Jeff Bezos có một công việc ổn định, lương cao, tại một công ty danh tiếng. Có thể nói, ông lúc ấy đã thành công theo thước đo của xã hội. Duy chỉ có một điều, trong đầu ông ấy có một ý tưởng điên rồ vào thời kỳ đầu khi bong bóng Internet mới bùng nổ. Ý tưởng về một cửa hàng bán lẻ trực tuyến mà sau này tất cả chúng ta đều biết, đó là: Amazon.

Lúc ấy, Jeff Bezos tự hỏi chính mình: “Khi mình 80 tuổi, liệu mình có hối hận khi rời bỏ Wall Street hay không?” và ông tự đáp lại cho mình một câu hỏi khác: “Liệu mình có hối hận đã bỏ qua một cơ hội góp mặt vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên Internet hay không?”

Và phần còn lại của câu chuyện này đã đi vào lịch sử.

Khi chúng ta có thể phóng chiếu bản thân mình vào 50-60-70 năm sau, khi chúng ta đã sống đủ lâu để chứng kiến nhiều đổi thay của thời đại, và nghe những lời chúng ta nói về sự hối hận của bản thân mình, chúng ta rất dễ dàng ra được quyết định mà trước giờ chúng ta vẫn luôn chần chừ.

20 năm nữa, bạn sẽ thấy nuối tiếc về những điều bạn không làm hôm nay hơn là những điều bạn đã làm – Mark Twain

Và có vẻ như không chỉ Jeff Bezos, mà Steve Jobs cũng là một người đã sử dụng cách suy nghĩ tập trung vào điều khiến mình hối hận khi không làm này để ra quyết định làm quen với cô sinh viên Laurene Powell, để rồi sau này trở thành phu nhân Lauren Powell Jobs. Ông kể lại như sau:

Steve Jobs gặp Laurene vào năm 1990 sau một buổi thuyết giảng trong lớp học thạc sĩ kinh tế MBA tại trường đại học Stanford. Câu chuyện tình yêu của họ giống như một bộ phim lãng mạn.

“Tôi đứng trong bãi đỗ xe, cùng với một chiếc chìa khóa, và tự nghĩ, nếu đây là đêm cuối cùng mình còn sống trên trái đất này, thì mình sẽ dành nó để gặp gỡ đối tác hay hẹn hò với người phụ nữ này? Tôi chạy qua bãi đỗ xe và hỏi cô ấy có muốn ăn tối cùng tôi không. Cô ấy trả lời “có”, chúng tôi đi dạo trong thị trấn và trở thành của nhau từ lúc đó”

Hẳn nhiên là Jobs không hỏi trực tiếp liệu mình có hối hận hay không, nhưng ngụ ý của câu hỏi ông tự nói với mình cũng là để tập trung vào sự hối hận và mất mát khi không làm một điều gì đó.

Vì sao tập trung vào hối hận lại thúc đẩy ta ra quyết định?

Bởi vì con người chúng ta được thúc đẩy hành động bởi hai nguồn lực chính, đó là: Nỗi đau khổ (pain) và Sự sung sướng (pleasure). Chúng ta sẽ làm mọi cách để tránh đau khổ và hướng tới sự sung sướng.

Bạn có để ý thấy những lúc bạn trì hoãn không? Bạn nghĩ tại sao bạn trì hoãn? Bạn trì hoãn là do lúc ấy bạn nghĩ rằng việc làm sẽ đau khổ hơn là không làm. Vậy nên bạn cứ tiếp tục trì hoãn để ở trong trạng thái sung sướng ấy. Nhưng đến khi deadline dí tới, tại sao lúc này bạn lại có động lực làm như vậy? Đó là vì lúc này việc không làm sẽ đau khổ hơn so với việc trì hoãn (vì sợ mất mặt, sợ người khác nói vô trách nhiệm, sợ kết quả kém…). Và bất kỳ mọi hành động nào của con người cũng đều là dựa trên nỗi khổ hoặc sự sung sướng.

Chính vì vậy khi ta đặt câu hỏi tập trung vào sự hối hận khi không làm chuyện gì đó, ta có thể cảm nhận rất rõ nỗi đau của việc không làm việc này sẽ như thế nào. Chúng ta cảm nhận được mình mất gì khi không làm việc đó, và ta nhận ra nỗi đau đó quá lớn so với việc trì hoãn. Cả Jeff Bezos và Steve Jobs đều thấy rằng nếu mình không làm điều này, mình sẽ mất quá nhiều thứ, và họ làm mọi cách để tránh xa nỗi đau đó và tiến tới sự sung sướng (trong trường hợp này là công việc kinh doanh Amazon và người vợ của Jobs).

Vậy áp dụng điều này để ra quyết định như thế nào?

Hãy nhớ những lúc cần phải ra các quyết định lớn và khó khăn, tự hỏi chính mình và tập trung vào sự hối hận của bản thân khi không làm:

  1. Vào sinh nhật 80 tuổi của mình, liệu mình có hối hận khi không làm điều này hay không??
  2. Có một suy nghĩ hay ý tưởng nào cứ đang thôi thúc trong đầu bạn hay không?
  3. Có điều gì mà bạn muốn làm lúc này hay không?
  4. Nếu có, vậy tại sao bạn vẫn chưa làm điều đó? Liệu bạn không cảm thấy hối hận khi không làm điều này ư? Nếu vậy thì có điều gì mà bạn hối hận?

Tập trung cảm nhận nỗi đau khi bạn không làm những điều này. Viết ra tất cả mọi nỗi đau mà bạn nghĩ là mình sẽ trải nghiệm khi không làm điều này. Càng cụ thể càng tốt. Viết ra mình sẽ mất gì trong 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm… Và ngược lại, viết ra sự sung sướng nếu như bạn thực hiện điều này. Tưởng tượng trong tương lai bạn đang được hưởng thành quả của quyết định này. Tưởng tượng cuộc đời của bạn rẽ sang một hướng đi khác khi làm việc này. Tưởng tượng mọi thứ trong cuộc đời bạn trở nên tốt đẹp hơn nhờ quyết định này. Càng rõ ràng càng tốt.

Tôi tin rằng lúc này bạn đã cảm thấy đủ tự tin để ra quyết định cho chính mình rồi đấy. Hãy nhớ rằng mọi kết quả trong cuộc sống của bạn phải bắt đầu bằng sự lựa chọn trước tiên. Sự lựa chọn sẽ quyết định hành động của bạn, hành động sẽ quyết định kết quả bạn đạt được, kết quả bạn đạt được sẽ quyết định hướng đi của bạn, và cuối cùng hướng đi sẽ quyết định vận mệnh của bạn.

Chúc cho bạn luôn tự tin trong những lựa chọn của mình.

Hải Đăng

Tags

No responses yet

Chia sẻ cảm nhận