Đinh Hải Đăng
Chào các bạn,
Gần một tháng vừa qua, tôi cố tình deactivate tài khoản Facebook của mình để tìm hiểu xem cảm giác sẽ như thế nào nếu như tôi không còn dính dáng gì nữa đến việc tương tác trên mạng xã hội. Bây giờ thì tôi đã activate lại Facebook của mình vì các lý do cá nhân và công việc, nhưng điều ngạc nhiên đó là tôi đã không còn sử dụng Facebook như cách trước kia mình đã từng sử dụng nữa.
Những gì tôi học được trong quá trình bỏ Facebook khá là thú vị, và quan trọng nhất đó chính là tôi tìm thấy một bí quyết cực kỳ hữu ích giúp cho tôi làm chủ bản thân mình, kể cả sau khi đã sử dụng lại Facebook.
Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ lại cho bạn phương pháp ấy, và một khi bạn đã hiểu được ngọn nguồn vấn đề, bạn không chỉ có một cách nhìn mới với cách bạn sử dụng Facebook, mà còn là cách bạn tương tác với hầu như tất cả mọi thứ bạn sở hữu như smartphone, tablet, laptop, PC, sổ tay, đồng hồ v.v. Nếu thành thạo bí quyết này, bạn sẽ thấy rằng mình có thể làm chủ bản thân dễ dàng hơn và có ý thức hơn rất nhiều. Vậy bí quyết ấy là gì?
Lý Thuyết “Jobs-To-Be-Done” (Việc-Cần-Phải-Hoàn-Thành)
Trong quyển sách Thước Đo Nào Cho Cuộc Đời Bạn (How Will You Measure Your Life) của tác giả Clayton Christensen, ông viết về lý thuyết việc-cần-phải-hoàn-thành của mình. Lý thuyết này nói rằng khi một khách hàng (tôi hoặc bạn) mua/sử dụng một sản phẩm nào đó, họ mua/sử dụng nó để thực hiện một công việc nhất định cho mình.
Cụ thể hơn, bạn có thể tưởng tượng rằng bạn chính là một C.E.O trong cuộc đời mình, và tất cả những sản phẩm hay dịch vụ bạn mua hoặc sử dụng là những nhân viên của bạn, từ Facebook, Twitter, Quora, Snapchat cho đến smartphone, tablet, đồng hồ thông minh, cho đến sổ tay, quyển sách, v.v. Và tất cả những sản phẩm hay dịch vụ này có một chức năng nhất định mà bạn thuê chúng thực hiện cho bạn.
Nào, hãy thử tưởng tượng nếu bạn là C.E.O, liệu bạn có thuê một người nhân viên và rồi đặt sai vị trí hay năng lực của họ không? Liệu bạn có thuê nhân viên mà không viết ra mô tả công việc và yêu cầu năng lực mà chỉ nhắm mắt thuê đại hay không? Liệu bạn có muốn nhân viên của mình làm những việc khác đi so với việc bạn thuê họ làm hay không?
Chắc chắn là không.
Và điều này cũng áp dụng tương tự với các sản phẩm và dịch vụ tôi liệt kê ở trên. Bạn cần phải hiểu và ý thức rất rõ bạn thuê chúng cho mục đích gì? Từ đó bạn mới có thể làm chủ bản thân thay vì là để chúng làm chủ bạn được.
Vận Dụng Vào Thực Tế
Sau đây tôi sẽ đưa một vài ví dụ để bạn hiểu hơn cách tôi vận dụng lý thuyết này vào thực tế.
Bạn thuê mạng xã hội làm điều gì cho bạn?
Trước khi tôi deactivate Facebook của mình, tôi thuê nó với các mục đích sau: kết nối với bạn bè, tán gẫu với bạn thân và cả những người không quen biết, xem ảnh, đọc tin tức, tham gia vào các group nội bộ, giữ kết nối với các fan page tôi thích, chia sẻ suy nghĩ của bản thân mình, chia sẻ các hình ảnh tôi chụp, marketing cho dịch vụ 20somethings Coaching của tôi, v.v.
Phải nói qua một chút về thói quen sử dụng Facebook của tôi ở đây để bạn hiểu rõ hơn. Trước đây khi chưa biết đến lý thuyết này, tôi sử dụng Facebook khá thường xuyên. Một trong những điều đầu tiên tôi hay làm buổi sáng đó là kiểm tra thông báo Facebook. Hoặc lướt qua newsfeed để coi có tin gì hay ho hay không? Và thường tôi sẽ tốn khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi trong ngày cho mạng xã hội.
Ngay khi tôi biết đến lý thuyết này và nhìn lại danh sách những việc mà tôi thuê Facebook làm, tôi cảm thấy rằng tôi đã thuê nó để làm quá nhiều thứ cho tôi. Và nếu tôi là một C.E.O, khi nhìn thấy nhân viên của mình kiêm nhiệm quá nhiều thứ, tôi biết rằng tôi đã không làm tròn vai của mình và cần phải có một vài sự điều chỉnh.
Vậy nên tôi đã sa thải anh nhân viên Facebook cũ và thuê một anh chàng mới vào. Lúc này, do có kinh nghiệm từ trước, tôi xác định rất rõ mô tả công việc của anh nhân viên mới: giúp tôi giữ được sự hiện diện của mình với những người muốn tìm đến tôi và là một trong những kênh để tôi chia sẻ các bài viết của mình.
Kể từ lúc đó trở đi, không còn những ngày tháng lướt qua newsfeed nữa, cũng chẳng còn phải kiểm tra thông báo mỗi sáng (vì tôi đã chẳng còn quan tâm đến việc ai comment, ai like nữa vì đó không phải mục đích chính của tôi), và cũng chẳng còn phải lo đến việc duy trì update status nữa, rồi rất nhiều thói quen khác đã được xóa bỏ kể từ ngày tôi áp dụng lý thuyết này vào thực tiễn. Một ngày bây giờ có khi tôi lên Facebook chưa đến 5 phút nữa. Và tôi thấy hạnh phúc hơn rất nhiều vì có thêm thời gian đẻ làm được nhiều điều khác hơn.
Vậy nên bạn hãy tự hỏi chính mình: “Mình thuê Facebook làm việc gì cho mình?”
Bạn thuê điện thoại di động của mình để làm gì?
Tôi sử dụng điện thoại di động của mình cho đa phần những việc sau: nhắn tin, gọi điện, làm việc, lướt web, chụp hình và quay phim.
Thật ra đây đã là quá nhiều việc cho một chiếc điện thoại, nhưng tôi hài lòng với mô tả công việc của anh chàng nhân viên này. Tuy nhiên, tôi lại thấy có rất nhiều người thuê điện thoại của họ làm những việc không nằm trong các chức năng chính của nó như: chơi game, chụp ảnh selfie liên tục, check Facebook mọi lúc mọi nơi, đọc tin tức suốt ngày, post hình ảnh và cập nhật status không ngừng nghỉ v.v.
Tôi không nói rằng họ làm điều này là sai. Chỉ là đây có phải là những chức năng chính mà bạn thuê điện thoại của bạn thực hiện công việc cho bạn hay không? Bất kỳ một người nào đủ thông minh cũng đều có thể nói rằng đây chắc chắn không phải là lý do mà điện thoại được phát minh.
Bạn thuê công việc của mình để làm gì?
Để kiếm tiền? Để trả nợ? Để giúp đỡ người khác? Để tạo nên sự khác biệt cho cuộc đời này?
Công việc của bạn có đang thực hiện đúng chức năng mà bạn muốn sử dụng nó hay không? Nó có đang thực hiện đúng mục đích bạn muốn hay không? Làm thế nào để bạn thuê công việc của bạn để tạo nên sự khác biệt lớn hơn đây? Bạn có đang thuê công việc của mình để tạo nên sự khác biệt hay giúp đỡ người khác không?
Làm Chủ Bản Thân Bạn
Nếu bạn là một C.E.O, bạn sẽ không muốn mất quyền kiểm soát nhân viên của mình. Và để làm được điều này, bạn phải thể hiện được năng lực lãnh đạo bản thân mình trước. Bạn không thể lãnh đạo người khác nếu bạn không tự lãnh đạo được chính mình.
Vậy nên mọi thứ phải bắt đầu từ bạn trước. Hãy bắt đầu lãnh đạo mình bằng cách tự hỏi:
- Mình thuê thân thể, trí óc này của mình để làm việc gì?
- Mình thuê cái chân, cái tay, cơ thể này để làm điều gì?
- Mình thuê ước mơ, khát vọng của mình để làm điều gì?
- Mình thuê thời gian của mình để làm điều gì?
- Mình thuê quyển sách này để làm điều gì?
- Mình thuê khóa học này để làm điều gì?
- …
Sau đó, hãy nhìn lại tất cả mọi thứ sản phẩm và dịch vụ xung quanh bạn và tự hỏi: “Mình thuê sản phẩm/dịch vụ X này để làm gì cho mình?”
Câu trả lời của bạn sẽ quyết định khả năng bạn làm chủ bản thân mình được đến đâu.
Tóm Lại
- Lý thuyết việc-cần-phải-hoàn-thành cho rằng mọi sản phẩm/dịch vụ bạn thuê là để nó thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó
- Hãy tư duy như một C.E.O với những sản phẩm/dịch vụ mà bạn sử dụng
- Lãnh đạo bản thân mình trước, sau đó bạn mới có thể lãnh đạo những thứ xung quanh bạn
Chúc bạn thành công trong việc làm chủ chính mình.
Hải Đăng
5 Responses
Bài viết hay, cảm ơn anh !!
Cảm ơn em 😉
Bài viết này rất hữu ích, thực tế, cám ơn chia sẽ của bạn.
Từ hôm nay tôi NguyenThi Thu Trang
Thuê fb để đọc báo và tin tức bằng tiếng anh, phục vụ cho việc học và trau dồi kiến thức xã hội
Thuê máy tính để làm thư kí giúp tôi quản lí ccacs công việc bài mà mình cần học
Hì em cảm ơn anh. 1 cách rất thú vị. Và fb chẳng còn là cộng sự quá thân thiết nữa. Nhưng cũng cần mà. Anh này marketing tốt ^^
cảm ơn rất hay vậy bắt đầu từ hôm nay mk sẽ dùng fb vào vc học hỏi kinh nghiệm ;học tiếng anh và học mkt