Đinh Hải Đăng
Chào bạn,
Trong bài viết này, cho tôi xin phép được xưng hô là “Đăng” và gọi bạn là “các bạn” sau khi kết thúc câu này. Lý do là vì nội dung bài viết này của Đăng sẽ khá đặc biệt và Đăng nghĩ rằng kiểu xưng hô này sẽ hợp lý hơn.
Tại sao lại đặc biệt và phải xưng hô như vậy? Bởi vì những điều Đăng sắp chia sẻ với các bạn là những điều không giáo điều, không lý thuyết, không có kỹ thuật gì cả. Và Đăng cũng chẳng phải là chuyên gia để có quyền nói rằng mình đúng hay sai với những gì mình sắp chia sẻ dưới đây. Chính vì vậy, bài viết này sẽ như những người bạn chia sẻ chân tình với nhau, chỉ như vậy mà thôi. Các bạn cho phép Đăng chứ? Nếu có, hãy tiếp tục đọc. Còn nếu không, bạn hãy bỏ qua bài viết này, không sao cả.
Cách đây gần nửa năm, Đăng có viết một bài tựa đề là 5 Lý Do Tại Sao Bạn Không Tìm Được Đam Mê của mình. Nội dung bài viết là những chia sẻ cá nhân từ kinh nghiệm của Đăng về đam mê. Và trong số các bình luận về bài viết, có một bình luận khiến Đăng cảm thấy khá thú vị, và nguyên văn của nó là:
“nếu giả dụ công việc mà mình làm nhưng ko thấy hứng thú ko có cơ hội thăng tiến nhưng mình cần công việc đó để nuôi sống bản thân thì sao hả bạn. vào bạn bạn có dám từ bỏ để đi tìm đam me cho mình không”
Nếu như người bạn này là một khách hàng life coaching của Đăng, thì câu hỏi tiếp theo mà Đăng đặt ra cho người bạn này sẽ là: “Đây là câu chuyện mà bạn đang tự kể với mình suốt bao nhiêu năm qua để tự thuyết phục mình không phải làm điều đó, đúng không?” Từ “câu chuyện” ở đây thật ra là những lời biện hộ mà chúng ta đang liên tục tự nói với bản thân mình.
Các bạn, hãy dành ra ít thời gian để ngẫm lại xem mình đang tự kể với bản thân mình những câu chuyện gì? Liệu câu chuyện đó có phải là sự thật hay không? Liệu câu chuyện đó có thể được viết lại hay không? Tại sao bạn lại tin vào câu chuyện đó? Tại sao bạn lại chọn làm nhân vật chính trong câu chuyện đó?
Và câu hỏi hay nhất đó chính là tựa đề của bài viết này: “Bạn sẽ là ai nếu không còn những câu chuyện của mình?”
Quay lại bình luận phía trên một chút. Nếu như người bạn này không tự kể với chính mình câu chuyện ấy, Đăng tin rằng có vô số cách để nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi nó. Một số cách mà Đăng nghĩ bạn hoàn toàn có thể làm được đó là:
1. Tập trung vào làm thật tốt công việc hiện tại. Nâng cao trình độ bản thân. Không phải với mục đích thăng tiến trong công việc hiện tại mà là để thay đổi công việc cho tương lai. Rõ ràng, nếu cứ tiếp tục than thở về công việc của mình và chỉ thực hiện cho qua ngày thì bạn đã đánh mất đi cơ hội tỏa sáng trong con mắt những nhà tuyển dụng tương lai.
2. Một trong những cách thông minh và thực tế đó là dành thêm thời gian buổi tối hay cuối tuần để nghiên cứu và thực hiện đam mê của mình. Nhưng có một điều rất quan trọng trước khi bạn chọn cách này, là bạn phải tự hỏi chính mình: “Tôi có dám chấp nhận đánh đổi và hi sinh khoảng thời gian nghỉ ngơi của mình để theo đuổi công việc tôi đam mê hay không?” Nếu câu trả lời là không, tốt nhất bạn đừng theo con đường này. Vì con đường này đòi hỏi bạn đủ mạnh mẽ để chịu đựng những khắc nghiệt và đòi hỏi của cuộc sống.
Sao Đăng có thể chắc như vậy? Vì bản thân Đăng cũng đang đi theo con đường này. Đăng cũng có một công việc full-time, thậm chí là ở vai trò lãnh đạo. Sau giờ làm việc, Đăng vẫn có gia đình, bạn bè, người yêu và bản thân để tập trung vào. Nhưng bên cạnh đó, Đăng vẫn nỗ lực dành từ 8-10 tiếng trong một tuần để duy trì công việc coaching của bản thân.
Có thể bạn nghĩ rằng: “Nhưng Đăng được làm công việc mình yêu thích thì chuyện này là chuyện nhỏ thôi mà.” Đúng thế. Nhưng chẳng phải chính Đăng cũng đã hi sinh 8-10 tiếng đó để bớt thời gian cho gia đình, bớt thời gian cho bạn bè, cho người yêu của mình đấy thôi? Đăng có quyền chọn không làm điều đó mà. Bạn hãy tưởng tượng cuối tuần, người ta nghỉ ngơi thì mình cũng làm việc, trong tuần người ta làm việc thì mình còn làm cật lực hơn, và buổi tối người ta về nhà nghỉ ngơi thì mình lại lao đầu vào học thứ này thứ kia.
Liệu bạn có còn muốn đánh đổi nữa không? Bạn sẽ chọn đi ngược lại với đám đông chứ?
Các bạn, nếu bạn muốn tất cả mọi điều tốt đẹp nhất, bạn phải tự hỏi chính mình rằng: “Tôi là ai để có thể nhận được những điều tốt đẹp đó?” Đam mê không dễ dàng, và sẽ chẳng có bất kỳ ai đến trao cho bạn đam mê cả. Bạn phải làm, phải thực hiện, phải đau đầu vì nó, phải hi sinh những thú vui nhỏ nhoi của bản thân, phải kỷ luật, phải kiên trì v.v.
Như Đăng đã nói, mỗi người đều mang bên mình một câu chuyện về lý do tại sao mình lại không làm điều này, điều kia. Và nếu bạn vẫn đang kể với chính mình những câu chuyện tương tự như câu chuyện ở trên, nhiều khả năng bạn sẽ không thể đạt được những điều tốt đẹp nhất. Nguy hiểm hơn nữa, câu chuyện của bạn sẽ là thương hiệu cá nhân gắn liền với bạn. Bạn muốn người khác nhớ đến bạn như thế nào? Nếu gặp bất cứ ai bạn cũng kể đi kể lại câu chuyện đó thì bạn đang xây dựng cho mình thương hiệu cá nhân gì?
Chắc lúc này bạn đang tự hỏi: “Vậy thì bây giờ tôi phải làm sao?”
Tin tốt lành đó là bạn hoàn toàn có thể viết lại câu chuyện của mình. Bằng cách nào? Bằng sức mạnh của sự quyết định. Diễn giả bậc thầy Anthony Robbins từng nói: “Chính tại thời điểm mà bạn ra quyết định, bạn đã định hình vận mệnh đời mình.” Vậy nên bước quan trọng nhất đó là bạn phải quyết định. Quyết định ngay hôm nay rằng bạn không muốn sống dựa theo câu chuyện cũ nữa. Quyết định ngay hôm nay rằng bạn sẽ viết nên một câu chuyện khác. Riêng với Đăng, ngày cuộc đời Đăng thay đổi là ngày Đăng lựa chọn nói “tôi đéo quan tâm”. Đây là một bài viết Đăng cực kỳ tâm đắc, khi đọc bạn sẽ hiểu tại sao Đăng lại dùng ngôn ngữ hơi đầu đường xó chợ như vậy.
Tiếp theo bạn hãy tự hỏi chính mình: “Tôi sẽ là ai và tôi sẽ làm gì nếu không còn những câu chuyện kia?”
Có thể bạn sẽ tham gia một khóa học nào đó. Có thể bạn sẽ bắt tay thực hiện một ý tưởng khởi nghiệp mình đã ấp ủ bao lâu. Có thể bạn sẽ khăn gói đến một nơi nào đó. Có thể bạn sẽ bắt đầu theo đuổi đam mê của mình. Có thể bạn sẽ xung phong nhận lấy dự án thử thách mà chưa ai dám nhận. Có thể bạn sẽ v.v. Thật sự mà nói, khi không còn những câu chuyện biện hộ kia, các lựa chọn gần như là vô hạn.
Cuối cùng, và quan trọng nhất, đó là HÀNH ĐỘNG. Nếu bạn muốn thay đổi, không thể chỉ nói miệng được. Phải bắt đầu làm khác đi. Bạn không thể chỉ mơ rằng đời mình sẽ khác đi mà không bắt tay vào hành động để biến câu chuyện đó thành hiện thực. Đừng để cho sự sợ hãi ngăn cản bạn. Đừng để cho những lời biện hộ ngăn cản bạn. Hãy cứ bắt đầu, kể cả khi mọi thứ vẫn chưa hoàn hảo.
Đăng thật sự mong được thấy các bạn sẽ cầm bút lên và viết lại cho mình một câu chuyện khác. Đã đến lúc bạn cần phải quyết định kết cục mới cho câu chuyện của mình. Đã đến lúc nhân vật chính trong câu chuyện của bạn trở thành một người hùng chứ không chỉ đóng vai một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó.
Nào, bạn còn chờ gì nữa? Cầm bút lên và viết lại một chương mới của cuộc đời mình ngay hôm nay đi!
Bạn của các bạn,
Đinh Hải Đăng
P/s: Nếu bạn thấy bài chia sẻ này của Đăng hữu ích, bạn có thể nhấn vào nút chia sẻ trên Facebook hay gửi bài viết cho bạn bè của mình ở phía dưới. Đăng cảm bạn rất nhiều.
24 Responses
Em cảm thấy khó mà cảm nhận hết những gì mà anh Đăng viết.
Chào em,
Có gì khiến cho em cảm thấy khó hiểu ha?
Chào anh Đăng
Cho em hỏi là mình nên tìm kiếm đam mê dựa vào giá trị sống và lẽ sống phải không anh?
Có khi nào đam mê lại xung khắc với giá trị sống không anh?
Chào em,
Em cần phải chia sẻ cụ thể hơn nữa thì anh mới có thể có thông tin để trả lời được nha em.
Chào anh Đăng, cho em hỏi là mỗi công việc mình nên trai nghiệm trong bao lâu và dấu hiệu đe nhận bit đó có phải là đam mê hay không phải là đam mê của mình??
Em cảm ơn anh trước
Anh đã trả lời em rồi nha 😀
Chào anh Đăng
Cho em hỏi mình nên trải nghiệm mỗi công việc trong bao lâu?
Và dấu hiệu để nhận biết đó có thể là đam mê của mình không?
Chào em,
Kinh nghiệm của anh cho thấy thời gian từ 6 tháng đến 1 năm chỉ là khoảng thời gian đủ để cho mình hiểu và nắm bắt công việc đó. Tuy nhiên cũng chẳng có 1 hướng dẫn nào cụ thể nói rằng mất bao lâu cả, cái này do bản thân mình tự lựa chọn thôi em.
Còn dấu hiệu để nhận biết đam mê thì theo anh là: mình cảm thấy có năng lượng khi làm việc đó; mình suy nghĩ nhiều về điều đó hơn những thứ khác; mình có khát khao muốn học hỏi và hiểu biết thêm về những điều đó. Theo anh đó là dấu hiệu tích cực cho thấy có thể là mình đang làm một công việc mà mình thấy phù hợp rồi đó.
Thân mến,
Em chưa tìm được đam mê, nhưng em biết là mình không thích và cũng không phù hợp với công việc hiện tại, vậy thì phải làm sao hả anh?
Em nên tìm cách để hiểu hơn về bản thân mình. Một số điều em có thể làm là:
1. Tìm các khóa học về tính cách bản thân để học. Các khóa học này sẽ cho em biết được mình thuộc kiểu tính cách gì và loại công việc nào phù hợp với mình. Anh khuyến khích em tham dự khóa MBTI của TGM. Em xem chi tiết tại đường link này: http://www.tgm.vn/project/biet-nguoi-biet-ta-voi-mbti/
2. Em có thể thực hiện career coaching với anh. Em xem chi tiết tại đây: http://www.dinhhaidang.com/coaching-cho-tuoi-20/career-coaching/
3. Nghỉ việc hiện tại và thử công việc có tính chất mới xem thế nào.
4. Đọc sách và hỏi thăm những người đi trước em về tình huống em đang gặp phải.
Hi vọng sẽ giúp ích được cho em.
Thân mến,
Mình vẫn chưa đủ tự tin
Em cám ơn anh nhiều ạ. Em sẽ thử làm và hi vọng sớm được gặp anh.
Em chào anh.
chào a.Đăng, bài viết rất hay, cụ thể và đánh thẳng vào tâm lý nhiều người, bản thân em là một ng` sống theo đam mê và đã làm dc, và vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhiều hơn để phục vụ cho đam mê và cuộc sống này. Em thấy những ng` xung wanh hiện nay có sức ỳ rất lớn, rất ngại thay đổi và có những lối sống/cuộc sống khá nhạt nhẽo và ko lành mạnh (có lẽ họ cảm thấy thú vị với cách đó/ và là lựa chọn cá nhân…)
Em xin phép chia sẻ lên website của em (http://kopanista.com) 1 số bài viết hay của anh, sẽ ghi rõ nguồn và tác giả
Cám ơn anh !
Chào em,
Cứ thoải mái em nhé. Miễn có link nguồn là được 😉
Tuyệt vời
Em chào anh! em đọc được rất nhiều chia sẻ từ anh. và rút ra được đôi điều cho bản thân mình.Nhưng giờ em muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân mình và nếu anh đọc được có thể cho em vài lời khuyên để bản thân em xóa bỏ được cái bế tắc của cuộc sống hiện tại.
Em hiện nay đang là sinh viên năm 4 Ngành Công nghệ Sinh Học trường ĐHBK-ĐHĐN, thời gian chỉ còn gần 2 năm nữa thôi là em phải bước dần vào cuộc sống tự lập. nhưng hiện tại em đang rất bế tắc. Em ko có lối thoát nào cho bản thân, khi mà em chỉ biết học để thi, học để lấy bằng ra trường, trong khi học ko có một chút đam mê, học một cách mò mẫm trong bóng tối, ko biết mình học sau này sẽ làm những dì, học sau này mình sẽ xin làm ở đâu. Chỉ bởi vì thế thành tích học tập của em chỉ ở mức khá. Em cũng cố gắng học anh văn rất nhiều, nhưng thành tích cũng ko tốt, chưa nói đến là tệ. Cái mấu chốt ở bản thân em là em ko tìm được đam mê ngay từ khi còn ở THPT cho đến bây giờ đã là sinh viên năm 4 mà em vẫn ko tài nào hiểu được mình muốn dì, đã vậy ngành học cứ càng ngày tối tăm trong mắt em. Nhiều lúc em suy sụp tinh thần, và nghĩ về tương lai rất nhiều, càng nghĩ lại càng buồn chán cuộc sống. em cứ sống như vậy, dần trở nên tự kỉ, ko còn năng động, ko còn hoạt động, sống xa dần với xã hội, suốt ngày ôm lấy âu tư và cái máy tính. Để đến bây giờ, khi bản thân đã hết giới hạn chịu đựng, em muốn tìm cho mình một boss thực sự, khuyên và hướng cho em một vài lời khuyên. Vì vậy em rất ming nhận được tin phản hồi sớm từ anh.
Chào em,
Trước khi em tự hỏi đam mê của mình là gì, quan trọng hơn hết là em phải tự hỏi mình: “Mình muốn sống một cuộc đời như thế nào?” Công việc không thể nào đi trước cuộc đời được. Chọn cuộc đời trước, sau đó mới chọn công việc em ạ. Còn làm thế nào để biết mình muốn sống một cuộc đời như thế nào? Đơn giản. Lăn ra ngoài kia mà trải nghiệm, mà bươn chải. Chỉ có cách đó em mới cảm nhận rõ nhất mình muốn sống cuộc đời như thế nào. Chỉ có lúc đó em mới biết mình muốn gì và không muốn gì. Nếu em chỉ tiếp tục ngồi đây mà than vãn thì phí cuộc đời lắm em ạ. Ngay bây giờ hãy thay đổi thái độ trong chuyện học hành của mình đi em nhé.
Thân mến,
dạ. em cảm ơn anh nhiều, vì lời khuyên .em sẽ cố gắng trả lời câu hỏi ” mình muốn sống cuộc đời như thế nào?”
Em chào anh, em là Huyền. Em đã đọc về công việc coaching, em thấy mình phù hợp với công việc này vì em rất thích giúp người khác có được cách nhìn nhận đúng về cuộc sống, như vậy họ sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn và nhìn ra được cơ hội trong khó khăn và thất bại. Em đã viết 1 cuốn sách mang tên “Nghệ thuật sống”, nội dung của nó là 8 phẩm chất để giúp người ta trở nên thành công trong cả công việc và cuộc sống, 1 cuốn sách khác có tên “Nghệ thuật yêu” để giúp các cô gái chín chắn hơn trong việc chọn lựa và nuôi dưỡng tình yêu của mình. Em cũng thường bình luận trên mục tâm sự của trang vnexpress. Nhưng để có thể làm việc như 1 coach chuyên nghiệp, em cần nhiều hơn thế. Nhưng em không biết tìm hiểu những thông tin đó ở đâu cả. Anh có thể giúp em được không?
Chào Huyền. Bạn có thể tìm hiểu về công việc coaching này bằng cách tham khảo ứng tuyển vào đội ngũ Coach của TGM bạn nhé.
Những chia sẻ rất tâm huyết và đã làm thay đổi nhận thức của em. Cảm ơn anh Đăng nhiều nha. Mong nhận được nhiều bài viết của anh. Riêng em rất ấn tượng với 1 tuần từ 8-10 tiếng cho đam mê của anh. 😀
đọc xong thấy chính bản thân mình trong đó.cảm giác như mình sống chẳng có mục đích và ý nghĩa gì cả.có lẽ vẫn tiếp tục lừa dối bản thân và chấp nhận cs ko có gì đặc sắc này …muốn thay đổi mà không biết bắt đầu từ đâu a ạ
Thay đổi từ trong tư tưởng em ạ. Tư tưởng quyết định hành động. Tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng. Còn thay đổi cái gì thì anh tin em biết rõ hơn ai hết mình đang cần thay đổi cái gì.
[…] của sự thay đổi. Vậy nên, mình thường nói thẳng với khách hàng khi họ đang đổ lỗi, biện hộ, sợ hãi […]