Đinh Hải Đăng

Kể từ thời điểm ngành công nghiệp phát triển bản thân và sách phát triển bản thân bắt đầu phát triển tại Việt Nam, chúng ta bắt đầu thấy có một phong trào rộ lên nhiều nhất trong giới trẻ đó là “theo đuổi đam mê” của bạn. Thông thường điều đó thường hay dẫn đến kết quả là bỏ hết tất cả để theo đuổi đam mê của mình.

Thật sự thì bản thân mình không cổ súy mọi người tin vào lời khuyên “theo đuổi đam mê” này và rồi bỏ hết tất cả mọi thứ khác để theo đuổi đam mê của mình. Có thể trong một số trường hợp, lời khuyên này sẽ ứng dụng được. Nhưng trong một số trường hợp khác, bạn cần phải rất tỉnh táo để xem xét toàn bộ mọi thứ trước khi đưa ra quyết định.

Mình vẫn chưa thấy có điều gì sai khi bạn vẫn làm công việc toàn thời gian vào ban ngày, và đêm về thì vẫn tiếp tục xây dựng dần dần cho công việc mình thích? Tại sao lại phải bỏ hết?

Nhưng, có một cái khổ ở đây là hầu hết những người mình gặp đều nghĩ rằng họ chỉ có 2 lựa chọn thôi:

  1. Tiếp tục công việc toàn thời gian của mình.
  2. Nghỉ việc, và theo đuổi công việc mình đam mê.

Hầu hết không chọn được, vì chọn đường nào cũng thấy không ổn. Cho nên cứ bị đứng giữa ngã ba đường mãi, không tiến không lùi, như vậy còn khổ hơn gấp trăm ngàn lần.

Họ quên mất một lựa chọn thứ ba, đó là vẫn tiếp tục làm công việc toàn thời gian của mình để có tài chính lo cho bản thân, cuộc sống của mình (dù sao đi nữa, bạn cũng cần phải sống thì mới theo đuổi được đam mê chứ!), và dành thời gian sau giờ làm việc để xây dựng đam mê cho bản thân.

Đừng để bị truyền thông dắt mũi bằng những câu chuyện về những người nghỉ việc, theo đuổi đam mê rồi thành công. Mình nghĩ rằng trong 10 người làm điều đó, chỉ có 1 người may mắn thành công mà thôi. Chưa kể mỗi người 1 điều kiện khác nhau, cái người mà thành công kia có thể là có những điều kiện và hoàn cảnh khác nữa mà bạn chẳng thể nào biết được.

Dĩ nhiên là nếu bạn vẫn quyết tâm bỏ hết mọi thứ sau lưng và theo đuổi đam mê thì cũng chẳng sao cả, chỉ cần biết rõ cái giá bạn phải trả là gì thôi. Mình từng nói với khách hàng làm Career Coaching với mình là: “Em đã chọn một con đường khó khăn hơn rất nhiều so với con đường em đang đi. Và anh tin rằng nó đáng đi, nhưng em cần phải trở thành một con người có giá trị và khả năng để xứng đáng đi con đường này.”

Nếu bạn đang là sinh viên và nhận ra mình học nhầm ngành, thay vì nghỉ học và làm lại từ đầu, thì hãy cứ đi cho hết con đường mình đã chọn đi. Song song đó thì có thể tự bổ túc cho bản thân kiến thức và kỹ năng trong một ngành nghề khác phù hợp hơn với bản thân. Như vậy bạn có kiến thức của cả 2 ngành nghề, lợi thế hơn rất nhiều so với những người khác.

Còn nếu bạn đã đi làm và phát hiện mình có 1 đam mê khác so với công việc toàn thời gian mình đang làm, cũng đừng nên nghỉ việc ngay lập tức. Cứ tiếp tục làm đi, và thời gian rảnh thì bắt tay vào xây dựng công việc bán thời gian của mình. Mục tiêu bạn nên đặt ra là “chỉ nghỉ việc một khi thu nhập hàng tháng của công việc bán thời gian bằng hoặc vượt hơn so với thu nhập của công việc toàn thời gian.”

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công việc toàn thời gian của bạn bị xao nhãng. Thử thách dành cho bạn ở đây đó là phải đảm bảo rằng cả hai công việc này đều được thực hiện với một chuẩn mực cao nhất có thể. Nếu không, cơ hội bạn bị đuổi việc rất cao và cơ hội bạn theo đuổi đam mê của mình cũng có thể mất luôn.

Ví dụ như mình hiện vẫn có một công việc toàn thời gian và một công việc bán thời gian. Cả hai công việc trên mình đều đảm bảo rằng mình làm tốt nhất có thể. Thậm chí mình còn được thăng chức và tăng lương liên tục trong công việc toàn thời gian nữa. Thành công là một chặng đường dài, cho nên mình vẫn rất nhẫn nại để xây dựng từ từ cho công việc bán thời gian của mình. Tuy nhiên, đó là tương lai. Còn ở hiện tại, phải đảm bảo làm tốt công việc mình đang có. Khi làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy rằng:

1. Bạn không hổ thẹn với đồng đội hay sếp của bạn trong công việc hiện tại. Bạn vẫn chiến đấu và dốc hết tâm hết sức của mình ra. Sếp mình vẫn nhắc đi nhắc lại câu nói: “Chuẩn mực và kết quả trong công việc của bạn nói cho thế giới biết bạn là ai.” Vậy nên mình vẫn không cho phép mình làm dưới chuẩn mực.

Bạn hãy thử nghĩ xem, có ai sẽ muốn làm việc với người không toàn tâm toàn ý trong công việc? Đứng núi này trông núi nọ? Và cứ nhăm nhe chờ một ngày cuốn gói ra đi?

Đó là cách nghĩ thật thiển cận. Một lần khi tham gia khóa học Quản Trị Cuộc Đời của thầy Giản Tư Trung, thầy đã nói với mình rằng trong công việc phải làm sao để mà “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Người ta chỉ có thể thương bạn khi bạn làm tốt nhất trong hiện tại. Và người ta cũng chỉ có thể nhớ bạn khi bạn để lại một ấn tượng tốt về bản thân bạn trong công việc cũ mà thôi.

Cái quan trọng hơn cả việc làm cái gì, chính là cách mọi người nhìn bạn là ai.

2. Bạn tích lũy kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của mình trong công việc toàn thời gian, đảm bảo rằng một ngày khi bạn thay đổi công việc thì khả năng thành công của bạn cao hơn rất nhiều.

Hiện tại công việc mình đang làm cho phép mình được học rất nhiều về kỹ năng quản lý, kỹ năng tổ chức sắp xếp, kỹ năng ra quyết định v…v… Tất cả chắc chắn đều sẽ là những kỹ năng hữu ích cho tương lai của mình.

Mỗi người có một con đường.

Bạn đừng nhìn vào bạn bè hay truyền thông về những câu chuyện hào nhoáng của việc theo đuổi đam mê nữa. Đừng cảm thấy tội lỗi hay trách cứ bản thân mình. Bạn có quyền chọn đi một con đường phù hợp với mình. Quan trọng là bạn vẫn đến được cái đích cuối cùng.

Tags

4 Responses

  1. Thật sự em rất đồng tình với quan điểm của anh trong bài viết,nhưng khi đưa nó vào trong hoàn cảnh của em em lại thấy nó mâu thuẫn quá anh à !Công việc toàn thời gian của em cũng không phải là việc em thích và đam mê.Bài viết của anh mang đến cho em một tư tưởng mới về cách để theo đuổi đam mê,nếu chưa được đọc thì có lẽ em đã từ bỏ công việc hiện tại rồi anh à !Nhưng anh có thể cho em 1 lời khuyên hữu ích không ạ !Khi mà công việc hiện tại thực sự càng làm em càng thấy nó không phù hợp với giá trị trong nghề nghiệp của mình,không phù hợp với tính cách của bản thân, khi ấy em sẽ không thể hoàn thành tốt công việc được anh ạ!Em xin phép anh không kể thêm ra lí do nữa ,em lại lo anh nghĩ rằng em viện cớ này cớ nọ ạ !Em phải làm sao khi mà ban lãnh đạo hứa hẹn về 1 tương lai sáng lạn cho em khi em tiếp tục làm ở đây,điều khó xử với em nữa là họ có quan hệ mật thiết với gia đình em nên có chút tác động đến việc bỏ việc của em ạ.Cũng như anh nói công việc toàn thời gian cho em nhiều kiến thức , kỹ năng để hoàn thiện bản thân,dễ thành công hơn sau này nhưng sao đôi khi trong suy nghĩ của mình em lại cho rằng nếu như quãng thời gian này mình tập trung vào việc theo đuổi đam mê và nỗ lực làm thì những kiến thức,kỹ năng mà ta có được từ cái mình thích có lẽ sẽ hữu ích hơn cho ta chứ ạ!Em cũng băn khoăn về cơm ,áo, gạo ,tiền lắm chứ nhưng em chưa hiểu lắm về ý nói của anh rằng tại sao mình không thể kiếm tiền từ chính đam mê làm việc mình thích ạ ?Nó gian nan lắm sao anh !Mong sớm nhận được câu trả lời của anh ạ !

    • Chào em. Nếu việc không phù hợp giá trị và đạo đức nghề nghiệp của mình thì em nên chuyển công ty khác em nhé. Cố sống cố chết ở lại một công ty mà nó làm ngược lại nguyên tắc sống của mình thì cũng rất là dại dột. Giống như biết ở phía trước là vực mà vẫn cứ đâm đầu theo vào vậy.

  2. Những bài viết của anh em đều rất thích,riêng bài này em có ý kiến, mặc dù em đã đọc cuốn “kỹ năng đi trước đam mê rồi”, nhưng khi người ta đứng giữa con đường: . Công việc ổn, phát triển nhưng thực sự không hề thích thú, nhưng với khả năng làm vẫn ở mức chấp nhận được nhưng cảm thấy mệt mỏi và tiêu hao rất nhiều năng lượng thì khó có thể tập trung cho đam mê vào buổi tối (đam mê 2 giờ mỗi tối ?)trong khi công việc là 8 giờ. Em nghĩ nghỉ việc và thay đổi con đường mình nghĩ là phù hợp sẽ thấy thú vị, quyết tâm hơn so với tiếp tục mệt mỏi. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Xin anh cho thêm ý kiến.

Chia sẻ cảm nhận