Đinh Hải Đăng

Có một câu chuyện kể như sau.

Một doanh nhân người Mỹ đang trong kỳ nghỉ mát đứng trên một mỏm đá tại một làng chài lưới lâu đời ở phía Nam Mexico.

Ông ta ngắm nhìn một chiếc xuồng nhỏ chỉ có một người dân chài trẻ trên đó đang cố gắng kéo chiếc xuồng của anh ta vào bờ. Bên trong khoang là vài con cá ngừ lớn. Hưởng thụ cái ấm áp của buổi chiều sớm nơi đây, người doanh nhân đưa ra lời khen về chất lượng những con cá trên thuyền.

”Anh đã mất bao lâu để bắt chúng vậy?” – người doanh nhân ngẫu hứng hỏi.

“À, không nhiều. Chỉ một vài giờ.” – người dân chài đáp.’

“Vậy tại sao anh không ở lại thêm lâu chút nữa rồi bắt nhiều hơn?” – người doanh nhân lại hỏi.

Người đánh cá trả lời hiền từ: ”Có lẽ tôi không cần nhiều, chỉ bấy nhiêu thôi là đủ cho gia đình tôi rồi.”

Người doanh nhân Mỹ chợt trở nên nghiêm túc: ”Vậy anh làm gì với thời gian còn lại của mình?”

Đáp lại với nụ cười, người dân chài nói: ”Tôi ngủ muộn, chơi với con tôi, xem những trận bóng chày, và ngủ trưa với vợ. Thỉnh thoảng vào những buổi tối, tôi đi dạo vào trong làng thăm bạn tôi, chúng tôi chơi guitar và hát cùng nhau…’

‘Người doanh nhân nôn nóng cắt ngang: “Nghe này, tôi có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Harvard, và tôi có thể giúp anh trở nên giàu có hơn. Anh có thể bắt đầu bằng việc kéo dài thời gian làm việc, có lẽ là thêm vài giờ trên biển mỗi ngày. Sau đó anh có thể bán số cá thừa và kiếm thêm tiền. Với số tiền đó, anh có thể mua thêm một chiếc thuyền, lợi ích nó đem lại không hề nhỏ. Rồi mua được vài ba chiếc xuồng nữa. Cứ như vậy, anh sẽ có hẳn một đoàn thuyền mà đi câu cá.”

Tự hào về những suy nghĩ sắc bén của mình được tôi luyện ở những năm học tại Harvard, người doanh nhân thêm thắt chi tiết vào cái kế hoạch to lớn vừa vạch ra mà thậm chí sẽ đem lại nguồn lợi nhiều hơn thế. “Thay vì bán những gì anh kiếm được cho người môi giới, hãy bán chúng trực tiếp cho trung tâm xử lí. Thậm chí hãy mở hẳn một nhà máy của riêng anh. Cuối cùng, kiểm soát những sản phẩm, quá trình sản xuất và phân phát. Giàu có hơn, anh sẽ có khả năng rời chiếc xuồng bé tí này và chuyển tới…coi nào, thành phố Mexico to lớn chẳng hạn? Hay New York? Nơi mà anh sẽ mở rộng công việc làm ăn thêm nữa, tìm vài đối tác… Ý tôi là, tại sao không thử cơ chứ? Khi anh còn vẫn trẻ và có nhiều cơ hội?”

Chưa bao giờ nghĩ đến những điều như vậy, người dân chài băn khoăn: “Nhưng nó sẽ tốn bao lâu?”

Sau những tính toán nhanh, người doanh nhân Mỹ với bằng tốt nghiệp thạc sĩ loại ưu tại Harvard trả lời: “Có lẽ là từ 15 đến 20 năm, hoặc ít hơn nếu anh làm việc chăn chỉ.”

“Và rồi thì sao, thưa ngài?” – “Đó, đó là phần tuyệt nhất.” – cười phá lên, người doanh nhân nói – Khi thời khắc đến, bán cổ phần công ty, anh sẽ kiếm hàng triệu. Hứng thú chứ?”

“Ồ, hàng triệu ư thưa ngài? Rồi tôi sẽ làm gì với chừng đó tiền?”

Người doanh nhân nói: “Thì hãy làm gì khiến anh hạnh phúc. Chuyển tới một ngôi nhà ven biển đẹp nơi anh có thể ngủ muộn, chơi với cháu của mình, xem những trận bóng chày, ngủ trưa với vợ anh. Anh có thể đi dạo trong vườn, thăm bạn, hãy đánh đàn guitar và hát với họ.”

Người dân chài mỉm cười: “Nhưng thưa ngài, phải chăng tôi đang sống trong tất cả những điều đó?”

Bạn có hiểu ý nghĩa câu chuyện này là gì không? Ý nghĩa của nó đó chính là mỗi người đều có một định nghĩa khác nhau về thành công và hạnh phúc. Bạn không nên, và không thể ép một người khác sống với định nghĩa về thành công và hạnh phúc của chính bạn được.

Tương tự, bạn cũng không nên mù quáng theo đuổi những định nghĩa về thành công hay hạnh phúc của người khác mà không suy xét liệu đó có phải là điều mình thật sự muốn hay không.

Định Nghĩa Thành Công Của Tôi

Chắc hẳn nếu bạn là độc giả quen thuộc của tôi thì bạn cũng biết rằng tôi đang làm khai vấn (coaching) cho đối tượng từ 18-35 tuổi.

Một trong những điều mà tôi được học khi tham gia khoá học đào tạo chuyên môn khai vấn đó là “bạn không thể cho người khác cái bạn không có.”

Điều này gây ấn tượng với tôi và khiến tôi suy nghĩ nhiều. Vậy mình đã thành công chưa để giúp người khác cũng có thành công? Làm sao mình dám lấy tiền của người khác và hứa hẹn rằng sẽ giúp họ thành công nếu mình còn chưa đạt được thành công?

Đây là những câu hỏi khiến tôi trăn trở nhiều. Và bất chợt tôi nhận ra hình như mình đang sai trong mặt lý luận. Trước khi bắt đầu với những câu hỏi ấy, tôi cần hỏi mình trước là “Vậy thành công với tôi là gì?”

Bạn thấy đấy, tôi đã quá tập trung vào định nghĩa thành công của xã hội nên cứ cho rằng tôi chưa thành công thì làm sao giúp người khác thành công? Tôi đã áp chuẩn mực của xã hội vào đó là “nhiều tiền, danh vọng, vật chất, nổi tiếng, có công ty riêng v…v…”

Nếu xét theo góc nhìn đó, tôi hẳn không phải người thành công.

Tôi đã vô tình quên rằng tôi có một định nghĩa thành công rất khác. Một định nghĩa thành công sâu sắc mà tôi học được từ Coach John Wooden.

Đối với Coach, thành công chính là “Sự thanh thản trong tâm hồn. Sự thanh thản này là kết quả của việc biết rằng mình đã làm hết sức có thể trong khả năng của mình.” Hay nói cách khác, chỉ có chúng ta mới đánh giá được liệu chúng ta đã thành công hay chưa dựa trên nỗ lực của chính mình. Sau khi xong việc, chúng ta có cảm thấy thanh thản vì mình đã cố hết sức hay chưa?

Đối với Coach, kết quả là sản phẩm của nỗ lực. Đôi lúc bạn thắng, đôi lúc bạn thua. Bạn không kiểm soát được điều đó. Nhưng bạn có thể kiểm soát được nỗ lực của mình.

Ngay lúc nhớ lại định nghĩa này, tôi chợt nhận ra tôi là người thành công. Và tôi có thể cho khách hàng của tôi cái mà tôi đã có. Bởi vì tôi biết rằng nếu tôi đã không làm thì thôi, một khi làm tôi sẽ nỗ lực hết sức để có được sự thanh thản trong tâm hồn.

Bạn thấy không, nếu tôi không kịp nhắc nhở chính mình về định nghĩa thành công mà tôi chọn thì có lẽ tôi đã tự dày vò mình mãi rồi.

Tôi không nói những định nghĩa thành công về vật chất là không đúng. Chỉ có điều, nó không hợp với tôi mà thôi.

Bạn cũng vậy, bạn sẽ có định nghĩa riêng của mình. Vậy thì tôi muốn hỏi bạn “Định nghĩa thành công của bạn là gì?”“Bạn đã đạt được nó chưa?”

Thân mến,

Đinh Hải Đăng

Tags

2 Responses

  1. Trong cuốn Nhà giả kim của Paulo Coelho có một câu rất ấn tượng với em đó là:”Con người nhận thức rất sớm họ sống trên đời này để làm gì. Chính vì thế mà họ lại bỏ cuộc sớm.” Khi đã nhận ra được mục tiêu sống của mình, em mới thấm thía hết ý nghĩ của câu nói này. Khoảng khắc hoàn toàn bất lực trước cuộc sống, em thật sự muốn buông xuôi mọi thứ. Rằng,tại sao mình phải làm việc này, rằng mình đấu tranh vì gì,.. Và em buông thật. Nhưng có một cái gì đó, khi em buông bỏ, em không hạnh phúc, cảm thấy mình như không tồn tại. Sau tất cả, em nhận ra được mình đấu tranh, đơn giản thay, vì sự thanh thản trong tâm hồn. Bài viết của anh thật sự rất hay. Định nghĩa thành công của em là sự thanh thản trong tâm hồn khi can đảm, mạnh mẽ làm theo tiếng con tim mình. Em đang trên con đường này, em đang đạt được nó. Cảm ơn anh vì bài viết, em cảm thấy thật sự mình đang đi đúng hướng.

Chia sẻ cảm nhận