Đinh Hải Đăng

Chào bạn,

Ở phần trước, tôi đã chia sẻ yếu tố thứ nhất để có một cuộc sống trọn vẹn, đó chính là Ý Nghĩa. Hôm nay tôi sẽ tiếp tục chia sẻ yếu tố thứ hai để giúp bạn có được một cuộc sống trọn vẹn, đó chính là các mối quan hệ tích cực. Trên thực tế, có thể nói yếu tố này là yếu tố quan trọng nhất kể cả khi bạn chưa thể thực hiện được hai yếu tố kia.

1. Một nghiên cứu 75 năm cho chúng ta biết điều gì?

Khoảng thời gian gần đây có một bài diễn thuyết tại TED.com có tên “What makes a good life” của Robert Waldinger – một giáo sư tại Đại Học Y Harvard – được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Trong bài nói chuyện này, Robert chia sẻ về kết quả mà nhóm của ông đã khám phá ra sau khi thực hiện một cuộc nghiên cứu kéo dài đến 75 năm – cuộc nghiên cứu nhằm tìm ra điều gì khiến cho con người hạnh phúc và khỏe mạnh. Trong suốt 75 năm, nhóm nghiên cứu theo dõi 724 người đàn ông từ khi họ còn là thiếu niên cho đến bây giờ (hầu hết người tham dự nay đã ở tuổi 90). Những người này được chia thành hai nhóm, một nhóm là các sinh viên năm nhất tại Đại học Harvard và nhóm thứ hai là một nhóm các chàng trai ở khu vực nghèo khổ nhất của Boston.

Các chàng trai này sau đó trưởng thành và gia nhập vào đủ mọi tầng lớp trong cuộc sống. Có người là công nhân nhà máy, người thì là bác sĩ, người thì là luật sư. Một người trong đó thậm chí trở thành Tổng thống Mỹ. Một số bị nghiện rượu. Một số ít khác thì bị tâm thần phân liệt. Rất nhiều người leo lên đỉnh cao của nấc thang thành đạt, trong khi một số khác thì nằm ở dưới đáy xã hội.

Vậy thông điệp xuyên suốt trong 75 năm nghiên cứu ấy là gì? Đó là: Những mối quan hệ tốt đẹp khiến chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Chỉ đơn giản vậy mà thôi.

Có ba bài học lớn mà cuộc nghiên cứu chỉ ra cho chúng ta thấy:

  1. Những mối quan hệ xã hội rất tốt cho chúng ta, trong khi sự cô đơn sẽ giết chết chúng ta. Những người bị cô lập thường cảm thấy kém hạnh phúc và suy giảm sức khỏe khi bắt đầu qua tuổi trung niên. Bộ não bắt đầu hoạt động kém hiệu quả và họ có tuổi thọ ngắn hơn rất nhiều so với những người có những mối quan hệ tốt đẹp.
  2. Số lượng mối quan hệ không quan trọng bằng chất lượng của mối quan hệ. Một người có thể có rất nhiều mối quan hệ nhưng vẫn cảm thấy lạc lõng giữa đám động trong khi một người chỉ có một vài mối quan hệ gắn bó lại luôn cảm thấy đong đầy và trọn vẹn.
  3. Những mối quan hệ tốt đẹp không chỉ mang lại lợi ích cho cơ thể mà còn cho trí não của bạn. Những người có các mối quan hệ tích cực thường duy trì sự minh mẫn khi về già, trong khi những người khác thì sớm bị triệu chứng suy giảm trí nhớ.

Tóm lại, để có một cuộc sống trọn vẹn, bạn nhất thiết phải có những mối quan hệ tích cực.

Nếu bạn muốn xem toàn bộ bài diễn thuyết tại TED, hãy nhấn vào đây.

2. Hãy tận dụng mọi tương tác trong ngày

Những tương tác hàng ngày là một trong những nhân tố quan trọng quyết định cảm xúc trong một ngày của bạn. Một cuộc điện thoại, một tin nhắn, một nụ cười, một cái gật đầu chào, một mẩu giấy nhắn tin nhỏ v…v… Tất cả đều có sức mạnh ảnh hưởng đến một ngày của bạn.

Mỗi tương tác của chúng ta có khả năng lan rộng ra khắp mạng lưới bạn bè của ta. Giáo sư Christakis của Học Viện Yale cho biết: “Khi bạn giảm cân, khi bạn hạnh phúc, khi bạn làm những điều tử tế… bạn tác động lên người khác và từ đó họ lại tiếp tục ảnh hưởng đến những người khác nữa. Theo dự đoán của chúng tôi, bạn có thể ảnh hưởng đến mười, một trăm, và đôi lúc còn nhiều hơn thế, những người khác chỉ từ hành động của bạn.”

Theo một nghiên cứu khác của giáo sư, họ phát hiện ra rằng những người nào nhận được những tương tác tích cực trong suốt ngày thì khả năng hạnh phúc của họ cao gấp bốn lần người khác. Và những tương tác này không cần quá to lớn gì cả. Như tôi đã nói ở trên, đôi khi nó chỉ là những hành động nhỏ như một lời chào, một nụ cười. Tuy nhiên chúng ta lại thường xem những giây phút này là hiển nhiên và bỏ qua nó.

Đến đây có lẽ bạn đã hiểu những hành động của bạn trong một ngày có khả năng ảnh hưởng lên bạn và lên người khác như thế nào rồi đúng không? Vậy thì đối với mỗi tương tác, hãy cố gắng hết sức có thể để lựa chọn cách phản ứng tích cực.

Lấy ví dụ khi bạn đang đứng chờ một ai đó và có một người do vội vã nên lỡ đụng vào bạn, thì trong khoảnh khắc này điều quan trọng là chúng ta nên làm hết sức có thể để biến tình huống này thành một tình huống tích cực. Việc nổi giận hay bực bội cũng chẳng làm cho tình huống tốt lên. Nhưng nếu bạn bình tĩnh, mỉm cười nhẹ nhàng và đỡ họ dậy thì có thể bạn đã tạo nên một ngày tuyệt vời cho người ấy. Và thật ra, việc bạn hành xử một cách tích cực như vậy không chỉ có lợi cho bạn, mà thật ra người hưởng lợi lớn nhất chính là bản thân bạn. Rõ ràng bạn sẽ có một ngày tuyệt vời khi bạn hành xử như vậy, thay vì cứ mãi khó chịu về tình huống đó trong suốt một ngày của mình.

3. Ít nhất 80% tích cực

Khi ta trải nghiệm một cảm xúc tiêu cực, cơ thể sẽ tiết ra hóc môn stress cortisol làm tê liệt suy nghĩ và kích hoạt cơ chế gây hấn và phòng thủ của bạn. Bạn sẽ nhìn một tình huống tệ hơn nó thật sự là (as it is). Bên cạnh đó đây cũng là một phản ứng kéo dài trong một thời gian.

Ngược lại, khi ta trải nghiệm cảm xúc tích cực, cơ thể ta sẽ tạo ra oxytocin. Đây là một loại hóc môn giúp ta cảm thấy tốt đẹp, nâng cao khả năng giao tiếp, hợp tác và tin tưởng người khác. Tuy nhiên oxytocin lại hết tác dụng nhanh hơn cortisol nên hiệu quả của nó kém hơn những trải nghiệm tiêu cực.

Điều này lý giải vì sao một trải nghiệm tiêu cực lại mạnh hơn một trải nghiệm tích cực. Theo nghiên cứu thì bạn cần 3 – 5 trải nghiệm tích cực để có thể đánh lại một trải nghiệm tiêu cực. Dĩ nhiên cuộc sống luôn có hai mặt của nó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tích cực mãi được. Bản thân sự tiêu cực cũng có mặt tốt của nó. Chỉ là bạn cần phải nhớ rằng sự tiêu cực luôn có sức tác động lớn hơn nhiều so với sự tích cực.

Chính vì vậy, trong một mối quan hệ bạn cần phải đảm bảo rằng bạn và đối phương phải duy trì thái độ ít nhất là 80% tích cực. Giả sử như trong một cuộc nói chuyện, nếu bạn và người đối diện có đề cập đến một điều tiêu cực nào đó thì cần phải nhanh chóng nhận ra và đề cập ngay đến những điều tích cực khác để bù đắp lại, đảm bảo rằng năng lượng tích cực vẫn được duy trì.

4. Chú tâm đến người đối diện

Năm 2014, một cuộc nghiên cứu có tên là “hiệu ứng iPhone” với 200 người tham dự nghiên cứu về ảnh hưởng của điện thoại đến chất lượng cuộc hội thoại.

Họ phát hiện ra rằng trong cuộc hội thoại, khi có một thiết bị điện tử ở trên bàn bàn, hoặc khi cầm trên tay thì sau khi được khảo sát các đối tượng đều đánh giá cuộc nói chuyện kém chất lượng.

Còn khi không có điện thoại, sự cảm thông tăng nhiều hơn và các đối tượng đều cảm thấy rất mãn nguyện với cuộc nói chuyện. Ngoài ra, sự có mặt của điện thoại cũng làm giảm bớt sự tập trung và khả năng thực hiện các tác vụ phức tạp.

Chắc chắn là bạn đã từng nhìn thấy cảnh một người nói chuyện, một người khác cầm điện thoại và gật đầu, lâu lâu lại “à, ừ” vài tiếng như thể đang lắng nghe. Nhưng đó chính là cách nhanh nhất để giết chết một mối quan hệ. Khi bạn giả vờ lắng nghe, người khác hoàn toàn có thể đọc được ngay. Bạn có thể nghĩ rằng mình đã giả vờ một cách tuyệt đỉnh, rằng họ sẽ chẳng thể phát hiện ra, nhưng trên thực tế thì có đấy.

Lần tiếp theo khi phải giao tiếp với một ai đó, hãy đảm bảo rằng bạn không để các thiết bị điện tử hiện diện. Cũng nên đảm bảo rằng tay bạn không cầm điện thoại chỉ vì muốn cầm hoặc thấy “thiếu thiếu” gì cả. Nếu tốt hơn nữa, bạn có thể nói rằng: “Chờ một chút, để mình cất điện thoại/laptop đi để dễ tập trung nói chuyện hơn nhé.” Như vậy thì kể cả khi người đối diện bạn cũng hay bị phân tâm bởi thiết bị điện tử thì cũng khó mà cầm điện thoại lên trong khi đang trao đổi với bạn.

(Nếu bạn muốn học hỏi thêm về kỹ năng lắng nghe, bạn có thể đọc nội dung Cẩm Nang Xây Dựng Kỹ Năng Lắng Nghe Hiệu Quả tại UBrand.cool)

5. Hãy ưu tiên cho những trải nghiệm

Các nghiên cứu đã cho thấy việc chúng ta dùng tiền để mua trải nghiệm sẽ mang lại niềm hạnh phúc cao hơn rất nhiều so với việc mua vật chất. Đặc biệt nếu bạn dùng tiền để mua trải nghiệm cho bạn và cho người mà bạn yêu quý thì mức độ hạnh phúc của cả hai sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều lần nữa.

Một nghiên cứu khác nữa cho thấy khoảng thời gian trông chờ một trải nghiệm đôi khi còn hấp dẫn hơn chính bản thân trải nghiệm đó. Ví dụ thực tế nhất là khi bạn biết rằng trong vòng 2 tháng nữa bạn sẽ được đi du lịch đến một địa điểm thật hấp dẫn chẳng hạn. Trong suốt khoảng thời gian đó, bạn sẽ lên kế hoạch, bạn sẽ mua sắm, bạn sẽ nghiên cứu về điểm đến v…v… Chính điều này làm cho khoảng thời gian ấy còn thú vị hơn cả lúc bạn thật sự trải nghiệm chuyến đi ấy.

Chính vì vậy, lần tiếp theo nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch để gây bất ngờ cho một người nào đó, lời khuyên của tôi là bạn nên chia sẻ cho họ biết trước và kéo họ vào việc cùng lên kế hoạch với bạn. Tôi đảm bảo rằng người ấy sẽ còn hứng thú hơn cả bạn nữa đấy.

Hãy luôn nhớ, trong một mối quan hệ thì trải nghiệm chính là điều sẽ nuôi dưỡng sợi dây gắn kết của hai người với nhau. Càng cùng có nhiều trải nghiệm đang nhớ với nhau, bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc trong mối quan hệ ấy.

Kết

Chẳng ai lúc hấp hối ước rằng mình đã làm việc nhiều hơn cả. Tất cả mọi người đều ước rằng họ đã dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho các mối quan hệ. Những người giàu nhất chưa chắc sẽ là những người hạnh phúc nhất nếu như họ luôn cảm thấy cô độc trong cuộc sống. Nhưng bạn có thể không dư dả về vật chất nhưng vẫn luôn cảm thấy “giàu có” từ bên trong nhờ những mối quan hệ tích cực xung quanh mình. Vậy thì để xây dựng một cuộc sống trọn vẹn, hãy bắt đầu nuôi dưỡng những mối quan hệ mà bạn đang trân trọng ngay từ bây giờ bạn nhé.

Chúc bạn luôn luôn kết nối một cách tích cực.

Trân trọng,

Hải Đăng

Tags

Chia sẻ cảm nhận