Chào bạn,

Mỗi người chúng ta đều có 24 giờ trong ngày nhưng mình gặp nhiều người thì lúc nào cũng nghe than thở là “Không đủ thời gian” hết. Mà đặc biệt là số lượng này là những bạn trẻ mới đi làm hay các bạn sinh viên. Nhưng mình nghĩ, các bạn có bận mấy thì cũng không thể bận bằng các vị thủ tướng, tổng thống, CEO các kiểu được. Các vị ấy trăm công nghìn việc mà cũng chỉ có một quỹ thời gian 24 giờ như tất cả mọi người thôi. Vậy thì chúng ta, những người không phải gánh vác nhiều trách nhiệm bằng các vị ấy, sao có thể nói là mình “Không đủ thời gian” được?

Theo quan điểm cá nhân của mình, thật ra khi ta nói “Không đủ thời gian” thì đó là ta đang nói rút gọn đi thôi. Trên thực tế, khi ta nói như vậy thì ý của ta là “Không đủ thời gian cho những việc quan trọng với mình” thì đúng hơn. Khi ta không làm những việc quan trọng với mình, thì một lẽ dễ hiểu là ta luôn cảm thấy một ngày của mình thời gian cứ trôi đi đâu mất. Mới tỉnh dậy quanh qua quẩn lại một chút mà đã thấy hết ngày. Mà ngồi nhìn lại một ngày thì lại thấy mình chẳng làm được gì cả.

Vậy vấn đề ở đây là ta cần phải xác định rõ đâu là những việc quan trọng với mình, với cuộc đời mình. Và ta cũng cần biết rõ là thời gian của ta đang dành để làm những việc đó hay không? Mình nhận thấy có hai lý do lớn sau khiến ta không ưu tiên cho những việc quan trọng với mình.

1. Không dám từ chối

Một trong những lý do lớn nhất khiến mình thấy nhiều bạn chẳng có thời gian làm việc quan trọng của mình là vì bạn không dám từ chối người khác. Khi có người nhờ làm điều gì đó, bạn biết là không quan trọng với mình, nhưng bạn không từ chối được. Đồng nghiệp yếu kém, ngại việc nên đẩy việc cho bạn, bạn biết thừa nhưng lại không đủ can đảm từ chối vì sợ người ta nói bạn không hòa đồng. Làm việc nhóm với nhau thì có những thành viên lười biếng, chỉ chăm chăm “hưởng sái” kết quả của nhóm, thành thử bạn phải một tay thầu hết trong khi không dám phản hồi cho kẻ lười biếng kia nhận lấy trách nhiệm của hắn ta.

Mình vẫn hay nói với các bạn học viên trong khóa học “Làm Việc Hiệu Quả Không Hề Khó” của mình đó là: “Khi bạn nói ‘Có’ với một số việc, nghĩa là bạn đang nói ‘Không’ với một số việc khác.” Nếu bạn nói “Có” với những yêu cầu của người khác, nghĩa là bạn đang nói “Không” với những việc quan trọng mình cần làm.

Một ví dụ cụ thể là vừa rồi một người bạn của mình có nhờ mình cùng với bạn thực hiện một buổi chuyên đề về hướng nghiệp cho các em học sinh ở Đồng Nai. Đây là một hoạt động mình đã từng làm với bạn mình năm ngoái và trên thực tế thì mình cũng rất muốn tham dự năm nay. Nhưng nghĩ cho thật kỹ, thì việc tổ chức chuyên đề này có tính quan trọng với bạn mình hơn là với mình. Song song với đó thì sau ngày tổ chức chuyên đề 2 ngày sẽ là buổi học đầu tiên của chương trình hạt giống lãnh đạo IPL mà mình đang theo học. Và mình thì muốn giữ cho tinh thần và sức khỏe ở mức cao nhất để tham gia buổi đầu tiên này hiệu quả. Vậy là dù rất tiếc nhưng mình vẫn phải từ chối bạn mình cho buổi chuyên đề năm nay. Một điều đặc biệt xảy ra là đầu tuần này, mình nhận được yêu cầu phải làm một bài tiểu luận để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên của chương trình và phải nộp vào cuối tuần này. Khi ngẫm nghĩ lại, mình mới thấy rõ ý nghĩa của “Nói ‘Không’ với một số việc để nói ‘Có’ với một số việc.” Nếu mình nhận lời làm chuyên đề cho bạn mình (quan trọng với bạn), hẳn nhiên mình sẽ còn rất ít thời gian để thực hiện bài tiểu luận (quan trọng với mình).

(Mình không nói bạn phải trở thành một người ích kỷ, máy móc luôn từ chối người khác. Mình đang nêu ví dụ ở trên để bạn hiểu rằng có đôi khi bạn cần ưu tiên thời gian cho những điều quan trọng với bạn trước, rồi mới đến ưu tiên cho người khác.)

2. Không biết mình muốn gì

Mình nhận thấy rằng thường khi bạn không từ chối được là do bạn không biết mình muốn gì cho cuộc đời mình cả. Bạn không biết ưu tiên của bạn ở đâu và cái gì là quan trọng với bạn. Thành thử, một ngày của bạn sẽ rất trống rỗng. Chính vì sự trống rỗng này dẫn đến việc sợ cảm giác mình là người vô dụng. Vì vậy, bạn phải hướng ra bên ngoài để xem có gì cho mình làm hay không để không thấy mình lãng phí thời gian. Thế nên người khác nhờ là bạn nhận ngay. Vì chí ít, lúc này bạn còn thấy mình có ích.

Mình không cực đoan đến độ nói điều này là không tốt. Thật ra ở một số giai đoạn cuộc đời, việc này tốt vì nó là một cơ hội để bạn dấn thân và tìm ra chính mình. Nhưng nó cũng chỉ nên là một giai đoạn thôi, không thể kéo dài cả đời sống vì mục tiêu hay đòi hỏi của người khác được. Bạn cần phải xác định cái mình muốn là cái gì.

Mình có viết một bài là “Quản Lý Thời Gian Bằng Vai Trò” để giúp bạn làm rõ hơn cái bạn muốn. Đây là phương pháp mình thấy đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Khi bạn đã biết mình muốn gì. Khi bạn đã biết một tuần của mình cần làm gì, tháng tiếp theo mình muốn đạt được gì v…v… thì việc từ chối sẽ rất dễ. Có thể ban đầu bạn chưa quen, nhưng chỉ cần lần đầu tiên bạn can đảm từ chối, thì những lần sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Chúc cho bạn học được cách “Nói Không để nói Có”.

Thân mến,

Đinh Hải Đăng

Tags

No responses yet

Chia sẻ cảm nhận