[Bài viết này nằm trong chuỗi bài viết Coach Yourself To Success (Tự Huấn Luyện Mình Đến Thành Công) được đăng vào mỗi tối thứ ba hàng tuần trên blog của Đinh Hải Đăng. Mục đích của chuỗi bài này là chia sẻ những khái niệm, thông tin hữu ích, các phương pháp giúp bạn trở thành một con người tốt hơn mỗi ngày. Những bài viết này đều đã được tôi trải nghiệm và thực hành qua trước khi chia sẻ lại cho bạn. Và tôi cũng như bạn, đang trên hành trình vươn đến thành công của riêng tôi, cho nên tôi rất hân hạnh khi có bạn cùng tham gia với tôi trên chặng đường này.]

Chào bạn,

Hiện tại tôi đang thực hiện thử thách có tên gọi Thử Thách 30 Ngày Không Than Vãn. Bây giờ đã 7 ngày trôi qua không một lời than vãn, và tôi tin rằng mình sẽ tiếp tục tiến đến những ngày tiếp theo. Hôm nay tôi muốn chia sẻ lại cho bạn và mong muốn rằng bạn cũng dám đón nhận thử thách này.

Có một câu nói rằng hãy thử đi qua 24 giờ mà không than vãn, và sau đó hãy xem cuộc đời của bạn thay đổi như thế nào.

Không than vãn

Thử thách này nằm trong quyển sách có tên Supercoach (Siêu Huấn Luyện Viên) mà tôi đang đọc. Nguyên bản của nó chỉ có 7 ngày. Trong một quyển sách khác thì thử thách này được đẩy lên 21 ngày. Cho nên tôi quyết định chấp nhận thử thách này trong 30 ngày luôn để thách thức giới hạn của mình.

Chấp nhận thử thách

Vì sao lại có thử thách này?

Bản chất của chịu trách nhiệm 100%

Trước khi nói về thử thách này, chúng ta cần bàn một chút đến cái gọi là chịu trách nhiệm 100%.

Nếu bạn đọc bất kỳ quyển sách về kỹ năng, phát triển bản thân, kinh doanh, kinh tế nào thì ở đâu đó bạn cũng sẽ thấy tư duy chịu trách nhiệm 100% xuất hiện. Lý lẽ đằng sau nó là: “Bất cứ điều gì xảy ra hiện tại trong cuộc đời tôi, hay những thứ sẽ xảy ra, đều là do lựa chọn và quyết định của tôi. Không bất kỳ một ai hay một thế lực nào tạo nên cuộc sống của tôi.”

Một sự thật đó là hầu hết chúng ta đều bị lập trình để đổ lỗi cho ngoại cảnh hay một người nào đó. Tôi nghĩ rằng nó xuất phát từ khi ta còn bé, khi bố mẹ chúng ta do quá bảo bọc con cái nên đôi khi giải thích cho con hiểu rằng: “Tại cái này, cái kia…” mà tuyệt nhiên không nói rằng: “Đây là tại con…”

Khi ta lớn lên, mô thức này đi theo chúng ta. Chúng ta đổ lỗi cho trường lớp, cho thầy cô, cho bạn bè, cho gia đình, cho xã hội, cho nền giáo dục, cho sếp, cho công ty, cho đồng nghiệp, cho cộng đồng, cho nền kinh tế… Và tuyệt nhiên có một người duy nhất chúng ta không đổ lỗi đó là bản thân chúng ta.

Người chịu trách nhiệm 100% hiểu rằng: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “muốn người khác thay đổi, mình phải thay đổi trước”, hay “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”.

Không than vãn giúp ta chịu trách nhiệm cho đời mình

Và đó là lý do ra đời của thử thách 30 Ngày Không Than Vãn. Mục đích của nó là giúp cho bạn lấy lại được sức mạnh của sự chịu trách nhiệm, sức mạnh của sự lựa chọn và sức mạnh của ngôn từ bản thân. Cho phép tôi được giải thích rõ hơn suy nghĩ của mình:

1. Khi ta chấp nhận sự thật rằng mọi hoàn cảnh mà mình mong muốn đều chỉ có thể tạo ra nhờ sự chủ động của ta, ta lấy lại được quyền lực tuyệt đối của mình, đó là sự lựa chọn.

Khi bạn ngừng than vãn, bạn bắt đầu tự hỏi mình: “Nếu như mình không than vãn bây giờ, thì mình sẽ có thể làm gì đây?” Ngay giây phút mà bạn hỏi câu hỏi này, bạn bắt đầu hiểu rằng mình có quyền lựa chọn một phản ứng khác thay vì phản ứng thông thường của mình là đổ lỗi.

Ở giữa kích thích và phản ứng chính là sự lựa chọn. Và chúng ta hoàn toàn có quyền được lựa chọn khác đi, bất kể là chúng ta đang ở đâu đi nữa. Chính bản thân chữ chịu trách nhiệm (responsibility) nếu như ta tách nó ra thì tự nó đã nói lên rằng response (phản hồi) và ability (khả năng), nghĩa là có khả năng phản hồi với hoàn cảnh theo cách mà mình mong muốn.

Một trong những vị huấn luyện viên mà tôi tôn kính nhất là John Wooden từng nói rằng: “Đừng để những gì bạn không làm được ảnh hưởng đến những gì bạn có thể làm được.” Nghĩa là nếu như bạn không thể thay đổi được ngoại cảnh, thay đổi được nền giáo dục, kinh tế, xã hội, con người xung quanh thì thứ duy nhất bạn có thể thay đổi chính là bên trong bạn.

what you cannot do

Khoảng hơn 1 năm rưỡi trước, tôi rơi vào một giai đoạn tồi tệ nhất cho đến thời điểm hiện tại của cuộc đời mình. Lúc ấy, tôi đã quên đi cái gọi là chịu trách nhiệm 100%. Tôi lựa chọn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho con người đã đẩy tôi tới tình trạng như vậy. Nhưng đáng tiếc là chẳng có gì thay đổi cả khi tôi làm như vậy. Cho đến khoảng hơn nửa năm trở lại đây, tôi nhận thấy rằng cứ tiếp tục như vậy thì mọi thứ cũng không hề thay đổi. Cùng với tác động của một người bạn vào thời điểm ấy, tôi hiểu rằng đã đến lúc thôi ngừng đổ lỗi, đã đến lúc ngừng than phiền về hoàn cảnh của mình, và đã đến lúc lấy lại quyền năng tuyệt đối của mình.

Và bây giờ tôi ngồi đây, viết lại những dòng này, từ chính trải nghiệm của mình để chia sẻ với bạn rằng mọi thứ chưa hề là quá muộn. Bạn vẫn có thể bắt đầu lại từ đầu, kể từ giây phút bạn bắt đầu chấp nhận sự thật rằng mình phải chịu trách nhiệm 100% cho cuộc đời mình, mọi thứ sẽ hoàn toàn thay đổi.

2. Ngôn từ có một sức mạnh rất khủng khiếp. Nếu trong kho tàng từ vựng của ta không còn những ngôn từ đánh mất sức mạnh (disempowering words) của ta mà chỉ còn lại những ngôn từ của sự chủ động (empowering words), chất lượng cuộc sống của chúng ta được nâng lên.

Mỗi ngày chúng ta tự nói với bản thân từ 8,000 – 10,000 từ. Mà bạn thử tưởng tượng xem nếu đa phần trong số đó là những từ ngữ đánh mất sức mạnh thì cuộc sống của ta sẽ ra sao? Mà nguy hiểm hơn nữa, đây là những từ ngữ mà chúng ta nói trong vô thức chứ không phải là ý thức. Mà vô thức thì nó khủng khiếp hơn ý thức rất nhiều lần.

Bên cạnh đó, những gì bạn nói ra sẽ trở thành một nguồn thông tin quay ngược lại bạn. Và chất lượng nguồn thông tin bạn dung nạp vào sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.

Giả sử như trong vốn từ vựng của bạn chỉ luôn có những ngôn từ của sự chủ động thì sao? Giả sử như bạn luôn thường xuyên nói với mình những từ ngữ như: phải làm được; tôi sẽ biến nó thành hiện thực; tôi lựa chọn không bỏ cuộc; tôi phải là người đi đến cuối con đường; tôi chịu trách nhiệm cho đời mình;… thì chất lượng cuộc sống của bạn sẽ như thế nào?

Lại trích dẫn huấn luyện viên John Wooden một lần nữa. Từ bé, cha của ông đã dạy cho ông một bộ luật ba nguyên tắc như sau:

  1. Đừng than thở (Don’t whine)
  2.  Đừng phàn nàn (Don’t complain)
  3.  Đừng biện hộ (Don’t make excuses)

Nhờ sự giáo huấn đó mà huấn luyện viên John Wooden không cho phép những cầu thủ bóng rổ của mình sử dụng những ngôn từ khiến cho họ đánh mất quyền chủ động của mình. Nhờ vậy mà ông đi vào lịch sử của làng bóng rổ Mỹ như một huyền thoại. Và hầu hết những cầu thủ từng được trải qua sự huấn luyện của John Wooden đều công nhận rằng họ được như ngày hôm nay là nhờ sự khắt khe cũng như sự kỷ luật đối với việc chịu trách nhiệm cho mọi chuyện của huấn luyện viên John Wooden.

Vì vậy bạn hãy chú ý đến ngôn từ của bạn. Nếu không nó sẽ là kẻ hủy diệt giấc mơ thầm lặng của bạn đấy.

Trải nghiệm chịu trách nhiệm 100%

Phần này được dịch lại trong bài viết “Taking 100% Responsibility for Your Life” của Jack Canfield

Bạn hãy trả lời từng câu hỏi dưới đây một cách chân thực nhất có thể. Thậm chí nó còn mạnh mẽ hơn nếu như bạn để cho người khác hỏi bạn những câu này và làm chứng cho câu trả lời của bạn.

  1. Một hoàn cảnh khó khăn hay thử thách trong cuộc sống hiện tại của bạn là gì?
  2. Bạn là người tạo ra nó hay cho phép nó xảy ra?
  3. Bạn đang giả vờ không biết điều gì?
  4. Ích lợi của việc giữ cho hoàn cảnh này tiếp tục như vậy là gì?
  5. Thay vì vậy, bạn muốn gì?
  6. Những hành động nào bạn sẽ thực thi để tạo ra nó?
  7. Khi nào thì bạn sẽ thực thi hành động ấy?

Thử Thách 30 Ngày Không Than Vãn

Còn bây giờ là thử thách cực kỳ khó. Nếu bạn là một người đam mê thử thách thì tôi tin đây sẽ là một thử thách khó nhất từ trước tới giờ mà bạn từng thực hiện. Cho đến hiện tại tôi đã thất bại 2 lần rồi đấy. Bạn có thể xem quá trình của tôi trong hình dưới:

30 ngày không than vãn

Còn nếu bạn ngại sự khó khăn, sự thử thách, và sợ bước khỏi vùng an toàn của mình thì tôi khuyên bạn không nên đón nhận thử thách này, bởi vì bạn chưa thật sự sẵn sàng bây giờ đâu. Đừng thực hiện thử thách này cho vui. Đây là một thử thách đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm, nỗ lực và kỷ luật thép với chính mình đấy.

Vậy bây giờ bạn đã sẵn sàng chưa? Tốt, vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu như sau:

Bước 1: Bạn có thể tìm một chiếc vòng tay cao su có màu mà các em tuổi teen hay xài, hoặc vòng tay, hoặc nhẫn cũng được. Hãy đeo nó vào bên tay mà bạn thích nhất.

Bước 2: Bắt đầu Thử Thách 30 Ngày Không Than Vãn

Bước 3: Mỗi khi bạn nhận thấy mình đang than vãn, phàn nàn thì bạn phải đổi vật bạn đang đeo sang tay bên cạnh và bắt đầu lại từ ngày 0.

*Để cho rõ hơn, tôi định nghĩa than vãn đó là những điều như: chỉ trích, than phiền, suy nghĩ tiêu cực, than thở,… Nói chung lời than vãn là: bất kỳ điều gì miêu tả một người hay một hoàn cảnh theo một cách tiêu cực mà không nêu ra giải pháp để giải quyết tình huống này.

Nếu như bạn miêu tả tiêu cực nhưng sau đó có đưa thêm giải pháp thì không tính là than vãn. Ví dụ: Cái người này thật khó tính. Nhưng nếu là mình, có thể mình cũng hành xử như vậy. Để lần sau mình thử cười với người này xem sao. Cái này không tính là than vãn. Nhưng bạn nhớ là lần sau phải cười với người này thật bạn nhé.

Bước 4: Ghi chú số ngày bạn đã trải qua, sau mỗi 10 ngày không than vãn bạn hãy tự thưởng cho chính mình vì đã vượt qua được một thử thách không hề dễ dàng chút nào.

Bước 5: Xem cuộc đời bạn thay đổi một cách đột biến như thế nào

Còn bây giờ, tôi hỏi lại bạn một lần nữa, bạn có dám chơi hay không?

Tags

17 Responses

  1. em dám chơi 😀 …em đang chơi 10 ngày k tin tiêu cực từ 7/9=>17/9..còn một tuần nữa.Sau đó chiến tiếp 30 ngày k than vãn.Cảm ơn anh nhiều ạ :)))

  2. Anh ơi, ngày đầu tiên quýêt định tham gia thử thách, e đổi vòng tay hơn chục lần, điều này có thường gặp không anh? Bây giờ e mới biết thói quen than vãn của mình nặng vậy, em đang quýêt tâm thay đổi thói quen này.

    • Chào em,

      Đó là chuyện bình thường em ạ. Một thói quen, và đặc biệt là thói quen tiêu cực thì nó đã theo mình từ rất lâu rồi. Nhưng bước đầu tiên là mình ý thức về nó (bằng cách làm thử thách này) và sau đó dần dần mình sẽ phá vỡ mô thức của nó để tạo nên thói quen mới.

      Chúc em sớm thành công.

  3. e đang ôn thi mà không có động lực gì cả, lang thang trên mạng va tìm được bài này, nó thực sự tạo động lực cho e. e đọc xong và quyết định thực hiện luôn từ bây giờ…
    a có thể tư vấn cho e một số quyển sách hay được không ạ?
    cám ơn a.hi

  4. Em không hay than vãn nhưng em có một tính xấu thế này…là chẳng biết làm gì và hay buồn chán..
    Nhưng dù sao, e cũng sẽ tự thử thách chính mình tới 30 ngày lận mà. 🙂
    Thank anh về bài viết này nha!

  5. Em thấy đây là thử thách rất hay, em sẽ bắt đầu thử thách này ngay bây giờ, No complains.
    Cảm ơn anh về bài viết đầy giá trị này.
    Thật ra là em thấy dạo này em đang đổ lỗi, phàn nàn và suy nghĩ ttiêu cực rất nhiều, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, phàn nàn cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Thôi thì, em sẽ ngừng ngay những điều tiêu cực ấy và chấp nhận thử thách này của anh. Từ 08/05 đến 18/05, Like câu “Go 24 hours with complaining (not even once), then watch how your life starts changing.
    Thanks anh 🙂

    Regards,

    Tuyền Nguyễn

    • À vậy hẹn 1 tháng nữa anh sẽ chờ em quay lại và chia sẻ về thành quả của mình cho anh biết nhé. Hi vọng sẽ được nghe tin tốt lành từ em 🙂

Chia sẻ cảm nhận