Đinh Hải Đăng
Nguồn: Đọt Chuối Non
Chào các bạn,
Mỗi người chúng ta sinh ra là để làm việc gì đó trong đời. Người ta nói việc đó đã được tiền định, hoặc do nhân duyên kiếp trước hoặc là ý chúa hoặc là cái gì đó trong gien của ta. Điều đó gọi là “tiếng gọi” (calling), tiếng kêu đưa ta vào con đường đặc biệt của riêng ta.
Nhiều người đang say mê điều họ làm từng giây đồng hồ sẽ xác nhận với bạn là họ đang làm điều họ được sinh ra để làm, vì họ cảm thấy thật sự say mê và hạnh phúc, dù điều đó đôi khi có thể mang đến biết bao là gian nan khổ ải.
Khi đã tìm ra được tiếng gọi trong lòng, tìm ra được sứ mệnh của mình rồi, mọi sự thành dễ dãi—tiền bạc, danh tiếng, thành công, thất bại… không thành vấn đề. Cứ mỗi ngày làm theo tiếng gọi, phục vụ sứ mệnh của mình, thì chuyện gì khác cũng đều trở thành không quan trọng. Chính vì thế mà có những người đã sẵn lòng mất tất cả, kể cả sinh mạng mình, chiến đấu cho tổ quốc, hay vào những khu rừng hẻo lánh để truyền đạo cho thổ dân ăn thịt người, hay hy sinh vượt mọi gian khổ để trở thành ca sĩ… Liếc mắt điểm nhanh qua chuyên mục Chứng Nhân của Đọt Chuối Non ta có thể nhận ra sự tập trung dữ dội vào sứ mệnh của mình của những người đã tìm ra tiếng gọi— Cô giáo Thùy Trâm, chị Nguyễn Thị Tiến tìm xác đồng đội, Robert Poduna trầm lặng trên đồi Buông, nhà cách mạng Y Ngông Niê Kdăm, Cô giáo Huỳnh Huệ, ca sĩ Thủy Tiên, Nguyễn Hữu Vinh lưu đày trên đảo xanh, Bùi Văn Toản ghi dấu tù nhân Côn Đảo.
Bí mật thành công là tìm được tiếng gọi trong lòng mình.
Nhưng, ngoại trừ một thiểu số may mắn nghe được tiếng gọi, đối với đa số người trên thế giới, tiếng gọi đó luôn luôn là một bí mật.
Tức là, bí mật thành công là tìm được tiếng gọi luôn luôn bí mật đó.
Nhưng đã là bí mật thì không thể bật mí được.
Đó là vấn đề của đại đa số người, và vì thế mà đa số chúng ta thường cảm thấy đi qua cuộc đời như bèo dạt mây trôi, đời đẩy đến đâu trôi đến đó, chứ cũng chẳng biết sứ mệnh mình là gì.
Nếu bạn là một trong những người như thế thì, chào mừng bạn bước lên thuyền (cho cùng hội cùng thuyền)!
Những người đã nghe tiếng gọi đều xác nhận một điều là họ luôn luôn có thôi thúc trong lòng về một chuyện nào đó, không bỏ qua được. Thôi thúc có nhiều hình thức—khi thì ồ ạt như đại dương, khi thì nhẹ nhàng như gió thoảng, nhưng điều giống nhau là thôi thúc luôn có mặt ở đó, luôn rỉ rả ngày này qua tháng nọ trong lòng, không trả lời nó thì không xong.
Để mình chia sẻ với các bạn kinh nghiệm riêng của mình. Từ năm 17 tuổi, mình đã có một câu hỏi trong đầu: “Làm thế nào để Việt Nam ra khỏi chiến tranh đói nghèo và thành cường thịnh?” Câu hỏi này chẳng có gì ồ ạt cả, nhưng nó cứ ở đó trong đầu ngày đêm, không chịu tắt công-tắc, rất phiền toái. Vì vậy mình nghiên cứu đủ thứ môn trên trời dưới đất để tìm câu trả lời—luật, tâm lý học, kinh tế học, chính trị học, triết học, thánh kinh…. hằng mấy chục năm không nghĩ. Rất nhiều khi rất bực mình vì chẳng tập trung tâm trí vào việc gì khác được… Và trong bao nhiêu năm mình chẳng hề nghĩ đến tiếng gọi của mình là gì, luôn luôn cảm thấy như mình chẳng có tiếng gọi gì ráo, vì làm nghề gì thấy cũng trống trải. Mãi cho đến những năm về sau này mình mới “ngộ” ra là mình đã có một tiếng gọi cả mấy mươi năm mà không thấy… tức là làm gì mà giúp được quê mẹ một tí thì mình vui, còn không thì làm bất kì việc gì trên đời cũng thấy trống trải.
Có lẽ là nhiều người chúng ta có những thôi thúc tương tự, nhưng ta không biết rằng đó là tiếng gọi của mình, có lẽ vì ta không để ý đến nó, hoặc là bị những cái ồn ào khác trong đời sống bận rộn hàng ngày lấn át, làm ta không nghe được nó. Nhưng có lẽ cách dễ nhận ra nhất là ta không vui với việc ta đang làm. Cảm thấy trống trải và vô nghĩa. Đó rất có thể là dấu hiệu ta đang có một tiếng gọi bên trong mà chưa nghe được, và chưa bắt tay với nó được.
Thường ta hay chạy theo những tiếng nói bên ngoài—bố mẹ nói học cái này tốt cái kia xấu, bạn bè nói làm việc này việc kia kiếm ra tiền lẹ—cho nên ta không nghe được tiếng gọi bên trong. Hoặc đôi khi ta nghe, nhưng chẳng buồn làm gì với nó vì ta không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại.
Mình nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy đã sống rất trọn vẹn, cho đến khi ta đã đi theo tiếng gọi trong lòng.
Trong thời gian chờ đợi, chúng ta nên làm hai điều: (1) Học và thực tập những kỹ năng tốt để xây vốn liếng, và để luôn luôn sẵn sàng cho tiếng gọi, dù tiếng gọi đó là gì. Và (2) tĩnh lặng thường xuyên để có thể nghe những tiếng nói của quả tim mình.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
No responses yet