý thời gian, sự tập trung và năng lượng của bản thân
  • Một hệ thống logic, khoa học, tự động hóa để có thể quản lý công việc và quản lý thông tin
  • Các phương pháp làm chủ công nghệ để tiết kiệm thời gian, nỗ lực trong công việc của mình
  • Hệ tư duy mới, kỹ năng mới, và công cụ mới để tăng khả năng làm việc hiệu quả lên gấp nhiều lần

Điểm đặc biệt nhất của khóa học này đó là sự thực tiễn. Tôi không dạy bạn “thành công”, tôi cũng không dạy bạn “làm giàu”. Tôi dạy bạn cách “tổ chức công việc và cuộc sống sao cho hiệu quả”. Khi bạn làm việc / học tập hiệu quả, bạn sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, khi bạn có kết quả tốt hơn thì nhiều khả năng bạn sẽ có nhiều thu nhập hoặc thành công hơn. Đơn giản là như vậy.

Nếu bạn quan tâm đến việc nâng cao hiệu suất của bản thân, hãy tìm hiểu khóa học bằng cách nhấn vào nút phía dưới nhé.

[su_button url=”http://www.dinhhaidang.com/dao-tao-training/lam-viec-hieu-qua-khong-he-kho/” target=”blank” style=”flat” background=”#1fa67a” color=”#ffffff” size=”9″ center=”yes” radius=”round” icon=”icon: check-circle” icon_color=”#ffffff”]TÌM HIỂU KHÓA HỌC LÀM VIỆC HIỆU QUẢ KHÔNG HỀ KHÓ[/su_button]

Tags

One response

Chia sẻ cảm nhận