Đinh Hải Đăng
Thế nào là hạnh phúc? Thế nào là thành công? Và làm thế nào để có cả hạnh phúc và thành công trọn vẹn? Cần phải có những gì để giúp ta cảm thấy đong đầy?
Nếu bạn nào đã theo dõi blog của tôi thường xuyên có lẽ sẽ nhận ra tôi thường hay viết nhiều về hiệu suất và năng lượng. Nhưng gần đây sau khi đọc xong quyển sách “Are You Fully Charged?” của tác giả Tom Rath, tôi thấy rằng còn 2 yếu tố khác cũng rất quan trọng để mang lại cho mỗi người một cuộc sống thật đong đầy.
Cụ thể thì tất cả mọi người đều có thể có một cuộc sống trọn vẹn nếu như chúng ta có thể đạt được 3 yếu tố sau đây:
- Ý nghĩa trong công việc và cuộc sống
- Các mối quan hệ tích cực
- Năng lượng dồi dào
Vậy làm thế nào để đạt được các yếu tố này? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây bạn nhé.
Ý nghĩa
Con người là một loài động vật luôn luôn đi tìm kiếm ý nghĩa trong tất cả những gì anh ta/cô ta làm. Không có ý nghĩa, con người không có động lực sống. Chính vì vậy, một cuộc sống thật sự trọn vẹn là khi người ấy hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống của mình, hiểu rõ tại sao mình lại làm công việc này và hiểu rõ mình muốn cống hiến điều gì cho cuộc sống.
Làm thế nào để tìm ra ý nghĩa của đời mình? Ý nghĩa của công việc? Những câu hỏi này thật sự không dễ dàng và tìm ra được câu trả lời đôi khi phải mất cả một đời người. Tôi hi vọng rằng những điều mà tôi sắp chia sẻ dưới đây sẽ hỗ trợ bạn một phần nào đó trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và công việc của bạn.
1. Những chiến thắng nhỏ mỗi ngày tạo nên ý nghĩa
“Điều gì bạn làm ngày hôm nay sẽ tạo nên sự khác biệt?”
Câu hỏi này có hai điểm bạn cần lưu tâm đó là “ngày hôm nay” và “sự khác biệt”. Nó ám chỉ điều gì? Nó ám chỉ rằng ngày hôm nay, bạn cần phải làm khác đi so với ngày hôm qua, và nó phải là sự khác biệt thật sự. Nó phải khiến cho bạn cảm thấy mình tiến bộ hơn, phải làm cho bạn cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Mình sống không chỉ để tồn tại, mà mình sống là để thật sự sống.
Một nghiên cứu của tác giả Tom Rath cho thấy rằng khả năng bạn toàn tâm toàn ý cho công việc của mình tăng lên đến hơn 250% nếu như bạn dành phần lớn thời gian để làm những điều ý nghĩa trong ngày. Một nghiên cứu khác của Teresa Amabile (ĐH Harvard) và nhà tâm lý học Steven Kramer đã lọc qua 12.000 trang nhật ký và 64.000 sự kiện trong ngày làm việc của 238 nhân viên trong 7 công ty khác nhau để tìm hiểu điều gì tạo nên một công việc thú vị. Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng: “Trong tất cả những sự kiện khiến cho con người hứng thú với công việc, thì điều quan trọng nhất cho đến lúc này đó là việc cảm thấy mình đang có tiến bộ hơn trong một công việc có ý nghĩa.” Nghiên cứu này cũng cho thấy việc tạo ra ý nghĩa là một quá trình tịnh tiến qua từng ngày.
Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần làm tốt hơn ngày hôm qua một chút, để giúp cho mình cảm thấy mình có sự tiến bộ thì nó cũng đã mang lại một ý nghĩa gì đó cho công việc của bạn rồi. Tôi nghĩ thật ra cũng chẳng cần đến nghiên cứu này để chúng ta hiểu ra được điều đó. Bạn cứ tưởng tượng xem một người làm mãi một công việc trong 20 năm mà chẳng thấy bất kỳ một sự tiến bộ nào, liệu người đó có thấy ý nghĩa trong công việc không? Tôi cho là không. Vấn đề ở đây là những điều ý nghĩa này có cần phải to tát hay không? Câu trả lời thật ra là không. Hóa ra nó lại chỉ là những điều nhỏ bé mà thôi.
Những chiến thắng nhỏ sẽ tạo nên sự tiến bộ có ý nghĩa. Bạn có thể mang lại một nụ cười trên khuôn mặt của một khách hàng. Bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch cho một sản phẩm có thể tạo nên tác động tích cực cho xã hội. Bạn có thể dành thời gian chất lượng cho những người thân yêu của mình. Chính những khoảnh khắc nhỏ này tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời và công việc của chúng ta. Vậy nên bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy tạo ra những chiến thắng nhỏ để thấy mình đang sống một cuộc đời ý nghĩa bạn nhé.
2. Động lực đích thực của bạn là gì?
Có hai dạng động lực là động lực bên ngoài (extrinsic motivation) và động lực bên trong (intrinsic motivation).
- Những người tập trung vào động lực bên ngoài tìm kiếm phần thưởng vật chất, tiền tài, danh vọng, sự nổi tiếng v…v…
- Những người tập trung vào động lực bên trong làm việc vì ý nghĩa của công việc, vì tác động của nó tới người khác, vì mục đích của nó.
Một nghiên cứu tại Đại Học West Point cho thấy những thí sinh nào tham gia vào West Point với những động lực bên trong mạnh mẽ thường sẽ có khả năng tốt nghiệp, trở thành các sĩ quan và được thăng cấp hơn những người tham gia với mục đích đạt được những động lực bên ngoài.
Việc tìm ra ý nghĩa cuộc đời sẽ mang lại cho bạn động lực bên trong đích thực. Tìm ra ý nghĩa chính là mục tiêu cuối cùng, xét cả về cuộc sống cũng như trong triết học.
Vậy làm thế nào để tìm ra ý nghĩa? Nghịch lý thay, chúng ta tìm thấy ý nghĩa bằng cách “tạo ra” ý nghĩa. Ý nghĩa không tự nhiên xảy đến với bạn – mà chính bạn là người kiến tạo ra nó.
Trước tiên hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi tại sao công việc mà bạn đang làm lại tồn tại? Chắc chắn nó được tạo ra vì một ý nghĩa gì đó. Thay vì chỉ cắm đầu làm việc ngày này sang ngày khác, hãy dừng lại một chút và tự hỏi ý nghĩa công việc của mình là gì. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng công việc của mình quá thấp hèn và chẳng có ý nghĩa gì thì thực ra nó vẫn có ý nghĩa, chỉ là bạn chưa nhìn ra mà thôi.
Ví dụ nếu bạn bước vào bất cứ chuỗi cửa hàng nào trong hệ thống Thế Giới Di Động, bạn sẽ luôn nhìn thấy sự nhiệt tình của các chú bảo vệ giữ xe. Họ chào đón bạn, dắt xe cho bạn, đưa vé giữ xe bằng cả hai tay một cách thành kính. Một công việc mà đáng lẽ ra không cần nhất thiết phải như vậy nhưng tại sao họ lại làm bằng cả nhiệt huyết như thế? Đơn giản, vì TGDĐ không gọi họ là “bảo vệ” hay “nhân viên giữ xe” mà là “nhân viên đón tiếp khách hàng”. Bạn thấy không, chỉ thay đổi ngôn từ mà ý nghĩa của nó đã khác hẳn. Cùng một công việc, nhưng cảm xúc và cách nhìn của bạn về công việc đó sẽ thay đổi cách bạn thể hiện.
Sau đó hãy tự hỏi tại sao mình lại làm công việc này? Vì tài chính, danh vọng, địa vị? Tôi không nói rằng những thứ đó là sai. Nhưng tôi cho rằng đó không nên là mục đích theo đuổi trong cuộc đời của bạn, nó nên là hệ quả của việc đam mê tạo nên sự khác biệt cho xã hội, của việc phụng sự xuất sắc khách hàng của bạn, của việc mang lại những sản phẩm hữu ích v…v… Nếu bạn bắt đầu công việc với những động lực bên trong ấy, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thật sự có ý nghĩa.
Sau khi tìm ra ý nghĩa rồi, hãy bắt đầu tìm ra những cách để làm tốt hơn, phụng sự tốt hơn. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ luôn cảm thấy cuộc sống mình “trọn vẹn” nếu như bạn tìm ra ý nghĩa và sống hết mình vì ý nghĩa đó.
3. Hãy tìm một sứ mệnh cao cả, thay vì chỉ tập trung vào những phần thưởng tài chính
Các phần thưởng phi tài chính như sự công nhận, sự quan tâm, sự tôn trọng, và trách nhiệm thậm chí còn hiệu quả hơn những phần thưởng tài chính.
Những người định danh bản thân mình bằng số tiền họ kiếm được mỗi năm thường ít tìm được sự mãn nguyện trong công việc. Lý do là vì sẽ luôn có người giàu hơn, nhà to hơn, xe xịn hơn, đồ đắt tiền hơn v.v. Bạn sẽ chẳng thể nào chiến thắng trong cuộc đua này nếu bạn để cho tài chính quyết định giá trị con người bạn.
Dĩ nhiên tài chính vẫn quan trọng ở một mức độ nhất định, nhưng nếu bạn chỉ đưa ra quyết định hoàn toàn dựa trên tài chính thì điều đó hoàn toàn không phải là cách tốt. Thứ quý giá nhất bạn có là thời gian và sức khỏe, vậy bán thời gian và sức khỏe để đổi lấy tiền bạc có thật sự đáng hay không? Thay vì vậy, bắt đầu từ bây giờ hãy tự hỏi mình rằng: “Liệu thời gian mình dành cho việc này có tạo nên sự khác biệt cho người khác hay không?” Câu hỏi này hướng đến việc tạo ra giá trị cho người khác.
Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy thu nhập của một người từ $25.000 tăng lên $50.000 sẽ khiến cho mức độ hạnh phúc của họ tăng lên khoảng 9%. Sự thật hiển nhiên là tài chính tăng thì chúng ta cũng sẽ hạnh phúc hơn, nhưng sẽ đến một ngưỡng mà tài chính của bạn có tăng nhiều hơn nữa thì mức độ hạnh phúc của bạn cũng chẳng tăng lên bao nhiêu (trừ khi bạn cho rằng ý nghĩa cuộc đời mình là kiếm thật nhiều tiền). Tuy nhiên khi bạn tập trung vào việc tạo ra ý nghĩa, mức độ hạnh phúc của bạn lúc nào cũng ở mức độ cao.
Một nghiên cứu tại ĐH Minnesota phát hiện ra rằng việc đề cập với các ứng viên về phần thưởng tài chính khiến cho họ có xu hướng thích làm việc một mình gấp ba lần so với việc làm việc theo nhóm. Họ cũng phát hiện ra rằng trong những tình huống xã hội, việc suy nghĩ về tiền làm cho con người xoay hướng ghế của mình chệch xa người khác tới gần 30cm.
Tóm lại, tôi muốn nói rằng các phần thưởng tài chính sẽ không giúp bạn có được một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chính việc có được một sứ mệnh cao cả mới mang lại cho bạn một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
4. Hãy tự hỏi thế giới này cần gì ở bạn?
Chúng ta hay nghe nhiều về câu nói “hãy theo đuổi đam mê của bạn” (follow your passion). Nó khiến cho chúng ta tự hỏi: “Đam mê của mình là gì?”. Nhưng liệu bắt đầu bằng câu hỏi này có thật sự là lựa chọn tốt hay không? Lời khuyên “theo đuổi đam mê của bạn” giả định rằng trên đời này có một thứ gọi là “đam mê” đã tồn tại sẵn, và việc của bạn chỉ đơn giản là “tìm ra” nó mà thôi. Nhưng tôi cho rằng sẽ khó mà làm được điều đó trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Công việc mới được tạo ra, công việc cũ mất đi. Nếu cho rằng có một thứ gọi là “đam mê” tồn tại sẵn trên đời, vậy thì liệu có khả năng nào là nó đã biến mất trên cõi đời này rồi không vì xã hội bây giờ không còn cần đến nó nữa? Cũng có thể lắm chứ.
Tôi nghĩ rằng có một cách khôn ngoan hơn, đó là bắt đầu bằng câu hỏi: “Tôi có thể trao cho thế giới này điều gì?”. Khi bắt đầu bằng câu hỏi này, bạn sẽ bắt đầu nhìn sâu vào bên trong mình và bắt đầu đánh giá bản thân: Sở trường của bạn là gì? Điểm mạnh của bạn là gì? Năng khiếu của bạn là gì? Bạn có những kiến thức gì? v…v…
Sau khi đã đánh giá bản thân, bạn bắt đầu tự hỏi: “Vậy thế giới này cần gì?”. Lúc này bạn sẽ nhìn ra xung quanh và tìm kiếm những vấn đề chưa được giải quyết, những nhu cầu chưa được đáp ứng v…v… Sau đó bạn sẽ xem xét với tất cả những gì bản thân mình đang có, mình sẽ mang lại cho thế giới điều gì.
Hãy lấy ví dụ của sếp tôi, anh Trần Đăng Khoa, khi anh bắt đầu khởi nghiệp bằng quyển sách “Tôi Tài Giỏi! Bạn Cũng Thế!”. Thành thật mà nói, nếu anh làm theo lời khuyên “theo đuổi đam mê của bạn” thì có lẽ anh đã tiếp tục công việc lập trình viên của mình ở Singapore rồi (trong một lần trò chuyện với tôi, chính anh thừa nhận cái anh thích làm nhất là lập trình, sau đó mới đến kinh doanh và diễn thuyết). Nhưng khi đọc được quyển sách “I Am Gifted! So Are You!” của Adam Khoo, anh đã nghĩ: “Giá như ngày xưa khi mình đi học mà được đọc quyển sách này thì có lẽ cuộc đời học sinh/sinh viên của mình đã khác.” Sau đó anh nhìn thấy tình hình giáo dục của nước nhà và thấy rõ ràng nó có một sự bất cập rất lớn. Vậy là anh quyết định dịch quyển sách này cùng chị Uông Xuân Vy và mang nó về Việt Nam. Bạn thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai cách tiếp cận này rồi chứ?
Công việc sẽ chiếm 80% thời gian cuộc đời bạn, vậy thì hãy tìm cách để mang hết tất cả tài năng, kiến thức, năng lực của bạn để cống hiến cho một công việc có ý nghĩa.
Kết
Tạm kết lại phần thứ nhất, tôi muốn gửi gắm với bạn rằng để có một cuộc sống mà bạn cảm thấy “trọn vẹn”, một trong những điều cần thiết đó là tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống cũng như công việc. Một khi bạn đã tìm ra ý nghĩa, hãy toàn tâm toàn ý mang cuộc sống, thời gian của mình để phụng sự cho ý nghĩa đó. Và bạn sẽ cảm nhận được sự “trọn vẹn” trong cuộc đời của mình.
2 Responses
[…] đã chia sẻ yếu tố thứ nhất để có một cuộc sống trọn vẹn, đó chính là Ý Nghĩa. Hôm nay tôi sẽ tiếp tục chia sẻ yếu tố thứ hai để giúp bạn có được […]
[…] Bài 1 – Ý nghĩa […]