Đinh Hải Đăng

Bài viết này là cảm hứng từ một buổi coaching (khai vấn) với một khách hàng gần đây của tôi. Trong buổi coaching này, chúng tôi có trao đổi với nhau về việc thực hiện mục tiêu của bạn và độ tuổi mà bạn muốn thực hiện mục tiêu của mình.

Bạn chia sẻ với tôi nỗi lo của mình khi có nhiều con đường lựa chọn để đến mục tiêu của mình. Trong đó có một lựa chọn mà bạn đang cân nhắc, tuy nhiên một trong những cản trở đối với bạn là bạn khá lo lắng về độ tuổi của mình vào thời điểm ấy. Bạn sợ rằng mình đã không còn trẻ để bắt đầu thực hiện mục tiêu của mình.

Tôi hoàn toàn hiểu được nỗi lo của bạn vì tôi cũng đã từng trải qua cảm xúc như bạn nhưng ở chiều hướng ngược lại. Tôi đã từng rất băn khoăn về việc theo đuổi con đường làm chuyên gia khai vấn (coach) của mình. Vào thời điểm ấy, tôi chỉ mới là một chàng trai 20 tuổi và vẫn còn đang rất băn khoăn cho con đường sự nghiệp của mình. Khi ấy tôi đã nghĩ rằng: “Mình có quá trẻ để làm việc này không?”

Ở bài viết trước tôi có chia sẻ với bạn về câu hỏi trao quyền và câu hỏi tước quyền. Và thật khôi hài khi tôi lại đặt cho chính mình câu hỏi như vậy. Tôi cảm thấy bất lực mỗi khi đặt cho mình câu hỏi ấy. Tôi sợ hãi và không dám làm gì nữa. Cho đến một thời điểm tôi chọn tạm ngừng lại một thời gian với lời biện hộ rằng: “Mình còn trẻ, còn thời gian mà. Khi nào có tài chính vững vàng hơn, có kinh nghiệm sống hơn, có mối quan hệ nhiều hơn rồi quay lại cũng không muộn.”

Nhưng vấn đề là “Khi nào?”

Tôi không trả lời được. Tôi cố gắng đưa ra một độ tuổi mà nghe có vẻ hợp lý. Nhưng thật sự thì tôi cũng không biết liệu độ tuổi ấy đã đủ chưa?

Tôi bám víu vào lời biện hộ này trong một thời gian dài để trì hoãn việc theo đuổi con đường của mình.

Quá Trẻ Hay Quá Già Để Làm Gì?

Cho đến một ngày cơ duyên đưa tôi gặp lại một người bạn đồng nghiệp cũ. Cậu đặt ra cho tôi câu hỏi làm thay đổi toàn bộ mọi tư duy của tôi về thời gian và tuổi tác.

Nguyên văn câu hỏi của cậu bạn tôi nói đó là: “Too young to do what? Too old to do what?” (Tạm dịch: Quá trẻ để làm gì? Quá già để làm gì?)

Bỗng nhiên mọi thứ bừng sáng trong tôi.

Đúng rồi. Quá trẻ để làm gì? Quá già để làm gì? Có luật lệ nào đặt ra rằng mình cần phải đạt đến độ tuổi nhất định nào đó trước khi làm một việc gì không? (Trừ việc pháp luật quy định bạn phải đạt đến tuổi vị thành niên.)

Đây quả thật là sức mạnh của một câu hỏi đúng (đó là lý do vì sao khai vấn cực kỳ hiệu quả cho sự thay đổi của cá nhân). Tôi cảm nhận được rõ rệt niềm tin của mình đã thay đổi hoàn toàn sau câu hỏi của bạn mình. Đó cũng là lúc tôi quyết định sẽ không để cho niềm tin giới hạn về độ tuổi của tôi ảnh hưởng đến con đường tôi lựa chọn nữa.

Còn bạn thì sao? Bạn có đang tự hỏi: “Liệu mình có quá trẻ/quá già để làm [x] không?”

Nếu câu trả lời là có, hãy nhìn sâu thẳm vào bên trong mình và đánh giá xem liệu có thật sự là vấn đề tuổi tác hay chỉ là một lý do để bạn trì hoãn. Và nếu đây là một lý do thôi, thì “khi nào” bạn sẽ thực hiện mơ ước của mình?

“Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điểu đến 75 tuổi mới chôn mà thôi” – Benjamin Franklin

Tôi mong rằng bạn sẽ không thuộc kiểu người trong câu nói trên.

Thời gian trôi nhanh lắm và không chờ ai cả. Chớp mắt một cái đã thấy mình hơn 25 rồi.

Còn bao nhiêu cái chớp mắt nữa thì ta mới nhận ra là đã trễ rồi?

Mến,

Hải Đăng

P/s: Nếu bạn không muốn phí hoài thời gian của mình và có những mục tiêu mình đang khao khát thực hiện, và nếu bạn cần một người bạn đồng hành chia sẻ cùng bạn, lắng nghe bạn và đặt cho bạn những câu hỏi để giúp bạn tìm ra câu trả lời cho mình, hãy cho bạn một cơ hội trải nghiệm khai vấn (coaching) nhé.

Tags

One response

  1. hi anh.
    em đang ban khoan nên chọn ngành nghê gì phù hợp với minh,mà em chưa tim ra,hiện nay em đang đi long vòng,anh có bài nào chia sẻ giùm em được không à.

Chia sẻ cảm nhận