Đinh Hải Đăng

Xưa có Chí Phèo than rằng: “Tao muốn lương thiện! Nhưng ai cho tao lương thiện?”

Thời nay có sinh viên ca cẩm: “Tôi muốn kinh nghiệm! Nhưng ai cho tôi kinh nghiệm?”

Mấy hôm nay trên mạng có bài viết tựa đề là “Thư đáp trả nhà tuyển dụng khiến dân mạng… choáng” (tạm thời ta không bàn đến dân mạng là đứa nào ở đây, vì hiện tại khoa học chưa chứng minh được). Chúng ta chỉ bàn tới phần thư đáp trả và thái độ của người viết thư này.

Cá nhân tôi đọc bài viết này mà thấy đáng lo quá mức. Trong tôi là cảm giác buồn và thất vọng vì không ngờ nhận thức của các bạn sinh viên kém đến vậy. Tôi hiểu nỗi bức xúc của bạn khi xin việc ở nhiều nơi nhưng bị từ chối. Tôi hiểu cảm giác bị đè nặng bởi cơm áo gạo tiền, bởi ra trường có tấm bằng ĐH (hoặc CĐ) mà không xin được việc làm, tôi hiểu cảm giác mọi người thúc giục bạn tìm được công việc… Tôi hiểu! Nhưng đó không thể nào là lời biện hộ để bạn bám víu vào đó và đổ hết tội lỗi hoàn cảnh của mình lên một thứ nào khác ngoại trừ chính mình.

Một, xét về cách trả lời mail cho nhà tuyển dụng, bạn sinh viên này đã thể hiện một thái độ không tôn trọng và thái độ tiêu cực với người khác. Sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một người như bạn ấy cả. Ăn không được thì đạp đổ. Sẵn sàng nói những lời lẽ không hay ho với một người khác mà không nghĩ đến hệ quả của mình. Bạn sinh viên này tôi nghĩ tương lai chắc sẽ gặp nhiều khó khăn lắm, bởi vì thái độ của bạn mặc định là một thái độ thù địch với nhà tuyển dụng rồi. Nếu bạn không thay đổi thì chắc chắn bạn sẽ còn gặp những nghịch cảnh tương lai sắp tới. Ngoài việc thái độ ra, còn một lỗi chết người là bạn viết mail sai lỗi, sai dấu, viết tắt đủ hết. Viết email là một trong những kỹ năng căn bản nhất mà đáng lẽ các bạn sinh viên cần phải biết ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng thật đáng tiếc là thời tôi học ĐH tôi cũng rất ít thấy bạn nào viết được một cái email cho ra hồn. Tôi nghĩ đâu có khó gì lắm nếu bạn chịu khó google một chút: “Cách viết email như thế nào cho đúng?” chẳng hạn. Tôi còn nhớ thời năm nhất khi mới bắt đầu đi làm, tôi không biết viết email như thế nào cho đúng nên những ngày đầu làm việc tôi rất ít khi xài email. Tuy nhiên, tôi lại quan sát rất kỹ cách mà các anh chị đồng nghiệp và sếp của tôi gửi email. Tôi phân tích từng email một để phát hiện ra nguyên tắc đằng sau việc viết email, và chẳng mấy chốc sau 1 tuần tôi đã có thể viết email rành mạch và hiệu quả. Thậm chí cho đến bây giờ khi giao tiếp với người khác, tôi vẫn luôn để ý cách họ viết email để xem có thể học được và tinh chỉnh cho cách viết của tôi hay không. Thế đấy, đâu có khó gì, và hồi đó tôi cũng chỉ mới là sinh viên năm nhất như các bạn ấy mà thôi. Nhưng tôi cá 1 điều, tôi thông minh và chủ động hơn các bạn ấy nhiều. Các bạn ấy thụ động và ù lì quá. Bởi vậy, đừng trách người ta, trách mình trước đi bạn tôi ạ.

Thứ hai, cái này quan trọng hơn và là một chủ đề nóng bỏng. Kinh nghiệm. Một nỗi đau nhức nhối của hàng trăm ngàn sinh viên đi xin việc.

“Tại sao công ty nào cũng đòi 2 năm kinh nghiệm trong khi em mới ra trường?” – đây là câu hỏi của một bạn nữ trong diễn đàn Ngày Hội Sáng Tạo Vì Khát Vọng Việt vào 2 năm trước. Ngày đó tôi là sinh viên năm 3, ngồi ở dưới tôi thấy bạn vừa hỏi vừa khóc một cách rất tức tưởi. Tôi chỉ thở dài. Vì ngày ấy tôi đã có hơn 2 năm kinh nghiệm đi làm ở nhiều công việc và lĩnh vực khác nhau rồi. Tôi nghĩ các bạn thật quá vớ vẩn khi đặt câu hỏi đó, trong khi không chịu đặt một câu hỏi khác hơn: “Tại sao vẫn có những bạn sinh viên trước khi ra trường đã có việc làm?” “Tại sao có sinh viên ngay từ khi ngồi ghế nhà trường đã kiếm được ngàn đô?” Bạn chỉ chăm chăm đi tìm lỗi và đổ lỗi, trong khi bạn không dám đối diện với sự thật rằng bạn quá kém cỏi và thiếu chủ động. Bạn không đủ quyết liệt và quyết tâm để trang bị cho mình những thứ cần thiết ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Tôi cảm thông cho bạn, nhưng tôi không thể nào thông cảm cho sự thụ động của bạn được.

Ngay lúc này đây khi viết những dòng này, tôi đang ngồi ở quán Urban Station trên đường Tô Hiến Thành. Và những bạn phục vụ ở đây đều là sinh viên. Nhưng ở những bạn này có một sự khác biệt rất lớn so với các bạn sinh viên cùng tuổi. Các bạn phục vụ đầy chuyên nghiệp. Các bạn quan tâm đến khách hàng. Các bạn lễ phép. Các bạn mang lại dịch vụ chất lượng cao nhất. Các bạn học hỏi và chuẩn bị cho những năm tháng tương lai của mình. Trong số những bạn phục vụ ở đây, có một bạn nữ mà khi nhìn cung cách bạn phục vụ, tôi biết là bạn có tài năng trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Sau này, nếu bạn có thăng tiến xa trong lĩnh vực này tôi cũng không lấy gì làm lạ. Mà nói vui, sau này nếu tôi muốn mở một quán cafe thì tôi sẽ mời bạn này cộng tác và làm quản lý cho bộ phận phục vụ cho quán của tôi không chừng.

Các bạn thấy đấy, một công việc phục vụ sẽ chỉ là phục vụ nếu bạn coi nó là công việc phục vụ. Nhưng nếu bạn coi nó là một cơ hội học hỏi thì bạn sẽ làm khác đi rất nhiều. Và đó chính là kinh nghiệm đấy. Đó chính là cơ hội để bạn nâng cao khả năng của mình đấy. Đó chính là cái để bạn viết vào CV đấy.

Tôi còn nhớ hồi năm nhất khi bắt đầu công việc part-time đầu tiên của mình, lương của tôi là 500 ngàn đồng/tháng. Tôi chẳng màng số lương đó. Tôi nhận lời cái rụp. Và tôi nỗ lực làm tốt nhất có thể, tôi học hết tất cả mọi thứ tôi muốn học trong môi trường đó. Một tháng sau, sếp tăng gấp 3 lương cho tôi. Có thể khoản tiền nhỏ nhặt thôi, nhưng nó là kết quả của sự chủ động và nỗ lực trong công việc. Tôi đâu có màng lương thấp. Cái tôi quan tâm là tôi học được gì? Công việc đó cho tôi được cơ hội học tập gì? Công việc ấy mang lại kinh nghiệm gì cho tôi? Nếu bạn tiếp cận công việc với tư duy như vậy, tôi đảm bảo rằng bạn thừa kinh nghiệm sau khi ra trường để chứng minh cho nhà tuyển dụng.

Tôi viết bài này, một phần là để chê trách những bạn thiếu chủ động và ù lì trong hành động, một phần là để nói cho bạn biết rằng bạn hoàn toàn có cơ hội để thay đổi mọi thứ ngay từ bây giờ. Nếu người khác đã từng làm được, thì chắc chắn bạn cũng có cơ hội để làm điều đó. Ăn thua là ở phía bạn mà thôi, đừng đi trách cứ bất kỳ ai hết. Hãy thôi ăn vạ như Chí Phèo đi, và lao vào hành động quyết liệt đi bạn ạ.

Đinh Hải Đăng

Tags

2 Responses

  1. Mình muốn tham gia trải nghiệm cũng như các ý kiến của các bạn khi tham gia diễn đàn này.

Chia sẻ cảm nhận