Đinh Hải Đăng

Chào các bạn,

Có bao giờ bạn đã từng rơi vào trường hợp này chưa:

  • Cảm thấy áp lực vì bạn bè xung quanh mình bỗng dưng đạt được những thành công nhất định, trong khi nhìn lại mình chưa làm được gì cả?
  • Tự trách chính mình vì thấy mình quá yếu kém so với những người xung quanh?
  • Hay so sánh mình với bạn bè, kể cả là bạn thân của mình?
  • Cảm thấy như mình đang cố gắng phải rượt đuổi theo người khác trên một con đường đua không phải của chính mình?
  • Lúc nào trong đầu cũng ám ảnh: “Làm thế nào để vượt qua họ?”
  • ….

Nếu bạn từng rơi vào những hoàn cảnh đó thì hãy cứ yên tâm rằng thật ra đây chỉ là chuyện bình thường mà thôi. Và mình nghĩ rằng ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng sẽ phải trải qua thời điểm này. Nhanh thì vài tháng sẽ hết, lâu thì có thể kéo dài tới vài năm không chừng.

Cá nhân mình cũng đã từng rơi vào trạng thái này khoảng 1 năm về trước. Khi ấy, mặc dù đã làm và đạt được nhiều thứ, nhưng phóng tầm nhìn ra xung quanh thì mình vẫn có cảm giác chẳng bằng ai. Nhìn thấy bạn bè, những người đồng trang lứa với mình gặt hái được thành công này đến thành công khác, mình cảm thấy áp lực kinh khủng. Mình luôn so sánh họ với mình. Mình đau đầu tìm mọi cách để giúp mình bứt lên, để chứng minh cho người khác thấy là mình giỏi hơn họ. Quãng thời gian ấy thật là căng thẳng và nặng nề. Đầu óc mình lúc nào cũng bị ám ảnh bởi những thứ hơn thua, cạnh tranh, chiến thắng… Mình biết cạnh tranh là tốt, có cạnh tranh thì mới có phát triển, có phát triển thì mới có đột phá được. Nhưng bên trong mình vẫn có cảm giác có một thứ gì đó còn thiếu, còn một thứ gì đó mà mình chưa ngộ ra được.

Cho đến một ngày mình vô tình đọc được quyển sách có tựa đề: “Coach Wooden: 7 Principles that Shaped his Life”, và nhờ đó mình tìm được câu trả lời cho chính mình. Có thể nói quyển sách này là một trong những quyển sách có tác động lớn với mình trong năm vừa rồi. Vậy thì mình đã rút ra được gì từ quyển sách này để giúp mình vượt qua giai đoạn đó? Mình sẽ chia sẻ với các bạn ngay sau đây, nhưng trước hết có lẽ chúng ta nên biết sơ qua một chút về Coach John Wooden, nhân vật chính của quyển sách này.

Coach John Wooden – Vị huấn luyện viên huyền thoại của làng bóng rổ đại học Mỹ

Nếu kể về quá khứ, xuất thân của ông thì chắc cũng sẽ tốn kha khá và sẽ làm bài viết này dài thêm, nên mình sẽ nói ngắn gọn về Coach Wooden thôi. Ông được mệnh danh là huấn luyện viên huyền thoại của làng bóng rổ Mỹ, năm 2009 ông được phong danh hiệu “Huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử”. Các thành tựu mà ông đạt được rất đáng nể, sau đây mình xin được liệt kê ra để các bạn hiểu vì sao ông lại được kính trọng như vậy:

  • Mười giải vô địch liên hiệp các trường đại học Hoa Kỳ (NCAA)
  • Bảy giải vô địch NCAA trong 7 năm liên tiếp: 1967, 1968, 1969, 1970, 1971, 1972, 1973
  • Xuất hiện trong vòng tứ kết nhiều nhất: 16 lần; xuất hiện liên tiếp nhất: 9 lần; và chiến thắng nhiều nhất: 21 lần
  • Chiến thắng liên tiếp nhiều nhất: 88 trận trong suốt các năm 1971, 1972, 1973
  • Tám mùa giải Pac 8 Conference hoàn hảo
  • Tỉ lệ chiến thắng trong suốt 40 mùa giải: .813

Một huấn luyện viên nào giữ 1 trong các danh hiệu này thôi cũng đã là rất kinh khủng. Tuy nhiên, Coach Wooden lại nắm giữ  tất cả những thành tích này, và đó làm nên một “huyền thoại” trong làng bóng rổ đại học Hoa Kỳ. Vậy điều gì đã giúp ông đạt được những thành tích này?

John Wooden và bài học đầu tiên từ cha mình

Từ khi còn bé, John Wooden và các anh của mình đã được cha của ông – Joshua Wooden – dạy dỗ rất kỹ lưỡng và nghiêm khắc. Cha của ông, tuy xuất thân từ nông dân, nhưng lại là một người sống rất chan hòa và nguyên tắc. Ông dạy các con của mình bằng cách làm hình mẫu cho chúng, trong suốt cả cuộc đời mình. Và John Wooden cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ cha ông, đặc biệt là một trong những bài học đầu đời mà đã theo ông cho đến tận khi ông qua đời:

“Johnny, con đừng quá lo lắng về việc mình có giỏi hơn người bên cạnh hay không, nhưng đừng bao giờ cho phép mình ngừng trở thành người giỏi nhất mà con có thể. Điều đầu tiên con không thể kiểm soát được, nhưng điều thứ hai thì hoàn toàn có thể.” – Joshua Wooden

Một bài học đơn giản nhưng đầy triết lý trong đó. Nó là triết lý của nguyên tắc từ trong ra ngoài. Nó là triết lý của việc tập trung vào vòng tròn ảnh hưởng của chính mình. Nó là triết lý của việc người duy nhất mà bạn cần phải ganh đua và đối đầu không ai khác hơn chính là bản thân của bạn…

Đối với John Wooden, ông diễn giải bài học của cha như sau: “Hãy nỗ lực, kiên trì, chăm chỉ và tập trung vào những gì mình có thể làm được. Và sau đó đừng mất ngủ vì những thứ còn lại.” Chính bài học này đưa ông trở thành một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất. Ông không chỉ truyền đạt nó, mà ông còn là tấm gương sống của triết lý này, và ông truyền nó lại cho các cầu thủ của ông.

Mỗi khi bắt đầu mùa giải mới, vào buổi tập đầu tiên, ông đều dặn dò các tân binh: “Thầy không cần các em cố gắng làm sao để chơi tốt hơn những người đồng đội của mình, nhưng thầy cần mỗi người các em nỗ lực chơi tốt nhất có thể và phát huy hết khả năng của chính mình.” Ông luôn đòi hỏi các học trò của mình nỗ lực hết sức có thể, và luôn tự hỏi mình rằng: “Mình đã làm hết khả năng của mình chưa? Mình đã nỗ lực hết sức chưa? Nếu chưa, thì tại sao?” Trong mỗi trận đấu, trước khi ra sân, ông đều dặn dò các cầu thủ của mình: “Khi trận đấu kết thúc, thầy muốn các em phải ngẩng cao đầu. Và chỉ có một cách duy nhất để các em có thể ngẩng cao đầu, đó là chơi hết sức mình, với tất cả những gì các em có.”

Nói tóm lại, bài học ở đây đó là hãy làm hết sức của mình (be the best).

Thật sự mà nói thì bài học này có lẽ ai cũng từng nghe qua ít nhất một lần. Cá nhân mình thì chắc đọc được bài học này được diễn giải trong nhiều quyển sách khác nhau lắm rồi. Nhưng có lẽ do thời điểm ấy bài học này không thấm cho lắm, hoặc cũng có thể là do mình thấy được sự thành công đến mức kinh ngạc của John Wooden nên mới thật sự bị thuyết phục bởi triết lý này. Dù thế nào đi nữa, từ lúc đó mình hiểu rằng mình chẳng cần phải cạnh tranh với ai cả, mình chỉ cần tập trung vào làm tốt nhất những gì mình có thể, trong khả năng và tiềm năng của mình mà thôi.

John Wooden và định nghĩa thành công của chính mình

Ngoài công việc HLV, John Wooden còn là thầy giáo dạy tiếng Anh. Trong quá trình giảng dạy, ông cảm thấy rất khó chịu với việc mọi người từ nhà trường cho đến bố mẹ đánh giá các em học sinh thông qua điểm số chứ không phải thông qua nỗ lực của mình. Ông nói rằng: “Tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu với áp lực của các bậc phụ huynh đặt lên mình con em trong lớp học. Bất cứ điểm nào tệ hơn điểm 10 đều được coi là thất bại, dù cho em học sinh ấy đã nỗ lực và làm tốt nhất có thể. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mình đã tập trung chú ý, lắng nghe hết sức và làm tốt nhất những gì có thể, để rốt cục bị gọi là kẻ thất bại? Kinh nghiệm cá nhân đã dạy tôi rằng đôi lúc bạn cũng sẽ thất bại dù là bạn đã làm tốt nhất có thể.”

Từ đó, ông bắt đầu đi tìm kiếm định nghĩa thành công cho riêng mình. Kết hợp với bài học đầu tiên mà cha dạy mình, cùng với việc ông vô tình đọc được bài thơ sau:

Dưới trần thế, cầu nguyện

Một linh hồn khốn khổ quỳ xuống và cúi đầu

“Con đã thất bại”, hắn ta khóc

Người trả lời, “Con đã làm hết sức mình. Đó chính là thành công.”

Kết hợp cả 2 lại, vào năm 1934, sau khi cân nhắc rất kỹ càng, ông đã viết nên định nghĩa thành công của chính mình: “Thành công chính là sự thanh thản trong tâm hồn, là kết quả trực tiếp của cảm giác mãn nguyện khi biết rằng mình đã nỗ lực để làm tốt nhất những gì mình có thể.”

Nói một cách khác, đối với John Wooden, ông đánh giá thành công thông qua nỗ lực làm tốt nhất có thể của một người nào đó. Ông quan niệm rằng “nỗ lực” (effort) chính là sản phẩm chính (product), còn “thành công” (success) là sản phẩm phụ (by-product), hệ quả của nỗ lực đó. Cái chúng ta cần làm là tập trung vào sản phẩm chính – sự nỗ lực hơn là tập trung vào hệ quả của nó. Khi bạn nỗ lực hết sức, dù thành hay bại, chắc chắn bạn vẫn sẽ nhận được một điều gì đó. Quan trọng là khi bạn làm hết sức mình, bạn cảm thấy mãn nguyện, và cảm thấy thật sự bình an với chính bản thân mình.

Dĩ nhiên, sẽ có rất nhiều tư tưởng khác và John Wooden không hẳn là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, với định nghĩa này, ông đã đạt được rất nhiều thành quả vĩ đại trong suốt cuộc đời mình. Vậy nên, lựa chọn tin theo tư tưởng này hay không vẫn là quyền của bạn, riêng mình thì bị thuyết phục hoàn toàn khi đọc các tài liệu, sách về ông.

Tóm lại

  1. Sẽ có những lúc bạn trải qua một thời điểm tự nghi ngờ chính mình, tự so sánh mình với người khác, tự gây áp lực cho chính bản thân mình…
  2. Thay vì mất ăn mất ngủ vì những thứ bạn không thể kiểm soát được, hãy tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát được, đó chính là bản thân bạn.
  3. Đừng quá lo lắng về việc mình có giỏi hơn người khác hay không, nhưng đừng bao giờ cho phép mình ngừng trở thành người giỏi nhất mà bạn có thể. Điều đầu tiên bạn không thể kiểm soát được, nhưng điều thứ hai thì hoàn toàn có thể.
  4. “Thành công chính là sự thanh thản trong tâm hồn, là kết quả trực tiếp của cảm giác mãn nguyện khi biết rằng mình đã nỗ lực để làm tốt nhất những gì mình có thể.”

Chúc bạn nỗ lực hết sức mỗi ngày,

Thân mến,

Hải Đăng

Ps: bài viết này chỉ mới là một phần nhỏ trong những triết lý, quan niệm sống của Coach John Wooden. Nếu các bạn thật sự thấy bài viết này hữu ích và muốn mình viết thêm những bài khác về Coach John Wooden thì bạn có thể comment bên dưới để nêu cảm nhận của mình khi đọc bài này và cho mình biết ý kiến nhé.

Tags

14 Responses

  1. Thật ra thì em cũng đã từng “sống như thế” khoảng gần 2 năm. Nhớ lại khoảng thời gian đó, thấy mình chẳng bao giờ hạnh phúc cả, lúc nào cũng căng thẳng, buồn bã và tự ti :(. Nhưng rồi học TTG, biết được chẳng có ai là thành công 1 mình nên từ đó trở đi cuộc sống thanh thản và thoải mái hơn rất nhiều :). Em có đọc qua một câu nói của Oprah Winfrey và thật sự rất thích: “Khi bị cạnh tranh, đừng lo nghĩ về đối thủ. Bạn không thể kiểm soát đối thủ. Bạn chỉ có thể kiểm soát chính mình. Quan tâm đến đối thủ sẽ lấy đi năng lượng của bạn. Hãy cố gắng chạy đua hết mình vì chính bản thân mình, hãy tập trung để đáp ứng tốt nhất mong mỏi của chính bản thân” 🙂

    • Anh thích câu nói của Oprah đó. Hay ghê :D. Và rõ ràng là nó hoàn toàn đúng, mình chỉ có thể tập trung kiểm soát mình chứ không thể kiểm soát được người khác ^^

      • làm sao để thoát khỏi cái ám ảnh do chính mình tạo nên?
        em chao anh, thật sự em đang nằm trong vòng vây đó.em cảm tháy mệt mỏi, khó chịu, khong co dong luc.

        • Chào Hạnh,

          Em có thể nói rõ hơn được không? Anh vẫn chưa hiểu rõ ý “ám ảnh” của em ở đây là gì? Ám ảnh này do chính em tạo ra hay do 1 ai khác nữa?

          Thân,

          • em khong ro la minh dang chay tho kai gi,dau tien em bat dau vao cuoc song dai hoc voi bao du dinh, hoai bao(hien tai em dang nam 2) sau do tu nhien em hinh thanh nen suy nghi so sanh minh voi nguoi khac, em so sanh het moi nguoi, chi can thay hon ho la em thay mung(that ra em thay minh rat ich ki) nhung bay gio, sau khi chay theo ta ca, em tu nhin lai ban than minh thay minh khong phai la minh nua nua, k phai la co be minh mong muon. em cung doc rat nhieu sach( phai noi la em rat an tuong ve anh, tg cac cuon sach em doc thi cuon:”toi tai gioi ban cung the”, “dam that bai”, “Dac nhan tam” la anh huong den cuoc ong em nhat, neu anh co cung qan diem thi like nhe^^, cac cuon nay rat hay)
            tro lai van de tip. co nguoi ban bao em la do em doc sach nhieu nen dat cho minh nhieu ap luc. co dung khong ha anh?

            Vào 22:53 Ngày 17 tháng 1 năm 2013, Disqus đã viết:

          • Chào em,

            Đọc sách nhiều, mà nhất là những quyển sách về phát triển bản thân, biết nhiều kiến thức nhưng lại không tạo ra kết quả gì thì đúng chính xác là sẽ áp lực lắm. Vì lúc đó người khác (và có thể là chính bản thân mình) sẽ nhìn mình như kẻ thùng rỗng kêu to, không làm được nhiều nhưng nói nhiều.

            Về trường hợp của em, anh nghĩ là do em chưa hiểu rõ chính bản thân mình. Chưa biết em muốn đạt được gì. Giá trị cá nhân của em là gì… Đây là cái em phải tự tìm ra cho chính mình. Anh gợi ý em đọc sách “Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh” và đọc thật kỹ chương giá trị sống. Sau đó làm bài tập thực hành trong chương đó và sống theo những giá trị sống của mình.

            Thân mến,

          • Cám ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị và bổ ích. Em cũng biết đến huấn luyện viên này từ lâu nhưng những triết lý sống của ông thì bây giờ em mới thật sự hiểu và thấm thía. À, em không rõ anh có ebook quyển sách trên của ông không? Nếu có thì anh có thể share qua email này cho em được không ạ tranthienphuoc89@gmail.com. Cám ơn anh rất nhiều 🙂

  2. Hôm nay em mới được biết đến Anh qua Trang web này và càng ngạc nhiên khi biết Anh là một thành viên của TGM, bởi vì em rất ngưỡng mộ và khám phục ý Chí và trăn trở của các Anh dành cho thế hệ trẻ. Em đã đăng ký khoá sống và khát vọng. Em rất hy vọng em sẽ có thể hiểu rõ mình và tự xây dựng cho mình một giá trị sống để trở thành ngừoi có ích. Cảm ơn Anh rất rất nhiều

Chia sẻ cảm nhận