Đinh Hải Đăng

[Bài viết này nằm trong chuỗi bài viết Coach Yourself To Success (Tự Huấn Luyện Mình Đến Thành Công) được đăng vào mỗi tối thứ ba hàng tuần trên blog của Đinh Hải Đăng. Mục đích của chuỗi bài này là chia sẻ những khái niệm, thông tin hữu ích, các phương pháp giúp bạn trở thành một con người tốt hơn mỗi ngày. Những bài viết này đều đã được tôi trải nghiệm và thực hành qua trước khi chia sẻ lại cho bạn. Và tôi cũng như bạn, đang trên hành trình vươn đến thành công của riêng tôi, cho nên tôi rất hân hạnh khi có bạn cùng tham gia với tôi trên chặng đường này.]

Rác! Rác! Rác!

Tôi lướt chuột qua các bài viết, trang web và status trên newsfeed facebook của tôi và liên tục nhấn unfollow fanpage hoặc một vài bạn bè của tôi, kèm theo đó là suy nghĩ đây là những thứ “rác” tinh thần cần phải được dẹp bỏ.

Thời điểm đó là 5 tháng về trước.

Cuộc sống của tôi bây giờ khác đi nhiều kể từ ngày tôi quyết tâm dọn “rác” khỏi đầu mình.

Trong bài viết này, tôi muốn thuyết phục bạn biết rằng việc để tâm đến những gì mình tiếp nhận là một chuyện cực kỳ thiết yếu.

Bạn có bao giờ để ý một cách ý thức đến lượng thông tin bạn đang nạp vào từng ngày không? Bạn có bao giờ tự hỏi mình đang “ăn” thức ăn dinh dưỡng hay nạp “rác” vào đầu mình không? Bạn có biết tầm quan trọng của việc chắt lọc thông tin mình dung nạp là một nhân tố tiên quyết quyết định chất lượng cuộc sống của bạn không?

Thời điểm 5 tháng về trước, facebook của tôi ngập tràn những tin tức tôi không muốn đọc xen lẫn giữa thông tin tôi muốn đọc. Tôi cảm thấy thật khó chịu khi phải nhìn thấy những status than vãn, xả rác, những bài chia sẻ về chết chóc, giết người, những thực trạng xã hội đau đầu,… Tôi cảm thấy như mình không có được quyền chủ động về những thông tin mà mình tiếp nhận.

vancity-infooverload1

Có một sự thật mà tôi nghĩ tất cả chúng ta cần phải biết đó là những gì chúng ta nạp vào sẽ trở thành kết quả cuộc sống của chúng ta. Điều này có thể được chứng minh bằng câu nói của ông bà xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nghĩa là môi trường của bạn ở cũng là một nguồn thông tin, và nếu nguồn thông tin ấy không hữu ích thì bạn cũng sẽ trở thành sản phẩm của nguồn thông tin không hữu ích ấy. Tương tự, ta có thể suy rộng ra là bất cứ điều gì ta tiếp nhận vào bản thân mình với số lượng lớn và nhiều, thì ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi lượng thông tin ấy.

Các lý do để bạn cần thiết lập hệ thống thông tin tích cực

Chính vì vậy, tôi tin rằng việc thiết lập một hệ thống để tiếp nhận thông tin hữu ích cho chính mình là một điều rất quan trọng. Tôi cho rằng có các nguyên nhân sau để bạn cần phải bắt đầu thiết lập ngay hệ thống này từ ngày hôm nay:

1. Những thông tin, dù là tiêu cực hay tích cực, đều sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn.

Nếu mỗi ngày bạn luôn tiếp xúc với những tin tức như chết chóc, giết người, cướp giật, hay những tin lá cải như lộ hàng, chia tay, đau khổ thì bạn nghĩ cảm xúc của bạn trong ngày sẽ như thế nào? Tích cực hay tiêu cực? Còn nếu một ngày của bạn bắt đầu bằng một bài viết như 10 Lời Nhắn Nhủ Bản Thân Trong Những Lúc Khó Khăn hay Đừng Theo Đuổi Đám Đông thì bạn sẽ có cảm xúc như thế nào?

Theo Anthony Robbins, một diễn giả và chuyên gia đào tạo đẳng cấp thế giới, thì mỗi giây, mỗi phút, bộ não của bạn đều luôn đưa ra ba quyết định, và ba quyết định này sẽ là ba quyết định có thể thay đổi cuộc đời bạn nếu bạn tận dụng nó một cách hiệu quả:

  1. Mình sẽ tập trung vào điều gì?
  2. Điều này có ý nghĩa gì?
  3. Và mình sẽ làm gì với nó?

Nếu bạn tập trung vào điều tiêu cực, bạn sẽ có xu hướng nhìn thấy điều tiêu cực trong cuộc sống, bạn sẽ có xu hướng diễn giải mọi thứ trong cuộc sống của bạn theo hướng tiêu cực, và cuối cùng bạn cũng sẽ hành xử theo một cách tiêu cực.

Nhưng nếu bạn tập trung vào những điều dễ thương của cuộc sống, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những điều tích cực, đẹp đẽ của cuộc đời, và bạn sẽ hành xử theo một cách rất dễ thương với cuộc đời này.

Chính vì vậy, bạn cần phải cẩn thận với những thông tin mà bạn dung nạp, vì nó sẽ là tác nhân gây ra cảm xúc cho bạn. Và chính bạn phải là người chủ động lựa chọn cảm xúc tích cực hay tiêu cực cho mình.

2. Nguồn thông tin mà bạn dung nạp vào mình sẽ ảnh hưởng đến mô thức suy nghĩ của bạn.

Nếu bạn chơi với những người bạn lúc nào cũng suy nghĩ đến việc tạo nên sự khác biệt cho cuộc đời, tìm kiếm ý nghĩa sống, làm những việc mang lại lợi ích cho chính mình và cho xã hội thì lẽ thường bạn cũng sẽ có những mô thức suy nghĩ giống như vậy. Còn ngược lại, nếu bên cạnh bạn là những nguồn thông tin luôn nói rằng “cuộc sống này khó khăn lắm, trèo cao thì té đau, thành công không dễ đâu, người ta làm được chứ mình thì không có khả năng đâu…” thì bạn rất dễ suy nghĩ theo hướng này.

Đó là lý do vì sao những người hay đọc sách thường có khả năng thành công cao hơn những người ít đọc sách (chắc chắn đây không phải là yếu tố quyết định tuyệt đối, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng). Bởi vì những người đọc sách sẽ được tiếp cận với những luồng tư tưởng tiến bộ, những ý tưởng thú vị, những tấm gương sống thật sự từ các tác giả nổi tiếng trên thế giới. Và đặc biệt là ở Việt Nam, khả năng thành công của bạn sẽ được tăng cao hơn rất nhiều kể cả khi một tháng bạn chỉ đọc 1 cuốn sách, bởi vì trung bình 1 người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách/năm mà thôi.

Hiện tại tôi đang thực hiện Life Coaching với một bạn khách hàng mà tôi cực kỳ ấn tượng. Trước khi gặp tôi, trong bạn vẫn còn nhiều những suy nghĩ, những nỗi sợ, những hoài nghi trong lòng. Trong 2 tuần vừa rồi, bạn ấy làm thêm tại xưởng may để kiếm thêm thu nhập. Nhưng khác với các công nhân khác chỉ tập trung vào công việc may mặc. Bạn khách hàng của tôi tận dụng cơ hội này để dung nạp thông tin tích cực vào người. Bạn ấy download các quyển sách nói vào trong điện thoại, và nghe liên tục trong quá trình làm việc của mình, suốt 2 tuần liền như vậy.

Ngày tôi gặp bạn ấy, tôi cảm thấy như đây là một con người hoàn toàn mới. Một con người tự tin, tin vào khả năng của mình, tin rằng mình xứng đáng có được nhiều hơn như bây giờ, và tin rằng mình hoàn toàn có thể đạt được những gì mình đặt ra. Hai tuần, chỉ hai tuần mà thôi, và tôi nhìn thấy phép màu xảy ra. Tôi thật sự kinh ngạc trước sự thay đổi kỳ diệu ấy của cô bé, và tôi tin rằng cô bé ấy sẽ còn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.

Chuyển hóa hoàn toàn

3. Sự tập trung của bạn có thể bị lãng phí nếu bạn chú ý vào những thông tin không hữu ích.

Như đã nói ở trên, bộ não của bạn luôn ra quyết định nó sẽ tập trung vào điều gì. Và nếu bạn tập trung vào những điều không cần thiết, nghĩa là bạn đang lấy mất đi thời gian để tập trung vào những thứ cần thiết trong cuộc sống của bạn.

Thay vì dành 1 giờ để đọc sách, bạn lại dành ra 1 giờ để lướt Facebook và đọc những tin tiêu cực. Thay vì dành 3 tiếng để tham dự một hội thảo hữu ích, bạn lại dành ra 3 giờ để trà đá chém gió với đám bạn của mình. Thay vì dành ra 1 ngày để kết nối với bản thân, bạn lại dành ra 1 ngày để coi các chương trình truyền hình. Tất cả những điều tôi nói ở trên đều có thể được quy ra nguồn thông tin cả. Vậy nên nguồn thông tin hữu ích hay không hữu ích đều là do bạn quyết định mà thôi.

4. Cuối cùng, chất lượng nguồn thông tin của bạn sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.

Gieo nhân nào, gặt quả đó. Nạp vào cái gì, sẽ sản xuất ra cái đó. Kết quả cuộc sống của bạn như thế nào là do nguồn thông tin bạn nạp vào. Bạn muốn cuộc đời mình tích cực, hãy bao bọc bản thân mình với những nguồn thông tin tích cực mỗi ngày. Hãy thiết lập một hệ thống để mỗi ngày bạn luôn nhận được những điều tích cực trong cuộc sống. Tôi đảm bảo rằng chỉ cần một tháng bạn “đắm chìm” với những thông tin tích cực, cuộc sống của bạn sẽ khác hẳn.

Các bước áp dụng

Bước 1:

Hãy ra quyết định rằng từ ngày hôm nay, bạn sẽ luôn ý thức đến nguồn thông tin mà mình dung nạp vào bộ não của mình: “Ngày hôm nay, tôi cam kết rằng sẽ cho bản thân mình được tiếp xúc với những thông tin hữu ích.”

Bước 2:

Rà soát lại những nơi mang lại nguồn thông tin tiêu cực cho bạn:

  • Facebook: Unfollow những trang web không hữu ích như haivl, các loại hội, các trang đưa tin báo lá cải… Unfollow bạn của mình (chức năng này vẫn giữ friendship của bạn với người đó nhưng status của họ sẽ không hiện trên newsfeed của bạn) nếu bạn cảm thấy họ liên tục đưa lên những status vô nghĩa, không hữu ích và làm ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn
  • Các trang web: hạn chế vào đọc các trang tin lá cải, các trang tin về những sự kiện của giới văn nghệ sỹ, dìm hàng, lộ hàng,… bởi vì bạn không cần thiết phải biết chúng để làm gì
  • Chương trình truyền hình, phim bộ: bạn vẫn nên coi những chương trình này để giải trí, nhưng không sử dụng nó một cách quá mức

Bước 3:

Đưa những nguồn thông tin tích cực vào đời sống của bạn:

  • Sách: bạn có thể bắt đầu tìm đọc các quyển sách hay về phát triển bản thân, kinh doanh, mối quan hệ, tư duy tích cực… Tôi đã viết một bài để giới thiệu về 10 Quyển Sách Phát Triển Bản Thân Nên Đọc, bạn có thể tìm hiểu.
  • Các trang web hay và hữu ích (nếu bạn dùng smartphone hay tablet, bạn nên nghiên cứu cách đọc RSS feed để dễ dàng đọc bài chỉ từ 1 ứng dụng mà không cần phải truy cập vào từng trang web riêng)
    • Nếu bạn thích về phát triển bản thân, đây là một vài gợi ý cho bạn:
      • www.phattrienbanthanvn.com
      • www.tgm.vn/blog/
      • www.vuductrithe.com
      • www.triethocduongpho.com
      • www.fususu.com
      • www.zenhabits.com
      • www.jamesclear.com
      • www.marcandangel.com
      • www.lifehacker.com
      • www.dinhhaidang.com
    • Nếu bạn thích về kinh doanh, khởi nghiệp, doanh nhân:
      • www.inc.com
      • www.under30ceo.com
      • www.entrepreneur.com
      • www.sethgodin.com
      • www.quora.com
      • www.action.vn
      • www.startupvietnam.org
    • Nếu bạn thích những chủ đề khác: www.google.com 🙂
  • Bắt đầu follow những page, nhân vật cung cấp các thông tin hữu ích trên facebook, twitter hoặc google plus.

Bước 4:

Kỷ luật với bản thân mình, đừng để những thông tin tiêu cực cám dỗ bạn.

Thử Thách 10 Ngày Ăn Kiêng

Chấp nhận thử thách

Để làm cho mọi thứ thêm phần thú vị với bạn, tôi sẽ đưa ra cho bạn một thử thách nhỏ sau: “Thử Thách 10 Ngày Ăn Kiêng Thông Tin Tiêu Cực”. Bạn hãy thử nghiệm 10 ngày không tiếp nhận những thông tin tiêu cực, hoặc nếu vô tình đọc thấy thông tin tiêu cực thì nhanh chóng lướt qua, không để nó cám dỗ bạn. Và hãy đánh giá xem 10 ngày ấy của bạn như thế nào. Sau khi thực hiện xong, bạn có thể quay lại đây để chia sẻ thành quả của mình.

Tôi mong rằng qua bài viết này, bạn hiểu được tầm quan trọng của thông tin bạn tiếp nhận như thế nào. Cuộc đời bạn, chất lượng cuộc sống của bạn, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thông tin bạn tiếp nhận. Cho nên, nếu muốn đời dễ thương, hãy đón nhận những điều dễ thương.

Và tôi tin rằng nếu bạn đọc được tới đây, thì bạn đã đánh giá rằng những bài viết trong trang này là thông tin tích cực. Tôi cảm ơn bạn vì điều đó. Và tôi mong rằng bạn sẽ còn đọc nhiều hơn những điều bổ ích khác ở các nguồn khác nhau chứ không chỉ là ở đây mà thôi.

Nếu bạn có bất kỳ nguồn nào hữu ích, hay cách thức nào để thiết lập một hệ thống lọc thông tin, hãy chia sẻ ở phần comment bên dưới nhé.

Thân mến,

Hải Đăng

Nguồn hình:

  • Ballisticarts.com
  • Prgx.com
  • Pawelserwan.files.wordpress.com
Tags

16 Responses

  1. thử thách “ăn kiêng 10 ngày ” của em đã xong.Thực sự k thể tránh “rác” trong thời buổi này,k gặp trên mạng thì ra đường cũng gặp “rác”.Nhưng dù sao em vẫn tuân thủ việc ăn kiêng của mình.”10 ngày ” với những tin tích cực suy nghĩ của em cũng tích cực hơn,nhìn mọi thứ lạc quan hơn,gặp nhiều điều thú vị hơn ( vì em mới trượt ĐH nên “ăn kiêng” thực sự hữu ích cho em).Cảm ơn anh nhiều ạ, tiếp tục với 30 ngày k than vãn( cái này gian nan đây ) 😀

  2. Em chào anh Đăng.
    Cảm ơn anh về bài viết rất đầy đủ và chất lượng này. Em rất thích và cũng luôn chuẩn bị tinh thần trước thử thách 10 ngày ăn kiêng này.
    Em cũng có 1 blog cũng viết về những thử thách hoặc những khó khăn và trở ngại trong chính cuộc sống hằng ngày của em là:

    Em hi vọng được anh chi phép khi trích dẫn (mang tính cá nhân) 1 phần những thông tin từ bài viết này của anh.
    Chân thành cảm ơn anh và em sẽ ghi nguồn và để link về bài viết này.

  3. Em chào anh,
    Việc “dọn rác thông tin trong 10 ngày ” thực sự hữu ích với em.Nhưng em không làm được trong vòng 1 tháng.Em hay xem “Thời sự” để biết tình hình trong nước và thế giới,trong đó có nhiều tin tiêu cực.Em sợ mình không xem thì không nắm bắt được mà xem thì gây ảnh hưởng ít nhiều.Em nên làm gì trong trường hợp này ạ anh?Mong nhận được giải đáp từ anh.
    Em cảm ơn. 🙂

    • Chào em,

      Mình hạn chế đọc thôi chứ không phải là không đọc. Nhưng thật ra thì… anh chẳng bao giờ đọc tin Thời sự nhưng anh vẫn biết được những tin anh cần biết bằng cách này hay cách khác. Vấn đề là, anh cảm thấy tất cả những thứ anh không muốn biết, đúng thật sự là anh không cần phải biết thật vì nó chẳng hề giúp anh được gì cả.

      Cho nên quay lại là mình có muốn xây dựng thói quen này hay không em ạ.

      Thân mến,

Chia sẻ cảm nhận