Hôm qua mình mới có dịp xem EEAAO ngoài rạp, thấy vẫn còn nhiều suy nghĩ trong lòng nên muốn viết ra đây để tải xuống mọi cảm nhận ban đầu mình có về phim.

Góc độ điện ảnh

Cảm nhận đầu tiên nhất ở góc độ phim ảnh thì thấy phim quay dựng quá tuyệt vời. Đưa rất nhiều chi tiết sáng tạo, ẩn ý, cài cắm vào trong đó. Cách thể hiện đa vũ trụ cũng sáng tạo, không phải là đi sang các vũ trụ khác bằng cơ thể vật lý mà là sự liên kết các bản thể vũ trụ khác nhau lại.

Các diễn viên trong phim thì tròn vai một cách khó ngờ. Thật may mắn khi Thành Long không thể tham gia bộ phim này trong vai nam chính và phim phải đổi kịch bản thành nữ chính và chọn cô Dương Tử Quỳnh. Với kinh nghiệm diễn xuất hơn 30 năm, lực diễn của cô đủ để giúp cô hóa thân trọn vẹn vào các nhân vật trong các vũ trụ khác nhau, từ bà cô đầu xù tóc rối, lẩn thà lẩn thẩn, cho đến một Evelyn giỏi võ công, thần thái, khí chất của siêu sao điện ảnh, cho đến Evelyn ngờ nghệch của vũ trụ tay xúc xích. Quả thật DTQ được sinh ra cho vai này. Thiếu cô, chắc có lẽ phim sẽ không thể đạt được thành công vang dội như hiện tại. Ngoài DTQ thì còn phải ghi nhận chú Quan Kế Huy với vai ông chồng nhu nhược nhưng ngây thơ. Khả năng diễn xuất của chú cũng rất đa dạng khi liên tục thay đổi thần thái giữa Alpha Waymond và Rich Waymond. Ở vũ trụ nào chú cũng toát ra được cái chất đúng như vậy. Nhưng cái chất gốc là sự ngây thơ, nhìn đời đơn giản, tử tế, dễ thương vẫn là cái ta cảm nhận được rõ nhất. Stephanie Hsu (Joy) cũng là một điểm sáng. Dù chỉ là diễn viên trẻ tuổi, nhưng lực diễn của Joy không hề kém cạnh so với 2 bạn diễn lớn tuổi nhiều kinh nghiệm. Cô bé thể hiện được nhiều sắc thái, biểu cảm của một đứa bé đang vào tuổi teen, nhiều thay đổi, bị quản lý quá nhiều bởi một bà mẹ Á Châu. Nói tóm lại dàn cast quá tuyệt vời.

Quay lại với phần dựng phim, từ cách quay, cho đến hiệu ứng đặc biệt, đến cách sử dụng âm thanh, hình ảnh ẩn dụ trong phim quá sáng tạo. Đây là một thứ có lẽ chỉ còn tồn tại trong các studio độc lập như A24, khi họ biết mình không thể theo lối mòn để chiến thắng khán giả, họ phải tìm một con đường khác. Khi nền điện ảnh hiện tại đã feed cho người xem một thể loại công thức hài gia đình + cháy nổ + trai xinh gái đẹp biết bay lượn rập khuôn trăm phim như một, thì EEAAO chọn cho mình cách kể chuyện vượt ngoài mọi khuôn khổ, đưa người xem đi vào một hành trình thật sự điên loạn, đúng theo tựa đề “Mọi thứ mọi nơi cùng một lúc”. Để rồi sau tất cả sự điên loạn mà họ cố tình đưa người xem đi qua, chính là thông điệp đơn giản vô cùng “Be kind – Hãy tử tế” (mình sẽ nói sâu hơn ở phần sau).

Một số bài học cho riêng mình

1. Sự lựa chọn – có lẽ đây là thông điệp dễ thấy nhất của phim. Nó được truyền tải qua câu chuyện giữa các thế hệ của các nhân vật. Cha của Evelyn ngăn cấm bà được tự do lựa chọn, nó tạo nên những cảm xúc không được giải tỏa, nó cứ mắc kẹt ở đó, khiến cho bà cũng không thể trọn vẹn với lựa chọn còn lại của mình (theo Waymond lập nghiệp ở Mỹ). Cuối cùng, cuộc đời bà là một sự thất bại theo góc nhìn của bà. Chính vì lẽ đó, bà sợ đứa con của mình sẽ lập lại con đường mình đã đi qua. Vì vậy bà ngăn cản Joy làm điều nó muốn. Không phải từ tình yêu, mà từ nỗi sợ. Bà sợ con mình sẽ như mình. Khi ta sợ một thứ gì đó, ta tìm mọi cách để nó không thể xảy ra. Khoảnh khắc mọi thứ thay đổi chính là khi Evelyn nhận thấy cách mình đang để cho nỗi sợ trong quá khứ ảnh hưởng tới mình và sẵn sàng đối diện với ba mình để nói ra mọi thứ. Đó là lúc bà sẵn sàng “buông bỏ” để cho Joy được ra đi, để nó được tự do khám phá, làm điều nó muốn.

2. Ý nghĩa là do mình chọn – Trong đoạn đối thoại giữa Joy và Evelyn ở Hành tinh bánh vòng, Joy nhắc đi nhắc lại câu chuyện mọi thứ đều vô nghĩa (It doesn’t matter). Đây là một ẩn dụ của thuyết hư vô (Nihilism). Mình thì không hiểu lắm và cũng chưa nghiên cứu về thuyết này. Riêng với mình thì thấy rằng vì mọi thứ là vô nghĩa, nên mình muốn gán cho nó ý nghĩa gì cũng được cả. Và vì mọi thứ không có ý nghĩa, nên cách duy nhất để thấy cuộc đời mình có ý nghĩa gì đó, là toàn vẹn hiện diện ở đây, lúc này, với những thứ mình đang có.

3. Compassion (lòng từ bi, nhân ái) – Đoạn hội thoại đắt giá của Waymond ở gần cuối phim thật sự làm mình thấy xúc động. Waymond có thể nói là đại diện cho hầu hết mỗi người chúng ta. Chúng ta bước vào cuộc đời với rất nhiều bỡ ngỡ, với rất nhiều sự hoang mang, lo lắng, không biết mình đi đâu, về đâu, làm gì, sống như thế nào. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta phải chọn cách đối xử với thế giới và với những người khác bằng sự bạo động, bằng chiến tranh, bằng sự điên rồ. Chúng ta hoàn toàn có thể tử tế (be kind) với nhau. Phân cảnh này làm nổi bật lên một trong bốn tứ vô lượng tâm của nhà Phật, đó là tâm từ, là tình yêu giữa người với người. Nếu có thể chọn một thứ gì đó đặc biệt nhất của con người, có lẽ đó chính là tình yêu. Tình yêu chiến thắng mọi thứ (love conquers all). Tình yêu là thứ duy nhất có thể xuyên không gian, xuyên thời gian, không bị ngăn cản bằng bất kỳ thứ vật lý gì (The theory of everything và Interstellar là 2 trong số các phim thể hiện rõ quan niệm này). Cuộc đời dưới lăng kính của Evelyn là sự kiểm soát, là nỗi sợ hãi, là phiền não. Còn cuộc đời dưới lăng kính của Waymond là sự đơn giản, là sự vui vẻ (googly eyes), là tình thương, là sự bao dung, là sự tử tế. Evelyn trước giờ không bao giờ chấp nhận lăng kính này của chồng mình và xem đó là sự phiền phức, có lẽ đó là dụng ý của đạo diễn khi cho chú Huy dùng cái chất giọng léo nhéo, ai ái khi là Weak Waymond. Mỗi khi cái tiếng đó cất lên mình nghe cũng thấy phiền, thấy khó chịu. Tuy nhiên mọi thứ thay đổi khi Evelyn quyết định “Em sẽ chiến đấu theo cách của anh”, biểu trưng bằng hình ảnh Evelyn nhặt Googly Eye lên và dán lên trán của mình. Nó không phải là biểu trưng cho con mắt thứ ba như nhiều người nghĩ. Nó chỉ đơn giản thể hiện rằng Evelyn lúc này đã chịu nhìn mọi thứ dưới lăng kính của Waymond. Phân đoạn sau đó thể hiện rõ câu nói “make love not war”, Evelyn thay vì thẳng tay xử đẹp đối thủ bằng thứ Kung Fu tu luyện bao năm thì cô lại dùng nó để giúp cho các đối thủ của mình giải quyết những vấn đề họ đang mắc phải. Mình phải thán phục đạo diễn với lối kể chuyện hết sức độc đáo này.

4. “Bất kỳ ai, ở bất cứ đâu, cũng cần có một Waymond trong đời này” (Everyone Everywhere needs a Waymond in their lives). Chính sự kiên nhẫn, yêu thương, từ bi của Waymond đã dẫn lối cho Evelyn nhìn thấu suốt điều mà cô cần nhìn thấy. Thay vì chiến đấu với sự tức giận, cô chiến đấu với tình yêu thương. Thay vì kiểm soát con gái, cô lựa chọn buông bỏ. Cuộc đời có những lúc quả thật rất khó khăn, và những lúc ấy đôi khi cái chúng ta cần chỉ đơn giản là có một Waymond ở kế bên mình.

5. “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.” – sư ông Thích Nhất Hạnh

Waymond và Evelyn ở vũ trụ mà hai người thành công nhất, đáng buồn thay, lại không có Joy (một cách chơi chữ, Joy vừa là tên con gái của họ trong các vũ trụ khác, vừa là cảm xúc hạnh phúc, yêu thương, đong đầy, niềm vui). Dù rất giàu có và thành công, nhưng Rich Waymond sẵn sàng đánh đổi những thứ đó, chỉ để “được cùng giặt ủi và làm sổ sách thuế” cùng Evelyn. (So, even though you have broken my heart yet again, I wanted to say: In another life, I would have really liked just doing laundry and taxes with you / Dù em một lần nữa khiến trái tim anh tan vỡ, anh vẫn muốn nói với em rằng: Nếu có kiếp sau, chỉ mong được cùng em giặt ủi và làm thuế má).

Có lẽ thông điệp đạo diễn muốn gửi đến người xem là những thứ có thể mình nghĩ là mang lại cho mình hạnh phúc, nhưng chưa chắc khi có được nó mình sẽ thấy hạnh phúc. Những thứ mình nghĩ là phải đánh đổi để có được thành công, hóa ra lại là thứ mang cho mình hạnh phúc nhất.

Còn rất nhiều tầng ý nghĩa khác mà mình đang cảm nhận, mọi thứ chưa được rõ ràng nên chưa muốn nói ra ở đây. Có dịp khi thấy rõ hơn chắc sẽ chia sẻ tiếp với mọi người.

Nói tóm lại EEAAO là một phim cực kỳ đáng xem. Phim đang chiếu lại ngoài rạp, bạn hãy tranh thủ chớp cơ hội.

Category
Tags

No responses yet

Chia sẻ cảm nhận