Đinh Hải Đăng

Nguồn: Đọt Chuối Non

Chào các bạn,

Có lẽ tất cả chúng ta đều quen nghe ca tụng đọc sách, khuyến khích nhau đọc sách, giới thiệu sách hay cho nhau đọc. Và mình biết nhiều người tự hào là đã đọc được nhiều sách.

Nhưng kinh nghiệm mình cho thấy, kiến thức không đến do đọc nhiều. Kiến thức đến bằng hai điều:

– Đọc kỹ: Đọc một quyển cho kỹ, bạn sẽ hiểu được 10 quyển khác. Ví dụ: Nếu bạn đọc cuốn Economics của Paul Samuelson chầm chậm để hiểu mọi thứ trong đó, các bạn có thể liếc qua mục lục của các cuốn Kinh tế học khác, để biết có nơi nào bạn cần liếc qua một chút xem có gì hay không. Chẳng cần đọc thêm nhiều cuốn.

Không phải là đọc nhiều, mà là đọc kỹ.

– Rất nhiều sách là để thực hành: sách học làm người, sách phát triển bản thân, sách tâm linh… Có hằng chục ngàn cuốn sách loại này. Lựa một cuốn dễ hiểu, thực hành mọi điều trong đó nghiêm chỉnh, và chẳng cần đọc cả chục ngàn quyển khác.

Như là sách võ, bạn chỉ cần đọc một cuốn và tập theo cuốn đó. Đọc tới 50 cuốn sách võ mà không tập cuốn nào thì có ích gì, ngoại trừ ngồi bốc láo với thiên hạ.

Người đọc nhiều mà chẳng sâu sắc gì và chẳng hiểu gì thường dễ nhận ra chỉ bằng đọc một chút gì họ viết hay nghe một câu nói của họ – thuần túy lập lại ngôn ngữ từ trong sách, không có một chữ nào về hiểu biết hay kinh nghiệm riêng của họ để chứng tỏ họ hiểu gì.

Số người lảm nhảm lời đã học được từ sách hay kinh gì đó mà không hiểu gì, theo nhẩm tính của mình có đến từ 50 – 90% trên thế giới, tùy theo loại sách và tùy theo nền văn hóa quốc gia. Có thể nói là họ học từ chương theo kiểu ông bà ta học ngày trước: Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu… (Kinh Thi).

Hay, Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh, Vô danh thiên địa chi thủy, Hữu danh vạn vật chi mẫu… (Đạo đức Kinh)

Hay, Quán tự tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách, Xá lợi tử, sắc bất dị không không bất dị sắc, sắc tức thị không không tức thị sắc (Bát Nhã Tâm Kinh). Mình đã thấy rất nhiều Phật tử tụng Bát Nhã Tâm Kinh trong chùa, nhanh như ăn cướp, và hoàn toàn không hiểu đến một chữ. Hỏi họ bất kì câu gì về kinh họ cũng không biết.

Kinh Lạy Cha thì rất dễ hiểu, và thiên hạ đọc trong nhà thờ và ở nhà có lẽ một ngày mấy lần, nếu không là mấy mươi lần, nhưng “Xin cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, mấy người thực hành? Nhìn vào tác phong hiền hay dữ của họ, các bạn có thể biết. Hình như rất nhiều người trong thiên hạ không hiểu được câu này, dù có đọc bao nhiêu lần trong đời.

Hồi nhỏ mình cũng ham đọc nhiều sách và có nhiều sách vì nhiễm lời thiên hạ ca ngợi sách. Ngày nay kinh nghiệm đời nhiều, mình rút lại hai cách đọc sách giản dị: một là đọc kỹ (không phải đọc nhiều); hai là chuyện thực hành thì chỉ cần một cuốn (đôi khi chỉ cần một câu, như là “Yêu Thượng đế và yêu loài người vô giới hạn”) và thực hành nghiêm chỉnh.

Chúc các bạn có kiến thức thật.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

 

Tags

No responses yet

Chia sẻ cảm nhận