Chào bạn,
Martin Luther King Jr. từng nói rằng: “Bạn không cần phải nhìn thấy cả bậc thang, hãy cứ bước trên nấc thang đầu tiên thôi.”
Thật sự là như vậy.
Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng có những mục tiêu hoặc ước mơ to lớn. Nhưng đôi lúc, nó quá to đến nỗi chúng ta không dám thực hiện bất kỳ một hành động nào cả. Chúng ta phân tích tình hình, đánh giá những gì mà chúng ta phải hi sinh để đạt được nó, để rồi cuối cùng chúng ta bị tê liệt. Có hẳn một thuật ngữ dành cho tình trạng này gọi là “paralysis by analysis” (tê liệt vì phân tích quá nhiều).
Phân tích dĩ nhiên là một điều cần phải làm trong bất kỳ một kế hoạch nào. Nhưng bạn cần phải hiểu rằng sẽ đến một thời điểm mà mọi phân tích sẽ không còn đáng giá bằng việc bắt tay vào hành động.
Nhiều bạn Coachee của tôi thường hay hỏi: “Em muốn biết mình có phù hợp với nghề này hay không, nhưng em không biết thông tin ở đâu cả?”
Có hai cách để có thông tin về vấn đề này:
- Hỏi người đi trước, tìm hiểu qua Internet, từ các nguồn khác nhau.
- Hành động. Vì kết quả của hành động sẽ cho bạn biết chính xác thông tin bạn cần là gì.
Nhưng có lẽ chúng ta cứ mãi phân tích thiệt hơn nhiều quá đến nỗi không dám hành động để tìm ra câu trả lời.
Chưa hết, sau khi phân tích xong chúng ta còn tự hỏi bản thân mình: “Liệu mình có làm được hay không?”
Đây là một câu hỏi mà tôi tạm gọi là “câu hỏi tước quyền” (disempowering questions). Loại câu hỏi này khi hỏi ra sẽ khiến bạn cảm thấy như mình không còn bất kỳ quyền năng, sức mạnh nào để thực hiện mục tiêu của mình cả.
Thay vào đó, bạn cần tự hỏi mình những “câu hỏi trao quyền” (empowering questions) để có động lực hành động.
Lấy ví dụ một khách hàng tôi vừa mới Coaching gần đây. Bạn có một dự án đã ấp ủ bấy lâu nhưng vẫn chưa dám bắt đầu. Sau một lúc trao đổi, tôi hỏi bạn một câu đó là: “Bước nhỏ nhất em có thể làm được sau buổi Coaching hôm nay là gì?”
Đây chính là câu hỏi trao quyền. Vì người nhận câu hỏi thấy rằng mình có quyền lực để làm gì đó (do something) chứ không phải chỉ ngồi đó phân tích và không làm gì cả (do nothing). Làm cái gì đó hẳn nhiên là tốt hơn chẳng làm gì cả rồi.
Và đây chính là cách để vượt qua tình trạng tê liệt vì phân tích quá nhiều.
Hãy chia nhỏ kế hoạch của bạn xuống. Và tự hỏi chính mình bước nhỏ nhất bạn có thể làm được là gì?
Sau đó, hãy dám tin tưởng để bước nấc thang đầu tiên. Và tiếp tục bước nấc thang kế tiếp, kế tiếp, rồi kế tiếp nữa. Cuối cùng, bạn sẽ thấy mình đã bước hết cả bậc thang rồi. Hãy bắt đầu một cách không hoàn hảo.
Chúc bạn vững tin và can đảm.
Đinh Hải Đăng
3 Responses
Những bài viết của anh ko nhiều nhưng như 1 phép màu,luôn đến lúc em cần, em đôi khi còn tự cho mình là nó dành cho em cơ :D. Cảm ơn anh rất nhiều, luôn hóng bài viết của anh.
Cảm ơn Ngọc :). Anh không viết nhiều vì anh không thích viết cái mình chưa trải nghiệm. Các website khác thường chỉ lấy bài từ nhiều nơi về hoặc nghiên cứu đâu đó rồi viết ra. Anh thì viết dựa trên trải nghiệm của mình nên đôi lúc tần suất nó hơi ít so với các web khác.
Tâm sự! Chào anh Đinh Hải Đăng em năm nay lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp em hứa với bạn bè, gia đình, dòng họ em sẽ đậu thủ khoa nhưng sao em thấy mình không tìm thấy động lực quyết tâm làm hết sức mình dù em đã thử làm nhiều cách đọc vài quyển sách tạo động lực trong đó có quyển sách “tôi tài giỏi bạn cũng thế” nhưng quyết tâm được vài ngày sao đó giác mệt mỏi,lo lắng,bất lực lại quay lại ban đầu, em ước gì có một người dọa sẽ giết cả gia đình em nếu như em không đậu thủ khoa và khi ấy em sẽ đậu thủ khoa, nhưng trời ơi em vẫn khồng có động lực vì em biết gằng sẽ chẳng người nào giết cả gia đình em,và em sẽ không bỏ cuộc, cảm ơn anh rất nhiều vì anh đã lắng nghe em,cảm ơn