Đinh Hải Đăng
Chào bạn thân mến,
Bài viết này là những đúc kết kinh nghiệm của cá nhân tôi trong quá trình làm việc suốt 6 năm qua (tôi bắt đầu đi làm kể từ thời còn là sinh viên năm nhất). Đây là những tư duy quan trọng nhất mà tôi đã áp dụng và có được những thành công bước đầu trong sự nghiệp của mình. Dĩ nhiên tôi vẫn chưa đạt đến đỉnh cao trong công việc, nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng nếu như mình vẫn tiếp tục áp dụng một cách kiên định những tư duy này, một ngày nào đó tôi sẽ đạt được những thành quả mà tôi khao khát. Bên cạnh đó, tôi tin chắc một điều rằng đây cũng là những điều mà sếp hiện tại/tương lai của bạn muốn chia sẻ với bạn và mong rằng bạn sẽ áp dụng nó vào trong công việc.
Những điều tôi sắp chia sẻ với bạn thuộc về tư duy (cách bạn suy nghĩ) và nó sẽ không có bất kỳ phương pháp hay kỹ thuật nào cả. Để áp dụng thành công nó, đầu tiên là bạn phải tin rằng những tư duy này hữu ích cho bạn. Nếu bạn không thấy nó hữu ích thì có cố gắng cách mấy cũng không thể áp dụng chúng vào công việc được. Và bạn hãy hoàn toàn yên tâm về độ tin cậy của các tư duy này, vì tôi không phải là người sáng chế ra chúng. Tất cả đều đã được nói đi nói lại nhiều trong rất nhiều các quyển sách về phát triển sự nghiệp hoặc thành công trong công việc rồi. Nhưng nhiệm vụ của tôi là viết lại nó theo một ngôn ngữ dễ hiểu hơn và đưa ra cho các bạn những dẫn chứng thực tế để bạn cảm nhận rõ ràng về những tư duy này.
Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta cùng bắt đầu nhé.
#1: Công việc của bạn là làm cho công việc của sếp bạn dễ dàng hơn
Bạn hãy thử nghĩ xem tại sao sếp bạn lại thuê bạn vào vị trí bạn đang làm hiện tại? Vì thấy bạn ăn nói có duyên? Vì thấy bạn có học thức? Vì thấy bạn dễ thương? Vì thấy bạn có mối quan hệ rộng rãi? Vì thấy bạn tự tin?
Có thể, nếu sếp của bạn cũng chẳng quan tâm gì đến công việc của chính anh/cô ấy.
Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi cũng như quan sát cách sếp của tôi tuyển người thì mục đích mà những người sếp chọn tuyển dụng một nhân viên cụ thể nào đó là vì họ hi vọng rằng khi người nhân viên ấy bước vào công ty, anh/cô ấy sẽ làm cho công việc của họ dễ dàng hơn.
Nếu bạn suy nghĩ kỹ hơn một tí thì đây là điều hiển nhiên. Giả sử bạn tuyển một người vào mà vẫn phải khổ sở lo lắng cho họ hay phải theo sát họ từng li từng tí thì tốt nhất đừng tuyển người đó ngay từ lúc ban đầu còn hơn. Dĩ nhiên sếp vẫn phải tạo cơ hội hoặc hỗ trợ đào tạo cho nhân viên mới, nhưng khi qua giai đoạn quen việc thì sếp của bạn kỳ vọng bạn sẽ tự trui rèn bản thân mình để trở thành một chiến binh thực thụ.
Nếu bạn muốn thành công hơn, hãy làm cho công việc của sếp bạn dễ dàng hơn. Nếu anh ấy đang gặp khó khăn với một vấn đề nào đó, hãy đề xuất giải pháp hoặc đưa ra suy nghĩ của bạn. Nếu anh ấy quá bận bịu không có thời gian trao đổi trực tiếp với toàn bộ nhân viên của mình, hãy là người chủ động chia sẻ với anh ấy các khó khăn của anh em nhân viên. Nếu anh ấy đang vắt óc suy nghĩ về việc nâng cao hiệu suất của toàn đội, hãy là một trong những ngôi sao để làm gương cho các anh em khác. Nếu anh ấy cần một người để tham gia vào một dự án mới, hãy xung phong trở thành một trong những người đầu tiên đứng cùng chiến tuyến với anh ấy.
Trong công việc hiện tại tôi khởi đầu là một chuyên viên phát triển nội dung. Lương lúc đó cũng bình thường, đủ sống. Nhưng tôi nỗ lực phấn đấu làm những việc vượt ngoài trách nhiệm của mình để cáng đáng thêm cho sếp tôi những việc anh ấy đang phải lo liệu. Thế là sau 3 tháng, anh quyết định thăng chức cho tôi thành Quản Lý Sản Phẩm và tăng cho tôi 30% lương. Không ngừng lại ở đó, tôi tiếp tục nỗ lực học thêm các kỹ năng quản lý và trong vòng 6 tháng tiếp theo tôi được thăng chức lên thành Giám Đốc và mức lương cũng tăng lên gấp đôi.
Hay một ví dụ khác là tôi có một bạn nhân viên còn khá trẻ nhưng là hiện thân của tư duy đầu tiên này. Từ ngày tôi tuyển bạn ấy vào, tôi cảm thấy rất an tâm khi có bạn nhân viên ấy trong nhóm. Nếu nói trước khi bạn này vào nhóm thì điểm số đang ở mức 6 thì bạn ấy đã giúp tôi nâng điểm số của nhóm lên tới mức 8. Dĩ nhiên tôi không có cách nào khác là phải tăng lương cho bạn để tương xứng với năng lực của bạn. Và đó chính là cách để bạn thành công hơn trong công việc: hãy giúp cho công việc của sếp bạn dễ dàng hơn.
#2: Công ty trả bạn 1 triệu thì hãy làm như thể được trả 10 triệu
Ngày tôi được cất nhắc lên chức quản lý, tôi từng nói với sếp tôi thế này: “Quan điểm trong công việc của em là ‘Em không quan tâm công ty trả em bao nhiêu tiền. Công ty trả 1 triệu thì em phải làm như thể được trả 10 triệu. Nếu trả 10 triệu thì phải làm như thể được trả 100 triệu.’” Và cho đến tận ngày nay tôi vẫn luôn nỗ lực hết sức để giữ đúng lời hứa này với sếp của tôi.
Có một số bạn trẻ bây giờ đi làm rất hay nói, nhưng lúc nào cũng chỉ là nói mà thôi, còn tới khi làm thì cứ xìu xìu ển ển. Giao một chút chuyện thì ngại khó. Giao thêm việc thì bảo là bận lắm. Bảo học thêm cái này, cái kia thì nói rằng không có khả năng.
Nếu bạn đang có tư duy trả 1 triệu mình làm đúng bằng 1 triệu thì hãy bỏ ngay tư duy ấy đi. Bạn sẽ chẳng bao giờ thành công nổi trong công việc nếu vẫn giữ tư duy ấy đâu. Và nếu bạn đang có tư duy trả 1 triệu mình làm 500 ngàn thôi thì lại càng phải bỏ ngay lập tức, vì lúc ấy bạn đang hạ thấp danh phẩm của mình rồi đấy.
Có lẽ bạn sẽ hỏi tôi: “Nhưng nếu vậy lỡ bị người ta bóc lột thì sao?”
Câu hỏi rất hay, nhưng có điều nó chỉ thể hiện rằng bạn quá toan tính và không biết nhìn thấy cái lợi lâu dài. Khi bạn áp dụng tư duy này, có hai điều bạn sẽ nhận lại được đó là:
- Cơ hội để tìm ra chính mình.
Khi mới khởi đầu trên con đường sự nghiệp của mình, hầu hết chúng ta đều chưa định hình rõ ràng được chúng ta là ai và chúng ta muốn gì. Chỉ có một số ít người may mắn tìm ra được mình là ai kể từ khi còn rất trẻ. Còn lại đối với hầu hết mọi người thì đó là một cuộc hành trình.
Và cách hay nhất để tìm ra chính mình đó chính là dấn thân vào công việc. Mahatma Gandhi đã từng nói rằng: “Cách hay nhất để tìm ra chính mình đó chính là quên mình đi trong công việc và khi phụng sự người khác.”
Vậy nếu bạn chỉ tạo ra giá trị đúng bằng những gì người khác trả cho bạn, bạn đã mất đi một cơ hội để tìm ra mình là ai. Nhưng nếu bạn sẵn sàng làm hơn những gì người khác trả cho bạn, bạn sẽ có cơ hội để dấn thân trong công việc. Và khi ấy bạn trao cho bản thân mình một cơ hội để hiểu hơn mình là ai và mình muốn gì.
- Cơ hội để trở thành một người có giá trị hơn.
Bạn nghĩ rằng bạn sẽ lỗ khi làm nhiều hơn số tiền người ta trả cho bạn? Đúng vậy, nếu xét về mặt trao đổi vật chất. Nhưng có một thứ còn quan trọng hơn sự trao đổi vật chất đó chính là cơ hội để trở thành một người có giá trị hơn trong tương lai.
Nếu bạn dấn thân làm nhiều hơn, bạn học được nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Và khi một cơ hội cho một công việc tốt hơn xuất hiện, bạn đã đủ giá trị để đáp ứng cho công việc mới ấy. Nhưng nếu bạn không dấn thân ngay từ đầu, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể chạm đến được cơ hội mới ấy cả.
Nếu bạn là người đủ thông minh, bạn sẽ thấy rằng bạn chẳng lỗ một chút nào cả nếu đón nhận tư duy này.
#3: Sự học như con thuyền ngược dòng nước, không tiến ắt sẽ lùi
Kỹ năng tự học được đánh giá là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Ấy vậy mà có người đi làm cả 2-3 năm trời vẫn chỉ quanh quẩn bao nhiêu đó kỹ năng. Tuyệt nhiên không thể hiện bất kỳ sự phát triển hay tiến bộ nào trong kỹ năng công việc cả.
Cũng như một chiếc lưỡi cưa vậy. Nếu bạn dùng lưỡi cưa để đốn cây mỗi ngày thì đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ gặp khó khăn rất nhiều để đốn ngã được một cái cây. Nhưng nếu mỗi ngày bạn dành 15 phút để mài lưỡi cưa thì năng suất của lưỡi cưa vẫn sẽ được duy trì như ngày đầu tiên nó được sử dụng.
Khi tất cả mọi người đều đang nỗ lực học tập để tiến lên, thì bạn lại cho phép mình ăn chơi hưởng thụ. Khi tất cả mọi người dành dụm tiền bạc để học các khóa học kỹ năng khác nhau, thì bạn lại dành dụm tiền bạc để mua món này món kia. Khi tất cả mọi người đọc sách để bổ sung kiến thức và kỹ năng, thì bạn lại chúi đầu vào những quyển sách ngôn tình rẻ tiền. Khi tất cả mọi người chong đèn để học thêm một kỹ năng nào đó, thì bạn lại chăn êm nệm ấm và lướt Facebook.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng được sếp giao cho vị trí Product Manager (quản lý sản phẩm) tại UBrand. Thật sự quãng thời gian ấy là một sự thử thách không hề nhỏ với tôi bởi vì kiến thức và kỹ năng của tôi trong công việc này gần như bằng 0 (tôi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, chẳng liên quan gì đến công nghệ cả). Nhưng tôi có một niềm tin rằng: “Con người có thể học để làm được hầu hết tất cả mọi thứ.” Chính vì vậy tôi lao vào nghiên cứu các quyển sách tốt nhất về quản lý sản phẩm, tự học về lập trình, tự học về trải nghiệm người dùng, tự học sử dụng các phần mềm thiết kế giao diện v.v Ngày hôm nay, tôi chẳng dám vỗ ngực tự hào tôi đã tinh thông nghệ thuật quản lý sản phẩm, nhưng ít nhất tôi cũng thấy rằng nếu không có khả năng tự học thì tôi đã không đạt được những gì mình đang có ngày hôm nay.
Nói tóm lại, đi làm mà chỉ dậm chân tại chỗ suốt mấy năm trời thì bạn đừng hỏi vì sao mình chẳng bao giờ được thăng tiến hay được trao nhiều quyền lợi hơn. Chẳng có cái gì là tự nhiên hết. Người ta sẽ chỉ trao cho bạn nhiều hơn nếu bạn là người có giá trị hơn mà thôi. Cuộc sống này rất công bằng ở điểm đó.
Lời kết
Những gì tôi chia sẻ với bạn là ba tư duy cốt lõi mà tôi áp dụng triệt để trong công việc của mình hiện tại cũng như là ba tư duy mà tôi tìm kiếm ở những người cùng làm việc với tôi. Nếu bạn tin rằng mình xứng đáng có được nhiều hơn những gì bạn đang có, bạn phải làm những thứ trước giờ bạn chưa bao giờ làm. Và ba tư duy này sẽ là cộng sự đắc lực cho bạn trong con đường thăng tiến sự nghiệp của bạn.
Chúc bạn thành công.
Đinh Hải Đăng
No responses yet