Đinh Hải Đăng
Đây là những suy ngẫm bất chợt nảy ra trong tôi, và tôi nghĩ thế nào thì viết thế ấy, không có sự sắp xếp trật tự. Nếu bạn hiểu thì tôi rất vui, nhưng không hiểu thì cũng chẳng sao đâu :).
1. Đam mê là gì?
Ai cũng nói rằng mình cần phải tìm ra đam mê của mình, chỉ có như vậy mình mới có thể thành công được? Nhưng liệu cái giả định “Tìm ra đam mê của bạn rồi thành công sẽ theo đuổi bạn” (Find your passion and success will follow you) liệu có phải là một giả định đầy đủ? Vậy ta sẽ lý giải như thế nào cho những trường hợp không có đam mê nhưng vẫn thành công? Nhưng trên hết, chúng ta đã hiểu tận nguồn nghĩa của “đam mê” chưa?
Từ “đam mê” xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 12. Được hình thành bởi các học giả đạo Cơ Đốc, nó có nghĩa là chịu đựng (to suffer). Trong ý nghĩa thuần khiết nhất, từ này mô tả sự sẵn sàng chịu đựng của Chúa Jesus.
Nếu theo nghĩa này, việc theo đuổi đam mê thật ra còn khổ gấp bội lần. Bởi vì bạn phải chịu đựng, bạn phải hi sinh, bạn phải sẵn sàng làm nhiều thứ hơn bản thân mình đang thể hiện ngay bây giờ. Điều nực cười là tôi gặp nhiều người cứ nói rằng “bởi vì mình đang không làm được điều mình đam mê nên không thể làm hết sức trong công việc hiện tại. Nhưng chỉ cần mình tìm ra được đam mê của mình là gì, mình chắc chắn sẽ làm ngày đêm không mệt mỏi.”
NHẢM NHÍ!!!
Nếu ngay từ những chuyện bạn không thích mà bạn còn không làm hết sức mình thì làm sao dám đảm bảo tới lúc bạn tìm ra đam mê bạn sẽ làm nhiều hơn? Nên nhớ, đam mê là chịu đựng, là sẵn sàng chịu đựng. Một người thầy của tôi, thầy Giản Tư Trung đã từng nói thế này: “Tôi phải làm 9 việc tôi không thích để được làm 1 việc mà tôi thích.” Đúng là vậy đấy. Đừng nghĩ theo đuổi đam mê là cái gì bạn làm trong đó bạn cũng thấy vui cả. Còn lâu! Hầu hết những việc bạn làm bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu. Nhưng nếu bạn không vượt qua được chúng thì bạn sẽ không có cơ hội để làm được cái điều bạn cảm thấy thích.
Bên cạnh đó, việc gì cứ phải nhập chung đam mê với công việc? Chẳng lẽ bạn không thể có một công việc toàn thời gian và sau đó thời gian rảnh rỗi thì bạn làm công việc mình đam mê? Có cần phải làm khổ nhau vậy không? Có thể công việc toàn thời gian không hẳn là điều bạn cuồng nhiệt nhất, nhưng ít nhất nó cũng mang lại cho bạn thu nhập, mang lại sự an toàn cho bạn và gia đình bạn kia mà? Việc gì phải ghét bỏ nó? Mà gượm đã, nếu bây giờ tôi hỏi bạn có biết ý nghĩa công việc bạn đang làm chưa thì câu trả lời của bạn sẽ là gì? Nhiều khi bạn chán ghét công việc là vì bạn chưa thấy ý nghĩa của nó đó thôi.
Nếu bạn làm kế toán, ý nghĩa của nó sẽ là đảm bảo rằng công ty của bạn luôn luôn có những số liệu chuẩn xác nhất để lên kế hoạch cho tương lai. Nếu bạn làm nhân sự, ý nghĩa của nó sẽ là mang lại sự phát triển cho những người đồng đội trong công ty của bạn. Nếu bạn làm nhân viên sales, ý nghĩa của nó sẽ là bạn mang lại tiền để nuôi sống cho cả tổ chức. Nếu bạn làm quản lý, ý nghĩa của nó sẽ là rèn giũa nhân tài cho công ty v.v. Tìm ra ý nghĩa trong công việc, và có thể bạn sẽ bắt đầu thấy thích nó hơn đấy.
Vậy đó. Đam mê có thì tốt, không có thì cũng không phải là tận thế. Không có đam mê bạn vẫn có thể sống tốt, thậm chí rất tốt là đằng khác. Và nếu không có nó, bạn cũng chẳng chết được. Cái quan trọng nhất, vẫn là thấy rằng mình đang sống một cuộc đời có ý nghĩa, bất kể là mình làm cái gì.
2. Thế nào là cuộc đời đáng sống?
Trong một quyển sách về Coach John Wooden mà tôi từng đọc có trích một đoạn như sau:
Tại một buổi phỏng vấn với Coach Wooden, một thính giả đã hỏi như sau:
- Thính giả: “Thưa Coach Wooden, ngày ông đứng trước cổng thiên đàng, ông muốn thánh Peter nói gì với ông?”
- Coach trả lời, chỉ với bốn từ đơn giản: “Con làm tốt lắm.” (Well done)
Tôi cũng chưa biết một cuộc đời đáng sống sẽ là như thế nào, nhưng ít nhất tôi biết rằng tôi muốn khi mình nhắm mắt xuôi tay, mọi người xung quanh tôi cũng có thể thanh thản nói với tôi rằng “anh/cậu đã làm tốt lắm” (Well done, Dang).
Bạn cũng vậy. Bạn phải tìm cho ra định nghĩa của bản thân về một cuộc đời đáng sống nghĩa là như thế nào. Và khi tìm ra rồi, hãy sống với nó mỗi ngày.
3. Thành công là gì?
Không bao giờ có một câu trả lời đúng cho câu hỏi này. Mỗi người mỗi khác. Nhưng tùy vào câu trả lời mà nó sẽ giúp bạn, hoặc hại bạn. Nghĩa là câu trả lời ở đây không có đúng hay sai, chỉ có hữu ích hay không hữu ích mà thôi.
Nếu bạn định nghĩa thành công là “đạt được những gì bạn muốn trong cuộc đời này” thì tôi hi vọng rằng bạn đạt được hết trước khi bạn nhắm mắt xuôi tay, còn nếu không thì đến cuối đời bạn vẫn sẽ đánh giá mình là người chưa thành công.
Nếu bạn định nghĩa thành công là “giàu có” thì tôi mong rằng bạn hãy định nghĩa luôn đối với bạn “giàu có” là gì. Còn nếu không, chính chữ giàu có ấy sẽ làm cho bạn khổ sở cả đời.
Tôi cũng đã đi tìm định nghĩa thành công suốt bao nhiêu năm qua. Cho đến khi tôi được nghe định nghĩa thành công của Coach Wooden, tôi biết đây là điều tôi đi tìm kiếm bao nhiêu năm qua. Ông định nghĩa thành công như sau: “Thành công là sự thanh thản trong tâm hồn. Sự thanh thản này là kết quả của cảm giác mãn nguyện khi biết rằng trong bất cứ những gì tôi làm, tôi đã làm hết khả năng của mình.”
Với định nghĩa này, không bất kỳ một ai có thể định nghĩa bạn là người thành công hay thất bại. Chỉ duy nhất chính bạn là người làm được điều đó. Chính bạn là quan tòa của lương tâm mình. Chính bạn sẽ luôn là người tự hỏi mình: Tôi đã làm hết sức chưa? Tôi có thể cố hơn chút nữa được không? Tôi đã đạt đến giới hạn hiện tại của mình chưa? Tôi đã cảm thấy mãn nguyện hay chưa? v.v.
Đã từng có một mùa giải mà Coach Wooden bị giới truyền thông đánh giá là thất bại (failure). Tuy nhiên, đối với bản thân ông thì mùa giải đó lại là một trong những mùa giải thành công (success) đối với ông. Vì sao? Vì dù cho khi ấy các tuyển thủ giỏi nhất của ông đã tốt nghiệp, các tân binh thì còn chân ướt chân ráo, và nhiều yếu tố khác nữa nhưng cả đội của ông vẫn không cho phép bản thân họ làm dưới mức 100%. Ông đã dốc toàn bộ sức lực để huấn luyện đội ngũ bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình (his best coaching ever). Còn cả đội của ông dù thiếu vắng những ngôi sao nhưng lại đoàn kết hơn bao giờ hết. Nếu Coach Wooden đánh giá thành công bằng những yếu tố bên ngoài như đạt được cúp hay huân chương, đạt giải nhất, v.v. thì có lẽ ông đã thất bại thảm hại. Nhưng chính vì ông đánh giá tất cả dựa trên nỗ lực vượt lên trên chính mình nên mùa giải ấy lại là một mùa giải thành công rực rỡ đối với ông.
Bạn nhất thiết phải tìm ra cho mình một định nghĩa hữu ích cho bản thân. Hãy đảm bảo rằng định nghĩa ấy không bị ảnh hưởng bởi xã hội xung quanh. Hãy đảm bảo rằng định nghĩa ấy đặt bạn làm quan tòa của lương tâm. Và chỉ duy nhất bạn có quyền quyết định mình đã thành công hay chưa.
Lời kết
Mỗi người nên là một triết gia trong cuộc đời của mình. Vậy nên bạn cần phải luôn không ngừng tự đặt câu hỏi về những điều cơ bản nhất xung quanh bạn. Hãy đi tìm cho mình một định nghĩa mà bạn thấy hài lòng. Một tôn chỉ sống giúp cho bạn cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Mong rằng bạn sẽ làm được điều đó.
Cảm ơn bạn đã đọc những suy nghĩ rải rác không đầu không đuôi này.
Hải Đăng
No responses yet