Đinh Hải Đăng

“Nếu chúng ta có cơ hội được gặp một người có tri thức, chúng ta nên hỏi anh ta những quyển sách anh ta đã đọc là gì.” – Ralph Waldo Emerson

Các bạn thân mến,

Nguyên tắc thứ 4 của Coach Wooden đề cao tầm quan trọng của việc đọc sách. Một quyển sách hay mở ra cả một chân trời mới về tư duy và kiến thức cho chúng ta. Khi đọc sách, chúng ta không chỉ đơn thuần là đọc con chữ, mà chúng ta đang tiếp thu kiến thức của mấy mươi năm kinh nghiệm sống của tác giả. Mỗi một quyển sách ta đọc như là một cơ hội để trò chuyện với một người bạn vậy đó.

Có 3 yếu tố mà tôi cho rằng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến suy nghĩ của một con người là: những quyển sách bạn đọc, những người bạn xem là bạn và cách bạn tư duy. Trong đó sách là một cách tiếp cận tuyệt vời để thay đổi nhân sinh quan của chúng ta. Tôi không có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với tất cả mọi người , nên tôi chọn sách là cơ hội để ”tâm sự” với họ.’ – Trích lời diễn giả Trần Đăng Khoa

Thật vậy. Nếu không nhờ có sách mình đã không thể biết đến Coach Wooden. Nếu không có sách, mình đã không biết đến Stephen R. Covey. Đây là hai người thầy lớn, và mình hay gọi vui là hai người “bạn già” đồng hành cùng mình suốt bao năm tháng qua. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời khi mình đọc sách của hai ông “bạn già” này, mình lại ngẫm nghĩ thêm được một chút về nhân sinh quan và triết lý sống của đời. Hồi 18 tuổi, thú thật là đọc chẳng hiểu gì cả. Đến năm 20 tuổi, đọc lại thì thấy hiểu hiểu hơn một chút. Năm 22 tuổi, bắt đầu “ồ, à” khi đọc lại thêm một lần nữa. Nói chung đối với mình, sách là tri kỉ thứ hai (sau vợ) của đời mình.

Các bạn, hãy đọc sách và xây dựng thói quen đọc sách khi còn trẻ. Đừng mê muội, u mê như những người một năm chưa đọc đến nổi 1 quyển sách. Cũng đừng vỗ ngực tự hào mình không đọc sách vì “sách chỉ là lý thuyết nói suông mà thôi.” Như vậy là rất ngớ ngẩn. Tất cả mọi thứ chúng ta làm đều cần có một nền tảng lý thuyết vững chắc hết. Và sách chính là nơi giúp ta có được những nền tảng vững chắc ấy.

Bên cạnh đó phải biết chọn sách hay mà đọc. Đừng đọc những loại sách vớ vẩn, câu cú lủng củng, ý tưởng rẻ tiền. Hãy chọn những quyển sách kinh điển và thuộc nhiều thể loại khác nhau. Cũng đừng chỉ chăm chăm đọc sách phát triển bản thân không thôi, vì cái gì quá cũng không tốt. Mình để ý thấy nhiều bạn chăm đọc sách phát triển bản thân đến mức bị cuồng và coi mình là hơn người. Như vậy là không nên và cũng không hay ho gì. Thay vào đó, hãy tìm đọc những quyển tự truyện, tiểu sử của danh nhân để học cách họ tư duy và suy nghĩ. Đọc những quyển sách chuyên môn mà có thể thách thức những quan niệm trước đây của chúng ta về cuộc sống v…v…

Coach Wooden từng nói rằng: “Người không đọc những quyển sách hay thì cũng không có lợi thế gì so với người không biết đọc.” Mình thấy nếu trời đã phú cho bạn cái may mắn được đi học, được biết con chữ thì làm ơn hãy sử dụng nó cho thật tốt. Có những người thèm và khao khát được đọc nhưng vì hoàn cảnh, họ không có được may mắn đó. Còn bạn, nếu có may mắn đó, thì hãy dùng ngay đi.

Trong sách gốc thì Coach còn nhấn mạnh đến việc đọc Kinh Thánh nữa. Nhưng mình không nhấn mạnh ở đây vì mình không theo đạo nên cũng không hiểu rõ hết. Nhưng theo mình thấy việc đọc những sách như Kinh Thánh hay Phật giáo thì đều rất tốt. Mục đích cuối cùng của những quyển sách này là giúp con người hướng thiện và sống đẹp. Đặc biệt là sống dựa trên nguyên tắc và đạo đức chứ không dùng chiêu trò gì cả. Vậy nên nếu bạn thích thì cũng có thê tìm hiểu dạng sách này.

Còn bây giờ mình sẽ chia sẻ cho bạn một vài bí quyết nhỏ để đọc sách hiệu quả hơn:

1. Đặt thời gian cố định trong ngày

Việc đọc sách phải nên luôn được coi là ưu tiên quan trọng nhất của bạn trong ngày. Chính vì vậy bạn cần dành một khoảng thời gian trong ngày chỉ cho việc đọc sách mà thôi. Mình thì làm việc này vào mỗi buổi sáng. Lý do là vì khi ngày mới bắt đầu, mình để ý thấy sẽ có rất nhiều chuyện xảy ra dẫn đến việc đọc sách có thể sẽ bị đạp xuống hàng ưu tiên thứ 2, thứ 3 hoặc thậm chí là chót bảng. Một điều thứ hai nữa là trong suốt một ngày làm việc, nếu để việc đọc sách tới chiều hay tối thì có thể năng lượng của mình sẽ không còn nữa để mà đọc tỉnh táo. Nói chung, mình khuyến khích đọc buổi sáng. Nhưng bạn có thể tìm thời gian khác, miễn là phù hợp với bạn.

Ngoài việc có thời gian đọc sách, còn một bí quyết nữa mà mình học tập từ James Clear – chuyên gia về thay đổi thói quen và tăng hiệu suất. Đó là cam kết mỗi ngày đọc 20 trang sách. Theo lý giải của James Clear thì 20 trang sách là vừa đủ để không làm ta thấy ngán, mà không quá dài để mất thời gian của ta trong ngày. Mình thấy cách làm này rất hiệu quả, bạn có thể thử nghiệm xem sao.

2. Mang theo sách mọi lúc mọi nơi

Mình hay đem theo 2 thứ sau ở bất kỳ đâu: Kindle và một quyển sách giấy. Thường thì mình đọc trên Kindle nhiều hơn, lý do là vì sách giấy ở Việt Nam thì nhiều nhưng chất lượng thì thấp nên mình không tin tưởng cho lắm. Chỉ những quyển nào thực sự chất lượng mình mới mua mà thôi.

Việc lúc nào cũng mang theo sách sẽ giúp cho bạn có một thói quen thay vì kiểm tra điện thoại, máy tính bảng thì sẽ lấy sách ra mà đọc. Mình nhớ đã từng đọc bài viết về sự khác biệt trong phong cách đi du lịch của người Châu Âu/Châu Á đó là các bạn trẻ người Châu Âu thì luôn cầm theo sách để đọc khi ngồi đợi máy bay, xe buýt; còn người Châu Á thì cắm mặt vào điện thoại, máy tính bảng để lướt Facebook.

Thật ra thì chắc bài báo này làm quá lên một chút, nhưng mình quan sát thấy thì hiện tượng chung bây giờ là ai cũng cắm mặt vào điện thoại và máy tính bảng hết. Phí phạm quá. Thời gian ngồi chờ đợi đó thì bạn lấy sách ra mà đọc đi. Chẳng phải tốt hơn rất, rất nhiều sao? Kiến thức bạn tích góp trong sách sẽ theo bạn cả đời. Còn những thông tin rác rến trên Facebook thì nay nhớ mai quên dễ dàng.

Khi ta còn trẻ, có hai thứ chúng ta rất “giàu có” là thời gian và sức khỏe. Nhưng càng lớn, bạn sẽ càng thấy quỹ thời gian của bạn bị eo hẹp lại đi rất nhiều. Cho nên đừng tiêu xài hoang phí thời gian của mình cho những việc vô bổ.

3. Đừng chỉ đọc sách, hãy tương tác với chúng

Sách mua về là để đọc, để chiêm nghiệm, để suy ngẫm, và để phản biện. Nếu bạn mua sách giấy thì cứ highlight, viết vào phần lề của sách những suy tư, phản biện của mình. Đừng có để sách trống không. Cũng đừng có tin bất kỳ điều gì vội cả. Phải luôn kiểm chứng và xác thực lại thông tin (bằng việc tìm thêm trên mạng hoặc bằng việc trải nghiệm để tự kiểm chứng).

Hồi đó mình còn ngốc, đọc gì cũng tin hết. Tin rồi làm sái cổ theo luôn. Sau này có nhiều kiến thức hơn, nhiều trải nghiệm hơn mình bắt đầu tập hoài nghi với mọi thông tin đưa ra cho đến khi kiểm chứng được là nó đúng hay không.

Dĩ nhiên chúng ta nên tưởng tượng rằng việc đọc sách cũng như một cuộc đối thoại giữa ta với tác giả vậy. Đối thoại thì phải hai chiều. Vậy nên người ta nói với bạn thì bạn cũng phải phản hồi lại với người ta, để đem cuộc đối thoại xuống một tầng sâu hơn nữa. Như Coach Wooden nói rằng: “Đừng chỉ hớp sách – hãy thưởng thức những quyển sách hay.” (Don’ just sip – drink deeply from good books)

Chính vì vậy, đừng chỉ đọc sách không, hãy tương tác với sách.

4. Chia sẻ với người khác

Cách hay nhất để hiểu hơn về sách là chia sẻ những gì bạn học được trong sách với người khác. Để chia sẻ cho người khác hiểu hẳn nhiên bạn phải nghiên cứu, tìm tòi thêm. Từ đó bạn sẽ có cơ hội đào sâu hơn những gì trong sách có thể chưa nêu ra. Nếu được, hãy tìm các câu lạc bộ sách để có thể thực hiện hoạt động này hàng tháng.

Ví dụ như mình và vợ mình đều đặn sáng thứ 7 sẽ ra đường sách nói chuyện. Mỗi người cầm một quyển sách riêng đọc, nhưng thấy cái gì hay hay thì sẽ chia sẻ quan điểm của nhau cho người kia nghe. Vợ mình thì đi nhiều về tâm linh nên có những cái mình không hiểu thì vợ mình sẽ giải thích. Còn mình thì thiên về phát triển bản thân và thành công nên sẽ giải thích những cái liên quan. Nói chung hoạt động này giúp cả hai đào sâu được những gì mình đọc, biết và hiểu. Mình rất khuyến khích các bạn nên tìm cho bản thân một đối tác như vậy.

5. Học đi đôi với hành

“An ounce of action is worth a ton of theory” – Ralph Waldo Emerson

“Một ao-xơ hành động đáng giá bằng cả tấn lý thuyết” – Ralph Waldo Emerson

Cái này có lẽ cũng không cần phải nói nhiều vì hẳn nhiên ai cũng biết. Học phải đi đôi với hành. Đọc sách xong thì phải ứng dụng. Chỉ có ứng dụng mới biết được rằng phương pháp hay tư duy sách chia sẻ có đúng không, có hợp lý không.

Mình cũng chia sẻ thêm đó là bạn có thể không cần đọc quá nhiều sách, nhưng bạn nên thực hành đi thực hành lại một vài quyển sách hay cho đến khi nhuần nhuyễn. Lấy ví dụ bản thân mình đối với lĩnh vực sách phát triển bản thân thì mình hay đọc đi đọc lại mấy quyển sau:

  • 7 Habits Of Highly Effective People – Stephen R. Covey
  • Coach Wooden – 7 Principles That Shape His Life – Pat Williams, James Denney
  • Tư Duy Tích Cực Thay Đổi Cuộc Sống – Trần Đình Hoành
  • Wooden on Leadership – John Wooden, Steve Jamison

(Bạn có thể xem thêm các quyển sách hay mình khuyên đọc ở đây.)

Nói chung là sách thì có nhiều, nhưng sách hay thì hiếm. Bạn nên chọn sách hay, kinh điển và thực hành nhuần nhuyễn. Lý Tiểu Long từng nói rằng: “Tôi không sợ những kẻ luyện tập 10.000 cú đá khác nhau. Tôi chỉ sợ kẻ đá duy nhất 1 kiểu, nhưng 10.000 lần.”

Như bản thân mình thì đọc đi đọc lại 7 Habits mỗi năm. Cứ mỗi lần đọc lại nghiệm ra thêm một chút. Đặc biệt loại sách mình chọn đọc đi đọc lại tập trung vào nhân cách/phẩm cách (character) của chúng ta nhiều hơn thay vì là những quyển sách chỉ phương pháp (techniques), bí quyết (secrets/tips). Bởi vì thật ra thì khi nhân cách/phẩm cách của bạn tốt thì tự khắc những thứ khác nó sẽ tự đến mà không cần quá nhiều chiêu trò.

6. Mở rộng mối quan tâm của bạn

Như mình nói ở trên, đừng giới hạn mình trong một thể loại sách. Đặc biệt mình để ý thấy mấy bạn nào thích phát triển bản thân là y như rằng vào hàng sách chỉ ngó qua khu phát triển bản thân mà thôi. Come on!

Còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm như văn hóa, xã hội, lịch sử, giáo dục, danh nhân thế giới, triết học, công nghệ v…v… Như bản thân mình đang nghiên cứu về công nghệ tương lai ảnh hưởng đến thế giới như thế nào. Ngoài ra cũng có đọc và tìm hiểu dần về triết học luôn. Mình cũng quan tâm đến cả các vấn đề như văn hóa – giáo dục nữa.

Ở xã hội hiện đại, người hiểu nhiều biết rộng có lợi thế cực kỳ lớn so với người có kiến thức hạn hẹp. Bạn cũng cần phải bắt đầu mở rộng dạng sách đọc của mình ra để mở mang kiến thức hơn nữa nhé.

7. Học tiếng Anh

Thật sự là mình khuyến khích bạn nào chưa giỏi tiếng Anh thì hãy đi học tiếng Anh để có đủ khả năng đọc được sách nước ngoài. Lý do là vì sách dịch tiếng Việt 90% là tệ và dịch không hay, không đủ ý. Ngoài ra bạn còn bị hạn chế khi phải chờ sách tiếng Việt ra mà không thể chủ động tìm hiểu. Trong kho sách của mình hết 80% là sách tiếng Anh, chỉ có 20% là sách dịch/sách viết tiếng Việt mà thôi.

Cái này không biết nói sao cho hết tầm quan trọng nữa đây. Nhưng mà mình nói thật là bây giờ ngoại ngữ là một điều kiện bắt buộc phải có trong công việc. Nếu bạn chưa giỏi, hãy mau chóng đi học ngay nhé.

Sách là bạn đường trung thành. Sách là người thầy. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Nhờ có sách mà dân tộc Nhật Bản vươn lên thành cường quốc. Nếu bản thân chúng ta muôn xây dựng đất nước, phát triển bản thân, sống một cuộc sống hạnh phúc hơn thì sách chính là công cụ cực kỳ mạnh mẽ để làm điều đó.

Hãy trao cho bạn món quà của tri thức mỗi ngày bạn nhé.

Trân trọng,

Hải Đăng

Tags

3 Responses

  1. Liệu em thích đọc những quyển sách của bác Nguyễn Nhật Ánh thì có giúp ích được gì không anh ?

Chia sẻ cảm nhận