Đinh Hải Đăng
Chào các bạn,
Trước khi chúng ta đi vào nguyên tắc thứ 3 của Coach Wooden, các bạn thử dừng lại một chút và tự hỏi mình xem là: “Ngày hôm qua mình có sử dụng thời gian một cách thông minh nhất không?” Mình hỏi các bạn câu này vì nguyên tắc thứ ba của Coach Wooden có liên quan rất lớn đến thời gian. Nguyên tắc này có tên là “Biến mỗi ngày của bạn thành một kiệt tác nghệ thuật” (Make each day a masterpiece). Mình rất rất thích từ kiệt tác nghệ thuật (masterpiece) mà Coach sử dụng. Nó hàm ý rằng chúng ta là người họa sĩ của đời mình và mỗi ngày ta sống, ta có quyền chọn họa nên một kiệt tác nghệ thuật hay chọn họa nên một tác phẩm rẻ tiền.
Tác giả Jim Denney từng nói thế này: “Mọi người nói thời gian là tiền bạc. Tôi cho rằng thời gian là cuộc đời… Bạn đã bao giờ nghe ai đó nói ‘À tôi chỉ đang giết thời gian thôi?’ Bạn có biết điều anh ta đang thực sự nói là gì không? Đó là ‘Tôi đang giết chính mình’ đấy. Bởi vì thời gian là tất cả những gì bạn có, và khi nó mất đi, bạn sẽ chết. Khi bạn giết thời gian, bạn tự giết chính mình, từng khoảnh khắc, từng giây một, từng chút một.”
Coach Wooden là người hiểu rõ nhất sự quý giá trong từng giây phút của một trận đấu bóng rổ. Theo quy định, một trận bóng rổ được chia thành 4 hiệp 12 phút, nghĩa là bạn có 48 phút để ném bóng vào rổ nhiều hơn đối phương. Ngay khi bóng đập xuống sàn, đồng hồ đếm giờ sẽ bắt đầu đếm ngược. Lúc này bạn có chính xác 24 giây để ghi bàn, nếu không thì khi hết giờ bạn sẽ phải trả bóng cho đối phương. Một quy luật khác nữa là cầu thủ khi có bóng ở vị trí dưới rổ thì trong 3 giây bắt buộc phải ném bóng, nếu không bóng sẽ thuộc về đội còn lại. Và bạn phải làm tất cả những điều này trong khi đội bạn làm đủ mọi cách để ngăn cản bạn, huých bạn, lấy tay che chắn trước mặt bạn và tìm cách để cướp bóng từ bạn – còn đồng hồ thì vẫn tiếp tục đếm ngược.
Bạn thấy đấy, từng giây, từng phút đều rất quan trọng trong một trận bóng rổ. Nhưng nếu một trận bóng rổ đã như vậy, thì cuộc đời này mỗi giây mỗi phút có quan trọng không? Chắc chắn là có rồi. Vậy nếu bạn có thể biến mỗi ngày thành một kiệt tác nghệ thuật thì đó quả là một cảm giác thật tuyệt vời.
Bây giờ mình sẽ chia sẻ một số cách mà Coach Wooden biến mỗi ngày thành một kiệt tác nghệ thuật.
1. Dành Một Khoảng Thời Gian Mỗi Ngày Để Chuẩn Bị
Trước đây mình từng đọc được một câu nói đó là “Thất bại trong việc chuẩn bị chính là chuẩn bị cho sự thất bại” (Failure to prepare is preparing to fail). Có lẽ chính vì vậy nên Coach Wooden đặt rất nhiều trọng tâm vào sự chuẩn bị mỗi ngày. Với Coach Wooden thì cách bạn luyện tập cũng chính là cách bạn thi đấu – trong cả thể thao cũng như trong bất kỳ điều gì khác.
Những buổi luyện tập của UCLA trung bình kéo dài hai giờ đồng hồ. Mỗi tuần luyện tập 5 ngày. Một mùa giải thông thường kéo dài 21 tuần. Tính trung bình, Coach có 210 giờ luyện tập để đạt được mục tiêu giảng dạy của mình (105 buổi luyện tập, mỗi buổi hai tiếng đồng hồ). Hay như phóng viên, fan hâm mộ có thể nói rằng “John Wooden có 210 tiếng để chiến thắng giải đấu quốc gia.” Nghĩa là Coach có 12.600 phút trong một mùa giải. Những giây phút đó có thể trôi qua một cách nhanh chóng, hoặc có thể nói là bốc hơi, nếu như bạn không quan tâm đến chúng.
(Mình có viết riêng một bài về chủ đề này, bạn có thể đọc ở đây.)
Nỗ lực làm hết sức mình trong ngày hôm nay
Coach Wooden giải thích ý nghĩa của nguyên tắc biến mỗi ngày thành một kiệt tác nghệ thuật như sau: “Khi huấn luyện các cầu thủ của mình, tôi khuyến khích các em hãy nỗ lực hết sức có thể để cải thiện bản thân trong ngày hôm đó, để biến buổi luyện tập đó thành một kiệt tác nghệ thuật… Điều này cần bắt đầu từ việc cố gắng sống xứng đáng mỗi ngày và biết rằng bạn sẽ không bao giờ có thể làm bù lại một ngày đã mất.”
Một trong những điều Coach Wooden rất hay nói với học trò mình đó là: “Đừng bao giờ nghĩ rằng em có thể làm bù lại bằng cách làm gấp đôi vào hôm sau. Nếu như em có đủ năng lực để làm gấp đôi vào ngày mai, thế thì tại sao không làm nó ngay bây giờ?” Theo mình thì đây là một triết lý rất quan trọng của người thành công, đó là tập trung vào hiện tại. Chỉ có hiện tại mới là giây phút thực sự ở đây, và nếu bạn không nỗ lực hết sức trong ngày hôm nay thì liệu rằng tương lai có thay đổi gì không? Hẳn nhiên là không rồi.
Một cách lý giải khác nữa về điểm này đó là Coach hay dạy học trò rằng “các em không thể cho được 110 phần trăm” (you can’t give 110 percent). “Cho thầy 100 phần trăm nỗ lực của các em. Các em không thể nào bù lại một nỗ lực tồi tệ của ngày hôm nay bằng cách thảy vào 110 phần trăm vào ngày mai. Các em không có 110 phần trăm. Các em chỉ có 100 phần trăm mà thôi, và đó là điều thầy muốn ở tụi em ngay lúc này.”
Đây là một trong những điều mình rất tâm đắc khi đọc về nguyên tắc này. Mỗi ngày nỗ lực hết sức mình chỉ cho ngày hôm đó mà thôi. Đừng để ảo tưởng rằng mình có thể làm bù vào ngày hôm sau khiến cho bạn trì hoãn hay không làm hết khả năng của bản thân. Nếu như bạn có thể thực hiện được đúng nguyên tắc này thì bạn sẽ tỏa sáng trong công việc so với những người khác.
Một trải nghiệm cá nhân của mình là khi bạn tập trung và làm hết khả năng của mình, thì thông thường chúng ta không cần phải tốn quá nhiều thời gian cho một ngày làm việc, mà đôi khi chúng ta có thể giải quyết hết toàn bộ việc chỉ trong vòng một nửa thời gian so với thông thường. Chẳng phải quá tuyệt vời hay sao?
Đúng giờ
Có một luật lệ mà Coach không bao giờ sửa đổi, đó là: ĐI ĐÚNG GIỜ. Chấm hết. Dù là cầu thủ hay trợ lý huấn luyện viên nếu vi phạm luật này đều phải chịu hậu quả.
Với John Wooden, đi trễ nghĩa là thể hiện sự thiếu tôn trọng với huấn luyện viên, thiếu tôn trọng với các thành viên của đội, và có lẽ tệ nhất, đó là thiếu tôn trọng với thời gian.
Một lần nọ, đội bóng phải đi du đấu với đội Mishawaka, một đối thủ truyền kiếp. Và xe buýt theo dự kiến sẽ rời đi lúc 6 giờ chiều. Tất cả mọi cầu thủ đều đã yên vị và sẵn sàng, duy chỉ có hai chiếc ghế còn trống. Và cả hai cầu thủ này lại là đồng đội trưởng của đôi.
Khi Coach Wooden bước lên xe, ông hỏi người tài xế: “Bác tài này, tôi đã nói mấy giờ thì xe buýt sẽ khởi hành nhỉ?” Người tài xế trả lời: “Sáu giờ chiều, thưa huấn luyện viên. Vẫn như mọi khi.”
Coach hỏi tiếp: “Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?” Bác tài nhìn đồng hồ của mình và trả lời: “Đúng sáu giờ, thưa huấn luyện viên.” Coach trả lời lại không một chút do dự: “Đồng hồ của tôi cũng chỉ đúng sáu giờ. Vậy nghĩa là bây giờ là sáu giờ chiều rồi.”
Ông quay sang và nhìn xuống hai chiếc ghế trống trên xe buýt, sau đó nói với tài xế: “Đi thôi.” Xe buýt rời đi bỏ lại hai cầu thủ quan trọng nhất của đội.
Quy tắc của Coach đó là đi đúng giờ, nếu không xe buýt sẽ bỏ bạn lại. Kể cả khi hai cầu thủ đó rất quan trọng thì quy tắc vẫn là quy tắc. Và kể cả khi một trong những cầu thủ đó là con trai của phó hiệu trưởng trường đi nữa thì cũng không quan trọng.
Đi đúng giờ. Tôn trọng thời gian của mình và của người khác. Đó là bài học mà tất cả các cầu thủ đều thấm nhuần dưới sự huấn luyện của Coach Wooden.
Cá nhân mình thì thấy rằng đây không chỉ là về việc đúng giờ, mà là về việc học cách tôn trọng thời gian. Rất nhiều người cho rằng trễ 1-2 phút đâu có là gì. Nhưng nếu giả sử như 40 người đang chờ bạn, và bạn trễ 1 phút thì nghĩa là bạn đang làm trễ đến 40 phút đấy. Một người biết tôn trọng thời gian sẽ không cho phép bản thân mình đánh mất đi một khoảng thời gian quý báu như vậy của mình và của những người khác.
Bên cạnh đó, việc đi đúng giờ này còn là thể hiện sự cam kết của chính bản thân mỗi người. Cũng như ta hay định sẵn là tới giờ đó mình sẽ làm việc đó, nhưng rốt cuộc khi thời điểm đó đến, chúng ta lại bị những thú vui khác hấp dẫn hơn khiến cho chúng ta không thực hiện được đúng như cam kết mà mình đã nói ra.
2. Đặt Mục Tiêu Để Biến Mỗi Ngày Thành Một Kiệt Tác Nghệ Thuật
Cựu cầu thủ Jamaal Wilkes của UCLA chia sẻ về nguyên tắc này như sau: “Tất cả những gì bạn có thể kiểm soát là ngày hôm nay. Ngày hôm qua đã trôi đi, và tương lai thì vẫn chưa tới. Khi bạn sống hết mình cho ngày hôm nay, ngày mai sẽ tự động tốt đẹp hơn. Coach sống với triết lý này mỗi ngày tại UCLA.”
Một cựu cầu thủ khác là Ralph Drollinger cho biết: “Thầy Wooden rất thích từ industriousness (sự cần cù/chăm chỉ/siêng năng). Thầy rất chú trọng việc mỗi đêm trước khi đi ngủ, ta biết rằng ta đã làm toàn tâm toàn ý hết khả năng của mình trong ngày hôm ấy. Chúng ta để lại dấu ấn của mình trên thế giới mỗi ngày, và trong quá trình đó, chúng ta tìm thấy sự thỏa mãn trong chuyến hành trình.”
Dưới đây là một số cách để chúng ta có thể biến mỗi ngày thành một kiệt tác nghệ thuật.
1. Biết rõ mình muốn đạt được điều gì trong ngày hôm ấy.
Thường thì mỗi sáng hoặc đêm trước đó mình sẽ xem lại danh sách những việc phải làm của mình. Thêm, bớt hoặc chuyển giao nó cho người khác. Với những mục tiêu hay việc nào quá lớn, mình sẽ chia nhỏ nó thành các bước nhỏ hơn mà mình có thể thực hiện được liền.
Bạn có thể chọn viết ra danh sách này bằng sổ tay hoặc bằng phần mềm tùy bạn. Có người thích dùng sổ tay vì nó giúp họ được có thời gian yên tĩnh và kết nối với bản thân. Có người thì lại dùng phần mềm vì nó nhanh, lẹ và dễ chỉnh sửa trong suốt cả ngày. Cá nhân mình thì dùng phần mềm Todoist (ngoài ra còn nhiều phần mềm khác cũng rất hay như Wunderlist, Any.do, Trello, Google Tasks v…v…) để quản lý công việc.
Chủ đề này thì có thể viết hẳn thành một bài riêng luôn, vậy nên mình sẽ liệt kê ra ở đây một số bài mình đã viết về chủ đề này, cũng như một số bài của các tác giả khác mà mình thấy rất tâm đắc. Các bạn có thể tự tìm hiểu và nghiên cứu thêm nhé. Mình sẽ liệt kê cả bài tiếng Việt lẫn bài tiếng Anh luôn để bạn tự tham khảo. Thời buổi bây giờ kỹ năng tự nghiên cứu và đọc hiểu tiếng Anh cũng rất quan trọng. Vậy nên nếu bạn muốn biến một ngày của mình thành một kiệt tác nghệ thuật thì bạn phải biết tự nâng cấp bản thân mình :). Mình không thích dọn sẵn cỗ cho ai ăn cả, muốn ăn thì lăn vào bếp bạn nhé.
- Quản Lý Thời Gian Để Nâng Cao Hiệu Suất Bản Thân
- The Beginner’s Guide to Productivity and Time Management
2. Ngừng trì hoãn.
Sự trì hoãn chính là điều sẽ ngăn cản chúng ta có một ngày tuyệt vời. Thông thường chúng ta trì hoãn là vì chúng ta bị cám dỗ bởi những thứ dễ dàng, những thứ mang lại cho ta cảm xúc thỏa mãn (nhưng lại không phải là thứ có ích cho ta).
Vậy làm sao để ngừng trì hoãn? Mình thấy có nhiều trang, blogger, chuyên gia chia sẻ nhiều về chiến lược để không trì hoãn. Nhưng sau khi trải nghiệm qua hết thì mình đúc rút lại bốn từ sau (xin lỗi bạn nếu có hơi bỗ bã một tí): JUST FUCKING DO IT!
- Nếu bạn muốn viết một quyển sách, hãy bắt đầu bằng việc viết các bài blog nhỏ. Quan trọng là JUST FUCKING DO IT!
- Nếu bạn muốn tập thể dục, hãy bắt đầu bằng việc đi bộ một ngày 5 phút. Quan trọng là JUST FUCKING DO IT!
- Nếu bạn muốn thành thạo tiếng Anh, hãy bắt đầu bằng 30 phút luyện tập mỗi ngày. Quan trọng là JUST FUCKING DO IT!
Hãy cứ bắt đầu thôi.
Bạn có hiểu ý mình không? Bao nhiêu chiến lược đi nữa cũng không quan trọng bằng việc xắn tay áo lên mà làm. Cứ làm đi, rồi sẽ có đà làm tiếp. Như khi mình đang viết những dòng này đây, thì khoảng 10 phút trước mình còn đang thấy lười chết đi được (vì hôm nay là Chủ Nhật và mình đang rất buồn ngủ). Nhưng khi đã mở chương trình lên rồi và viết vài dòng thì tự nhiên cái đà, cái động lực nó ở đâu tới vậy đó. Nên làm ơn, khuyên thật lòng luôn, JUST FUCKING DO IT!
Bạn đã hiểu nhưng vẫn muốn tìm chiến lược để vượt qua sự trì hoãn? Không sao. Mình không phủ nhận tầm quan trọng của chiến lược và bản thân mình cũng áp dụng khá nhiều chiến lược để vượt qua trì hoãn. Tuy nhiên hãy nhớ là chiến lược không bằng thực thi nha (execution trumps strategies). Dưới đây là đầy đủ bí kíp cho bạn để tham khảo. Nhưng nhớ là JUST FUCKING READ IT! nha.
- Procrastination
- Why Procrastinators Procrastinate
- The Procrastination Matrix
- Sức mạnh của sự bắt đầu không hoàn hảo
3. Cẩn thận với những thứ làm ta xao nhãng và tốn thời gian
Có hai dạng khiến ta xao nhãng và mất thời gian:
- Kiểu chủ động = mình tự làm mình lãng phí thời gian (Lướt Facebook, xem Youtube, xem Pinterest, chat Messenger v…v…)
- Kiểu bị động = người khác làm lãng phí thời gian của mình (Bạn bè gọi qua tám chuyện mà bạn cũng tát nước theo mương luôn, không chủ động dập máy; Đồng nghiệp làm việc không tốt khiến cho mình phải tốn thời gian xử lý hậu họa v…v…)
Đối với kiểu chủ động, bạn cần phải biết rằng ai là người làm chủ cuộc đời mình? Bạn hay là Facebook, Youtube? Mình đã từng viết một vài bài về cách để không nghiện Facebook, bạn có thể tham khảo qua. Nhìn chung, mình thấy một cách dễ nhất để không nghiện một thứ gì đó là phải có một cái nghiện khác thế vào. Như mình thì nghiện làm việc, nghiện tạo thêm giá trị cho người khác.
Hồi đó mình cũng ham Facebook lắm, nhưng từ hồi mình nghiện mấy cái trên thì một lẽ tự nhiên Facebook chẳng còn giá trị gì với mình nữa. Bạn có thể đọc về nó ở đây và ở đây. Đôi khi sự đơn giản sẽ giải quyết được hết những vấn đề ta đang gặp phải thay vì cứ cố phức tạp phương pháp, chiến lược này nọ.
Kiểu bị động thì sẽ hơi khó hơn một chút nhưng vẫn có thể làm được. Bạn bè gọi điện tám chuyện, đơn giản là chủ động nói họ biết bạn đang bận và cần phải quay lại làm việc. Đồng nghiệp làm không tốt thì việc của bạn không phải hứng giùm mà là bắt họ phải làm cho đạt chuẩn. Quan trọng là bạn phải nhớ rằng bạn có quyền chủ động trong việc này.
Mình từng viết một bài về cách quản lý sự tập trung, bạn có thể tham khảo ở đây.
4. Tập trung vào sự xuất sắc (excellence)
Nếu bạn muốn một ngày của mình là một kiệt tác nghệ thuật, hãy tập trung vào sự xuất sắc (excellence). Đừng chấp nhận mọi thứ ở mức trung bình (mediocre).
Hãy đầu tư thời gian của mình để tạo nên những sản phẩm xuất sắc, để phụng sự người khác một cách xuất sắc, để xây dựng những mối quan hệ xuất sắc với người thân và bạn bè của mình. Đừng bao giờ chấp nhận mắc kẹt ở mức trung bình.
Sue Enquist, người được mệnh danh là John Wooden của bóng mềm, đã đưa ra một quy tắc mà bà gọi là Quy Luật 33 Phần Trăm. Theo quy tắc này, bạn có thể phân mọi người vào ba hạng mục. Một phần ba thấp nhất là những kẻ chỉ biết than phiền và phàn nàn. Một phần ba ở giữa là những người mà thái độ của họ dao động từ tích cực đến tiêu cực tùy thuộc vào hoàn cảnh. Một phần ba trên cùng là những người duy trì thái độ tích cực kể cả khi đối mặt với nghịch cảnh. Những người tích cực này thường là nhà lãnh đạo, những người xuất chúng và những kẻ làm thay đổi cả cuộc chơi.
Những người nằm trong một phần ba trên cùng này luôn luôn nhắm đến sự xuất sắc. Enguist mô tả rằng họ sống trong một cái “bong bóng” của chuẩn mực cao. Thông thường các vận động viên khi được chơi cùng với những đồng đội có kiểu tư duy như vậy không nhận ra rằng đây là một trải nghiệm hết sức hiếm có. Enquist đặt tên cho nó là trải nghiệm “ở trong bong bóng” (inside the bubble).
Bà nói thêm: “Cái ngày mà bạn tốt nghiệp và nhận một công việc, bạn sẽ thấy rằng vây xung quanh bạn là những con người trung bình với những kết quả trung bình. Bạn sẽ trở thành chuẩn mực mà mọi người hướng tới. Bạn sẽ biết được cảm giác đặc biệt như thế nào khi được ở trong bong bóng chuẩn mực.”
Nếu bạn tập trung vào sự xuất sắc ngay từ khoảng khắc mà bạn thức dậy vào lúc buổi sáng cho đến khi bạn ngả giấc vào ban đêm, bạn sẽ thấy rằng mọi ngày trong đời mình đều là một trải nghiệm sự xuất sắc – một kiệt tác nghệ thuật.
3. Mỗi Ngày, Hãy Đầu Tư Vào Người Khác
Bạn còn nhớ Nguyên tắc 2 – Giúp đỡ người khác của Coach Wooden không? Để biến một ngày thành một kiệt tác nghệ thuật, bạn cần phải giúp đỡ người khác, bạn cần phải ở trong tâm thế của người phụng sự (a servant mindset). Điều này nghĩa là sao?
Đơn giản thôi. Nếu bạn là người đi làm, hãy phụng sự đồng đội, sếp, và công ty của mình. Tìm ra cách để làm việc hiệu quả hơn. Tìm ra cách để công việc của đồng đội và sếp mình dễ dàng hơn. Suy nghĩ xem có cách nào để tạo thêm giá trị cho công ty hay không?
Nếu bạn là sinh viên, hãy phụng sự bạn bè của mình, trường lớp của mình. Giúp cho bạn mình học tốt hơn. Cùng mở những chủ đề để thảo luận về môn học hoặc các chủ đề có lợi ích cho bạn bè mình. Rủ bạn bè mình tham gia các hội thảo phát triển bản thân. Nói chung, tâm thế của người phụng sự là: “Làm thế nào để mình giúp người này?”
Swen Nater kể rằng “Triết lý sống của John Wooden đó là bạn chưa bao giờ sống một ngày hoàn hảo cho đến khi bạn đã giúp một ai đó mà họ không thể trả ơn bạn bằng bất kỳ cách nào. Mục tiêu của John Wooden là sống một ngày hoàn hảo – không chỉ một ngày, mà là mỗi ngày. Ông ấy thật sự tập trung vào mục tiêu đó. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao mà ông lại rất thoải mái với việc gặp gỡ mọi người tại nhà riêng của mình, không cần biết đó là ai.
“Coach đã dùng cuộc đời của ông để đầu tư vào việc giúp đỡ tôi. Bao giờ thì tôi mới trả hết được món nợ ân tình này? Tôi nghĩ là không thể được! Và đó là cách mà Coach muốn. Đó là cách ông chọn để sống cuộc đời của mình. Ông ấy luôn luôn giúp đỡ người khác, đầu tư cuộc đời mình vào người khác – và đó là cách mà ông biến mỗi ngày của mình thành một kiệt tác nghệ thuật.”
4. Đừng Để Những Thứ Cần Nói Không Được Nói Ra
Có lẽ đây là phần làm cho mình ấn tượng nhất và cảm xúc nhất khi đọc sách.
Andy Hill, một cựu cầu thủ đã từng chơi cho Coach Wooden, kể lại một câu chuyện như sau. “Khi ấy tôi đang lái xe của vợ cùng Coach Wooden. Lúc ấy chúng tôi đang đến một bữa tiệc. Khi chúng tôi đang di chuyển trên xa lộ L.A. thì bỗng nhiên, Coach nói với tôi, ‘Andy này, đã bao giờ thầy nói với em rằng thầy yêu quý em đến mức nào chưa?’
“Tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Cổ họng tôi nghẹn lại và tôi nắm chặt tay vào vô lăng, bối rối không biết nói gì. Sau đó Coach nói tiếp, ‘Đã bao giờ thầy nói với em rằng thầy thật sự trân trọng việc em gọi điện cho thầy sau bao nhiêu năm và nối lại tình bạn giữa thầy trò ta chưa?’
“Lúc đó suýt nữa là tôi đã lái xe trật ra khỏi xa lộ. Bây giờ nhớ lại, tôi nhận ra rằng Coach không làm bất kỳ điều gì một cách ngẫu hứng cả. Thầy đã suy nghĩ về điều mà thầy muốn nói. Và thầy đã đưa ra quyết định rằng ngày hôm ấy, thầy sẽ nói cho tôi nghe về cảm nhận của thầy đối với tình bạn giữa hai chúng tôi. Thầy sẽ không để cho bất kỳ điều gì cần nói nhưng không được nói ra.”
Mình nghĩ có lẽ một ngày kiệt tác là một ngày mà chúng ta sống hết mình ở hiện tại. Nói những điều cần phải nói với những người mình yêu quý nhất. Vì chúng ta chẳng bao giờ biết được đâu sẽ là ngày cuối cùng trong cuộc đời của mình cả.
Nếu mỗi ngày bạn sống là một kiệt tác nghệ thuật, đến cuối cùng, bạn sẽ có một cuộc đời kiệt tác, một bức tranh nghệ thuật.
Chúc cho mỗi người chúng ta đều là những người nghệ sĩ tài hoa,
Đinh Hải Đăng
3 Responses
Cảm ơn anh bài viết của anh rất hay!
Cảm ơn em nhiều 🙂
[…] Nguyên tắc 3 – Biến mỗi ngày thành một kiệt tác nghệ thuật […]